Chào Luật sư, tôi có một câu hỏi muốn hỏi Luật sư để được tư vấn như sau: Tôi đang là nhân viên của một cửa hàng bán giày quy mô vừa phải, bạn của tôi cũng là nhân viên của cửa hàng này nhưng vào một ngày nọ anh bạn này bị chủ phát hiện đã trộm cắp những 10 đôi giày của cửa hàng này bán ra bên ngoài. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp của anh bạn này khi trộm cắp tài sản trong quá trình lao động thì sẽ bị xử lý như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
♦ Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi thắc mắc đến cho Công ty Luật Hùng Sơn, về vấn đề bạn đang đặt câu hỏi, chúng tôi xin được phép giải đáp thắc mắc như sau.
1. Cơ sở pháp lý quy định rõ về vấn đề trộm cắp tài sản trong quá trình lao động.
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Điều 173 và Điều 174).
– Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 125 và Điều 128).
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về những hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể (Điều 15).
2. Quy định hình thức xử lý kỷ luật đối với hành vi trộm cắp tài sản trong quá trình lao động:
– Căn cứ theo Điều 125 của Bộ luật Lao động năm 2012 về các hình thức xử lý kỷ luật trong lao động, được quy định cụ thể như sau:
- Xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách
- Xử lý kỷ luật bằng hình thức kéo dài thời hạn nâng lương đến 6 tháng hoặc có thể bị cách chức
- Xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải
Như vậy, trong trường hợp của người bạn của bạn có hành vi trộm cắp tài sản trong quá trình lao động, cụ thể là trộm 10 đôi giày trong quá trình làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng thì các hình thức xử lý kỷ luật có thể áp dụng cho anh bạn ấy là khiển trách, hoặc có thể bị kéo dài thời hạn nâng lương nhưng không quá 6 tháng hoặc có thể anh bạn ấy sẽ bị chủ cửa hàng sa thải.
– Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật người lao động không được vi phạm các điều cấm của pháp luật lao động trong quá trình xử lý kỷ luật, căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cụ thể như sau:
- Cấm xâm phạm đến thân thể và nhân phẩm của người lao động
- Cấm dùng các hình thức như phạt tiền hoặc cắt lương thay cho việc sẽ xử lý kỷ luật đối với người lao động
- Không được xử lý kỷ luật đối với người lao động có những hành vi vi phạm đã không được quy định cụ thể trong nội quy lao động
Như vậy, cụ thể trong trường hợp của người bạn của bạn thì chủ cửa hàng sẽ không được dùng các biện pháp được quy định trên đây để xử lý kỷ luật đối với người bạn ấy bởi vì đây là những hành vi bị cấm khi phải xử lý kỷ luật người lao động, và người bạn ấy sẽ không phải bị phạt tiền (chỉ xảy ra đối với khi bị xử lý kỷ luật).
Xem thêm >>> Tội trộm cắp tài sản bị xử phạt theo pháp luật như thế nào?
3. Những trách nhiệm khác có thể chịu đối với hành vi trộm cắp tài sản trong quá trình lao động:
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Trộm cắp tài sản;
Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
Sử dụng trái phép tài sản của người khác.”
Như vậy, đối với hành vi của người bạn nhân viên này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Ngoài ra, nếu xét thấy hành vi của người bạn nhân viên này đủ các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội trộm cắp tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của người bạn nhân viên nếu xét thấy hành vi của bạn ấy có các yếu tố đủ để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, trên đây là những tư vấn của Công ty Luật Hùng Sơn về vấn đề giải quyết như thế nào đối với hành vi trộm cắp tài sản trong quá trình lao động. Nếu có thêm thắc mắc về vấn đề được đặt câu hỏi như trên, bạn có thể liên hệ chúng tôi để được tư vấn chi tiết hoặc có thể xem thêm các bài viết khác về Lao động – Bảo hiểm tại đây!