Người lao động được hưởng chế độ an sinh xã hội như thế nào?

Người lao động được hưởng chế độ an sinh xã hội như thế nào khi bị tai nạn nghề nghiệp là câu hỏi nhiều người muốn được giải đáp. Để tìm hiểu rõ vấn đề này, Luật Hùng Sơn xin đưa ra tư vấn một yêu cầu của khách hàng có nội dung như sau:

Quảng cáo

Xin chào Luật sư, tôi muốn được luật sư tư vấn trường hợp này của tôi:

Tôi làm việc trong công ty Y từ năm 2000. Tháng 6/2018, tôi được cử đi công tác tại tỉnh T. Trên đường đi, tôi bị tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, phải nằm bệnh viện điều trị mất 4 tháng. Khi ra viện, tôi được kết luận suy giảm 62% khả năng lao động.

So sức khỏe yếu nên tôi xin nghỉ việc và được công ty Y đồng ý. Được biết, tại thời điểm xin nghỉ việc, tôi 53 tuổi, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được chốt sổ là 23 năm.

Luật sư cho tôi hỏi tôi được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội ntheo quy định pháp luật hiện hành.

 

chế độ an sinh xã hội

 

Với vấn đề của anh, Luật Hùng Sơn xin được tư vấn như sau:

Anh bị tai nạn giao thông khi trên đường đi công tác (thực hiện công việc của công ty Y giao). Trường hợp này được coi là tai nạn lao động. Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thì tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở được coi là tai nạn lao động. Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 đã định nghĩa “tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”. Theo đó, đây là tai nạn khó có thể lường trước những rủi ro, tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc.

Theo quy định của Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động chỉ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và đã đóng bảo hiểm xã hội theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014. Anh đã làm việc cho công ty Y được 18 năm (từ năm 2000 đến năm 2018). Theo đó, xác định hợp đồng lao động của Anh và công ty Y là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Anh được chốt sổ bảo hiểm 23 năm đóng bảo hiểm xã hội. Vì thế chứng tỏ Anh đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc,

Thứ hai, bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

+ Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Anh đáp ứng điều kiện này vì anh bị tai nạn giao thông trên đường đi công tác, thuộc trường hợp tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Thứ ba, tai nạn khiến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Anh bị tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, phải nằm bệnh viện điều trị mất 4 tháng. Khi ra viện, anh được kết luận suy giảm 62% khả năng lao động. Như vậy, mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn đã lấy đi quá 5% khả năng lao động của Anh.

Từ những căn cứ trên cho thấy Anh đáp ứng điều kiện được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo chế độ tai nạn lao động.

Theo đó, những quyền lợi mà Anh được hưởng:

Anh được hưởng chế độ tai nạn lao động do bảo hiểm xã hội chi trả

Một là, Anh do bị tai nạn giao thông và đáp ứng điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động, anh sẽ được hưởng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội để giúp đỡ anh trong quá trình trong và sau phục hồi. Cụ thể, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động sẽ chi trả cho anh trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do Anh thuộc trường hợp suy giảm khả năng lao động trên 31%. Theo Điều 47 Luật BHXH 2014, mức trợ cấp hàng tháng Anh được hưởng được tính như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Theo đó, Anh bị suy giảm 62% nên sẽ được hưởng: 30% * mức lương cơ sở + 2% * 31 * mức lương cơ sở.

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. Anh đã đóng tiền BHXH được 23 năm. Do đó, Anh được hưởng thêm một khoản: 0,5 * tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị + 22 * 0,3 tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Hai là, Anh được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình trong trường hợp bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể theo Điều 49 Luật BHXH 2014. Thời hạn cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật.

Ba là, Anh được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị do tai nạn giao thông theo Mục 3 chương III Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Anh được trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị từ 05 – 10 ngày do sau khi điều trị, sức khỏe còn yếu. Và mức trợ cấp Anh được hưởng trong thời gian dưỡng sức được xác định với mức hưởng một ngày là:

+ 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại gia đình;

+ 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

Quảng cáo

Bốn là, Anh được hưởng lương hưu khi nghỉ việc do suy giảm khả năng lao động

Theo quy định pháp luật hiện hành, độ tuổi đối với nam được hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động là 53 tuổi được suy ra từ điểm a khoản 1 Điều 55 Luật BHXH 2014: “a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.”

Năm 2018, Anh bị tai nạn và suy giảm khả năng lao động 62%. Tại thời điểm này, Anh 53 tuổi, đáp ứng điều kiện về độ tuổi và mức suy giảm khả năng lao động để được hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động. Thêm nữa, Anh được chốt bảo hiểm là 23 năm, đủ điều kiện về đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu trong trường hợp này. Do đó, Anh sẽ được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Mức lương hưu của Anh được hưởng hàng tháng thấp hơn mức lương được hưởng khi nghỉ hưu đúng tuổi theo khoản 3 Điều 56 Luật BHXH 2014: “3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

>> Xem thêm : Bồi thường người lao động chết do tai nạn lao động

Anh được công ty Y bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động

TH1. Anh bị tai nạn giao thông trên đường đi công tác do người khác gây ra.

Theo đó, công ty Y có trách nhiệm bồi thường cho Anh do anh bị tai nạn khi làm nhiệm vụ cho công ty Y. Mức bồi thường Anh được hưởng được xác định là “Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%” (theo Điều 144, 145 BLLD 2012).

TH2. Anh bị tai nạn giao thông trên đường đi công tác chính anh gây ra

Khoản 4 Điều 145 Bộ luật lao động 2012 ghi nhận: ‘4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”

Theo đó, trường hợp này, nếu tai nạn giao thông do lỗi của Anh tự gây ra thì công ty Y vẫn cần trả cho Anh một khoản trợ cấp tai nạn lao động theo. Theo điểm b, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH, mức trợ cấp công ty Y phải bồi thường cho Anh thuộc trường hợp đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% và được tính theo công thức:

Ttc = Tbt x 40%

Trong đó:

– Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).

Thời điểm Anh được hưởng các khoản trợ cấp tính từ tháng điều trị xong và ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Ngoài ra, Anh còn được công ty Y – người sử dụng lao động:

* Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Phần chi phí đồng chi trả và các chi phí không trong dAnhục do BHYT chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;

+ Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động dưới 5%;

+ Toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT;

* Trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Trên đây là tư vấn của Luật Hùng Sơn liên quan đến các quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động và suy giảm khả năng lao động.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ hotline của công ty Luật Hùng Sơn theo số 1900 6518 (từ 8:00 -18:00)

♦ Tư vấn ngoài giờ hành chính: 0964509555 – 0969 32 99 22

♦ Địa chỉ văn phòng ở Hà Nội: Phòng C415, Tòa nhà Sông Đà Mỹ Đình, Cầu Giấy, Hà Nội.

LUẬT HÙNG SƠN LÀ CỐ VẤN PHÁP LÝ TỐT NHẤT CỦA BẠN

Vui lòng đánh giá!
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn