Trong trường hợp có nhiều sổ BHXH thì có bắt buộc phải gộp sổ hay không? Đối với những người tham gia BHXH thì đây là câu hỏi được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Bởi vì ai tham gia bảo hiểm cũng đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi cần thiết và được hưởng những chế độ bảo hiểm đang có.
Không gộp sổ bảo hiểm có sao không?
Theo Luật bảo hiểm xã hội 2014, thì có rất nhiều chế độ mà người tham gia bảo hiểm muốn được hưởng thì cần phải có sổ BHXH như hưu trí, thai sản, trợ cấp thất nghiệp….
Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH tại khoản 1 Điều 3 thì, nguyên tắc trong giải quyết và chi trả các chế độ BHXH có nêu rõ :
- Sổ BHXH thể hiện quá trình đóng đồng bộ với cơ sở dữ liệu trên hệ thống cơ quan BHXH là căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH.
- Phải đối chiếu sổ BHXH với cơ sở dữ liệ thu, sổ thẻ khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH.
Trường hợp có sự điều chỉnh, hủy bỏ, chấm dứt hưởng liên quan đến cơ sở dữ liệu mà đã được giải quyết hưởng BHXH thì trước hết phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên hệ thống và sổ BHXH. Thực hiện việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH theo quy định căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điểu chỉnh.
Do vậy, sổ BHXH là căn cứ quan trọng không thể thiếu trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Nếu trong trường hợp bạn có nhiều sổ BHXH mà không gộp sổ thì khi có nhu cầu hưởng bất cứ một chế độ bảo hiềm nào thì khi đến cơ quan BHXH vẫn sẽ yêu cầu bạn làm thủ tục gộp sổ rồi mới cho làm hồ sơ hưởng chế độ.
Chính vì vậy, việc gộp sổ bảo hiểm là việc cần thiết để không bị mất quyền lợi khi hưởng chế độ bảo hiểm.
Thủ tục gộp sổ BHXH nhanh chóng
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH tại khoản 4 Điều 46 có nêu rõ : Một người có từ 02 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới.
Do đó, về nguyên tắc thì mỗi người khi tham gia BHXH chỉ có duy nhất 1 sổ BHXH ghi nhận toàn bộ quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm của mình. Trường hợp có nhiều sổ bảo hiểm thì nhanh chóng làm thủ tục gộp sổ để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi như chúng tôi đã phân tích ở trên.
1. Chuẩn bị hồ sơ gộp sổ BHXH
* Đối với người lao động
– Mẫu TK1-TS : Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT
– Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH
– Tất cả các sổ BHXH mà người lao động có
* Đối với doanh nghiệp
– Mẫu D01-TS : Bảng kê thông tin
2. Tiến hành nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ nơi mình đang làm việc hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH quận/huyện nơi tham gia đóng bảo hiểm.
3. Giải quyết hồ sơ
Thời gian giải quyết hồ sơ không quá 10 ngày nếu nhận đủ hồ sơ, nếu phải xác minh quá trình đóng ở các tỉnh khác nhau hoặc ở nhiều đơn vị khác nhau nơi người lao động làm việc là 45 ngày thì người lao động được nhận sổ mới.
Có thể bạn quan tâm : Thời hạn trả sổ BHXH khi NLĐ nghỉ việc trái luật
Trên đây là những thông tin cần thiết và liên quan đến việc gộp sổ bảo hiểm, để tránh ảnh hưởng đến bất cứ quyền lợi nào thì người lao động nên có sự chuẩn bị trước phòng trường hợp cần sự hỗ trợ của BHXH càng sớm các tốt. Hy vọng với bài viết trên đây sẽ giúp ích cho các bạn, xem thêm các bài viết khác tại Chuyên mục Lao động – Bảo hiểm.