Kính chào Luật sư, tôi có một số vấn đề mong Luật sư tư vấn như sau: đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp công lập. Năm trước, đơn vị tôi đã thực hiện đấu thầu rộng rãi để mua sắm hàng hóa và gói thầu đã được thực hiện xong. Năm nay, chúng tôi vẫn có nhu cầu mua sắm cùng loại hàng hóa như vậy, liệu chúng tôi có bắt buộc phải tổ chức đấu thầu nữa hay không? Chúng tôi có thể tổ chức được mua sắm trực tiếp được không và trình tự thủ tục như thế nào?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Hùng Sơn. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến pháp lý tư vấn như sau:
Theo trình bày của bạn, đơn vị của bạn đã thực hiện đấu thầu để mua sắm hàng hóa năm trước, năm nay đơn vị bạn vẫn có nhu cầu mua sắm hàng hóa cùng loại. Trong trường hợp này, bạn có thể lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm trực tiếp nếu đáp ứng được đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
1. Điều kiện thực hiện mua sắm trực tiếp.
Mua sắm trực tiếp là hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.
Điều kiện để được thực hiện bao gồm:
- Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu hạn chế hoặc đấu thầu rộng rãi và đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
- Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự, quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký kết hợp đồng trước đó;
- Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu mua sắm trực tiếp không được vượt quá đơn giá của phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký kết hợp đồng trước đó;
- Thời hạn từ ngày ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả không quá mười hai tháng.
Như vậy, nếu dự án hiện tại của đơn vị bạn đáp ứng được các yêu cầu nêu trên thì có thể áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp để rút ngắn thời gian và công việc phải thực hiện.
Xem thêm >>> Khi nào nhà thầu được phép chỉ định thầu?
2. Quy trình mua sắm trực tiếp.
Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
- Lập hồ sơ yêu cầu căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP;
- Thẩm định hồ sơ yêu cầu;
- Phê duyệt hồ sơ yêu cầu (việc phê duyệt phải bằng văn bản, căn cứ và tờ trình, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu);
Bước 2: Phát hành hồ sơ yêu cầu tới nhà thầu đã được lựa chọn trước đó. Nếu nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không còn khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu này thì được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp với nhà thầu khác nếu đáp ứng được yêu cầu về năng lực, kỹ thuật, kinh nghiệm, giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.
Bước 3: Nhà thầu chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ theo yêu cầu tại hồ sơ yêu cầu.
Bước 4: Đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu và thương thảo về các đề xuất đó.
Bước 5: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả mua sắm trực tiếp. Việc phê duyệt phải bằng văn bản căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định lựa chọn nhà thầu. Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thông báo bằng văn bản cho tất cả các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ và công khai theo quy định.
Bước 6: Hoàn thiện và ký hợp đồng.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề điều kiện và quy trình thực hiện mua sắm trực tiếp. Nếu còn bất cứ vấn đề gì băn khoăn, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.