logo

So sánh bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại

So sánh bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại? Bảo hiểm là một trong các phương pháp quản lý rủi ro tốt nhất và được rất nhiều người ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bảo hiểm và không phải loại nào cũng giống nhau. Bởi vậy, người sử dụng cần biết cách phân biệt các loại bảo hiểm. Trong bài viết này, hãy cùng Luật Hùng Sơn phân biệt bảo hiểm xã hội với bảo hiểm thương mại nhé!

Bảo hiểm xã hội là gì?

Hiện nay những nội dung liên quan tới chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) được quy định rõ ràng trong luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và những văn bản hướng dẫn. Căn cứ theo khoản 1, Điều 3 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, BHXH được định nghĩa như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Những chế độ về bảo hiểm xã hội đã được Nhà nước tổ chức và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội nhằm đảm đảm đời sống cho người tham gia.

so sánh bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại

Bảo hiểm thương mại là gì?

Bảo hiểm thương mại chính là loại bảo hiểm hoạt động dựa theo nguyên tắc số đông bù số ít. Theo đó người bảo hiểm phải cam kết bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm trong trường hợp có sự kiện được bảo hiểm xảy ra. Khi đó, bên được bảo hiểm phải cam kết trả một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm.

Các loại bảo hiểm hiện nay

Bảo hiểm được chia thành rất nhiều loại sản phẩm khác nhau tuỳ theo phương diện đối tượng được bảo hiểm, tính chất hoạt động hay phương thức tham gia. Tuy nhiên, để phân biệt các loại bảo hiểm dễ dàng nhất chúng ta nên căn cứ vào khía cạnh xã hội và kinh tế. Qua đó bảo hiểm được thành 2 loại chính đó là bảo hiểm do Nhà nước thực hiện và bảo hiểm thương mại.

Bảo hiểm thương mại

Trên thị trường hiện nay có 3 loại hình bảo hiểm thương mại đó là: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Cụ thể như sau:

Bảo hiểm nhân thọ

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ chính là loại nghiệp vụ bảo hiểm áp dụng cho người được bảo hiểm sống hay chết. Bảo hiểm nhân thọ bao gồm 7 nghiệp vụ bảo hiểm như sau:

  • Bảo hiểm sinh kỳ: Là nghiệp vụ bảo hiểm cho những người được bảo hiểm sống tới một thời hạn nhất định. Khi đó doanh nghiệp bảo hiểm cần phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng, trong trường hợp người được bảo hiểm vẫn sống tới thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm tử kỳ: Là nghiệp vụ bảo hiểm nếu người được bảo hiểm chết trong 1 thời hạn nhất định. Qua đó doanh nghiệp bảo hiểm cần phải trả tiền bảo hiểm cho đối tượng thụ hưởng, nếu như người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm hỗn hợp: Là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp với bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.
  • Bảo hiểm trọn đời: Là nghiệp vụ bảo hiểm cho những người được bảo hiểm chết vào bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của họ.
  • Bảo hiểm trả tiền định kỳ:  Là nghiệp vụ bảo hiểm cho những người được bảo hiểm sống đến 1 thời hạn nhất định. Sau khoảng thời gian đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho những người thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm hưu trí: Là nghiệp vụ bảo hiểm cho đối tượng được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm liên kết đầu tư: Là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp cả 2 tiêu chí là bảo vệ rủi ro và đầu tư sinh lời. Hiện nay các công ty bảo hiểm nhân thọ đang triển khai theo 2 hình thức bảo hiểm liên kết chung cùng với bảo hiểm liên kết đơn vị thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư.

Bảo hiểm sức khỏe

Bảo hiểm sức khỏe chính là loại hình bảo hiểm cho đối tượng được bảo hiểm bị thương tật, ốm đau, bệnh tật, tai nạn hoặc chăm sóc sức khỏe được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo uúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, bảo hiểm sức khỏe có 3 nghiệp vụ bảo hiểm sau:

  • Bảo hiểm tai nạn con người là các sản phẩm bảo hiểm cho các trường hợp bị tổn thương thân thể hay tử vong do tai nạn.
  • Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế thương mại hay còn được gọi với cái tên bảo hiểm sức khỏe của những công ty bảo hiểm phi nhân thọ để hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi những người tham gia không may gặp rủi ro ốm đau bệnh tật, tai nạn…
  • Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe chính là sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí điều trị cũng như trợ cấp cho nh ữngngười tham gia trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, tai nạn, phẫu thuật, thai sản…

Bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ chính là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và những nghiệp vụ bảo hiểm khác không phải bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ được phân chia thành những nghiệp vụ bảo hiểm sau đây:

  • Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: Trong đó, bảo hiểm tài sản là sản phẩm bảo hiểm cho các tài sản bao gồm vật có thực, tiền, các loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và những quyền tài sản.
  • Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa.
  • Bảo hiểm hàng không: “Bảo hiểm hàng không là bảo hiểm dành riêng cho hoạt động của máy bay và những rủi ro liên quan đến quá trình vận chuyển bằng đường hàng không (bao gồm hàng hóa và con người)”.
  • Bảo hiểm xe cơ giới chính là sản phẩm bảo hiểm dành cho các loại xe cơ giới để bồi thường cho chủ xe trong trường hợp không may xảy ra rủi ro liên quan tới con người, chiếc xe hay hàng hóa trên xe. Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc, chủ xe cơ giới có thể mua thêm các sản phẩm tự nguyện: Bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe và người ngồi trên xe; Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe; Bảo hiểm của chủ xe đối với hàng hoá vận chuyển trên xe.
  • Bảo hiểm cháy, nổ chính là sản phẩm bồi thường cho những thiệt hại xảy ra đối với các tài sản của cơ sở được bảo hiểm trong trường hợp không may xảy ra rủi ro cháy, nổ.
  • Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu: Trong đó, bảo hiểm thân tàu là sản phẩm bồi thường cho những thiệt hại xảy ra đối với thân vỏ tàu, máy móc và các trang thiết bị tàu do các hiểm họa của biển/sông nước gây ra, hay do những tai nạn bất ngờ. “Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự chủ tàu là bảo hiểm cho các rủi ro liên quan đến những trách nhiệm và các chi phí theo luật định mà chủ tàu, người quản lý, người điều hành, người thuê tàu (không kể người thuê tàu chuyến) phải chi trả đối với các thiệt hại của người thứ ba do quá trình hoạt động của tàu, thuyền gây ra, bao gồm cả thiệt hại về con người và tài sản.”
  • Bảo hiểm trách nhiệm là sản phẩm bảo hiểm dành cho các rủi ro liên quan tới những trách nhiệm pháp lý hoặc nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại do lỗi của đối tượng được bảo hiểm làm tổn hại cho các tổ chức, cá nhân khác.
  • Bảo hiểm tín dụng và  những rủi ro tài chính: Bảo hiểm tín dụng được xem là sản phẩm bảo hiểm cho các khoản vay giúp những người đi vay trả nợ ngân hàng nếu không may gặp rủi ro bất ngờ.
  • Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh chính là nghiệp vụ bảo hiểm cho các rủi ro về tài sản trong quá trình sản xuất cũng như kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Bảo hiểm nông nghiệp chính là loại hình bảo hiểm dành cho đối tượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Qua đó bên mua bảo hiểm sẽ phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho những người được bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm (Căn cứ theo Nghị định về Bảo hiểm nông nghiệp).

Bảo hiểm do Nhà nước thực hiện

Bên cạnh các loại bảo hiểm thương mại còn có những bảo hiểm do Nhà nước thực hiện. Mời các bạn cùng tìm hiểu thông qua nội dung dưới đây!

Bảo hiểm tiền gửi

Theo luật Bảo hiểm tiền gửi thì bảo hiểm tiền gửi chính là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho những người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm nếu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho các đối tượng gửi tiền hoặc những đối tượng bị phá sản. 

Căn cứ theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg mới nhất của Thủ tướng Chính phủ quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi thì “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).”

Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế theo luật bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe, không màng lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Dựa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa là 6% tiền lương tháng hay mức lương cơ sở… tùy theo từng đối tượng. Tuy nhiên, Nhà nước hỗ trợ từ 30% -100% tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho một số đối tượng như những người có công với cách mạng, hộ gia đình cận nghèo, các học sinh sinh viên…

Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội theo luật Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hay bù đắp một phần thu nhập của những người lao động khi họ bị cắt giảm hay mất thu nhập khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hay chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc chính là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà những người lao động và người sử dụng lao động cần phải tham gia. Mức đóng hàng tháng của người lao động Việt Nam là 8% mức tiền lương tháng/ lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà những người tham gia được lựa chọn mức đóng, cách thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Đồng thời, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để giúp những người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Những chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, các căn bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất. Những chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là hưu trí và tử tuất.

So sánh bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại

Giống nhau

  • Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại được thực hiện trên cùng 1 nguyên tắc bất di bất dịch đó là: Có tham gia đóng góp bảo hiểm thì mới được hưởng quyền lợi, nếu không đóng góp thì không được đòi hỏi quyền lợi.
  • Hoạt động của hai loại bảo hiểm này là để bù đắp tài chính cho những đối tượng tham gia bảo hiểm khi họ gặp phải các rủi ro gây ra thiệt hại trong khuôn khổ bảo hiểm đang tham gia.
  • Cách thức hoạt động của 2 loại hình bảo hiểm này đều mang tính “cộng đồng – lấy số đông bù số ít” có nghĩa là sử dụng số tiền đóng góp của số đông người tham gia để có thể bù đắp, chia sẻ cho 1 số ít người gặp phải biến cố rủi ro gây ra tổn thất.

Khác nhau

  • Mục tiêu hoạt động của bảo hiểm thương mại chính là lợi nhuận. Trong đó, mục tiêu hoạt động bảo hiểm xã hội đó là nhằm thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước. Đồng thời góp phần ổn định đời sống cho những người lao động và các thành viên trong gia đình họ. Bởi vậy, hoạt động bảo hiểm xã hội chính là hoạt động phi lợi nhuận và đảm bảo mục đích an sinh xã hội.
  • Phạm vi hoạt động của bảo hiểm xã hội có liên quan trực tiếp tới người lao động và những thành viên trong gia đình họ và nó chỉ diễn ra trong từng quốc gia. Các hoạt động bảo hiểm thương mại rộng hơn, nó không chỉ diễn ra trong từng quốc gia mà còn phổ biến ở quốc gia khác. Loại bảo hiểm này có mặt ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội thậm chí có cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.
  • Có cơ sở nguồn tiền đóng, mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH hoàn toàn dựa vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của những người lao động. Bảo hiểm xã hội thực hiện những quy định theo chính sách xã hội của Nhà nước theo từng thời kỳ nhằm mục đích đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội và sự ổn định chính trị của quốc gia.
  • Bảo hiểm thương mại thực hiện dựa theo cơ chế thị trường và nguyên tắc hạch toán kinh doanh. Theo đó, quan hệ giữa mức đóng góp và mức hưởng chính là quan hệ tương đồng thuần tuý, có nghĩa là ứng với mỗi mức đóng góp bảo hiểm nhất định nếu xảy ra rủi ro sẽ nhận được 1 mức quyền lợi tương ứng quy định trước.

Bảo hiểm thương mại có bắt buộc không?

Bảo hiểm thương mại được thực hiện bởi những doanh nghiệp bảo hiểm để cung cấp cho xã hội 1 loại hàng hóa, dịch vụ “an toàn”, dựa trên cơ sở đó, nhà bảo hiểm sẽ tìm kiếm một khoản lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm. Nói theo cách khác thì mối quan hệ của Bảo hiểm thương mại nẩy sinh hoàn toàn mang tính chất tự nguyện.

Thông thường, bảo hiểm bắt buộc được hình thành trên cơ sở luật định để bảo vệ lợi ích của các nạn nhân trong những vụ tổn thất và bảo vệ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế – xã hội. Những hoạt động nguy hiểm có thể dẫn đến tổn thất con người và tài sản trầm trọng thường gắn liền với trách nhiệm dân sự nghề nghiệp thường là các đối tượng của sự bắt buộc này. 

Chẳng hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trách nhiệm dân sự của thợ săn… Mặc dù vậy, sự bắt buộc nyà chỉ là bắt buộc những người có đối tượng mua bảo hiểm chứ không bắt buộc phải mua bảo hiểm ở đâu. Tính chất tương thuận của hợp đồng bảo hiểm khi được ký kết vẫn còn nguyên bởi người được bảo hiểm vẫn tự do chọn lựa nhà bảo hiểm cho mình.

Trên đây là những so sánh bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại chi tiết nhất. Hy vọng thông tin này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về 2 loại bảo hiểm này và lựa chọn bảo hiểm phù hợp với mình. Nếu như còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thương mại cũng như luật pháp nói chung, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp tận tình nhé!

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn