Hầu hết những người lao động tự do đều chọn mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo hình thức hộ gia đình để có thể giảm bớt chi phí khi đi khám chữa bệnh. Vậy người nước ngoài có được tham gia BHYT hộ gia đình không? Trong nội dung bài viết dưới đây của công ty Luật Hùng Sơn, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề liên quan đến vấn đề pháp lý này.
Điều kiện tham gia bhyt hộ gia đình cho người nước ngoài
BHYT là một hình thức bảo hiểm bắt buộc và do Nhà nước tổ chức thực hiện. Bhyt được áp dụng với các đối tượng theo Luật định không vì mục đích lợi nhuận mà để chăm sóc sức khỏe.
Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã liệt kê cụ thể các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bao gồm:
– Những người cùng đăng ký tạm trú hoặc cùng đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp những người thuộc nhóm đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, do ngân sách Nhà nước đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng hoặc do người sử dụng lao động đóng.
– Chức việc, chức sắc, nhà tu hành.
– Người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội, trừ đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc rồi mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm.
Theo như các đối tượng được quy định ở trên, có thể thấy, người nước ngoài hoàn toàn có thể đăng ký để tham gia BHYT hộ gia đình nếu như người nước ngoài đó đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại chỗ ở hợp pháp.
Lao động nước ngoài có phải tham gia bhyt không?
Tại Khoản 2 Điều 1 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 đã có quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật bảo hiểm y tế. Theo đó, Luật này được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
Hơn nữa, tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bao gồm nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng, bao gồm:
“a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên hoặc làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; người lao động là công chức, cán bộ, viên chức; người quản lý các doanh nghiệp hưởng tiền lương (sau đây gọi chung là người lao động);”
Như vậy, đối với bảo hiểm y tế thì nếu bạn là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc Hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng BHYT đối với người lao động là công dân nước ngoài là 1,5% tiền lương của tháng đóng BHXH bắt buộc.
Mức đóng BHYT hộ gia đình cho người nước ngoài?
Theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình được xác định như sau:
- Người thứ nhất mức đóng bằng 4,5% của mức lương cơ sở;
- Người thứ 2 có mức đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 3 có mức đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 4 có mức đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ 5 trở đi có mức đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Theo đó, pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành không có sự phân biệt đối với người lao động là công dân nước ngoài hay công dân Việt Nam. Hay nói dễ hiểu là người lao động nước ngoài cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật bảo hiểm y tế 2014 và phải tham gia bảo hiểm y tế nếu làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 03 tháng trở lên, hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Hiện nay, tại năm 2021, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, khi tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, mức đóng BHYT của người nước ngoài như sau:
Thành viên hộ gia đình | Mức đóng |
Người thứ 1 | 67.050 đồng/tháng |
Người thứ 2 | 46.935 đồng/tháng |
Người thứ 3 | 40.230 đồng/tháng |
Người thứ 4 | 33.525 đồng/tháng |
Người thứ 5 trở đi | 26.820 đồng/tháng |
Người nước ngoài mua BHYT hộ gia đình ở đâu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Quyết định 595/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH hoặc đại lý thu sẽ có trách nhiệm phải tiếp nhận hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Và đây cũng là nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia BHYT theo hình thức này.
Để biết địa chỉ của đại lý thu gần nhất, các cá nhân người nước ngoài có thể tra cứu tại link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/diem-thu-dai-ly.aspx
Sau đó, chọn địa phương mà bạn muốn tham gia BHYT đang cư trú. Nhấn vào “Tôi không phải là người máy”, rồi chọn Tra cứu để có thể tra cứu và biết địa điểm thu bảo hiểm y tế gần nhất.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế thì việc tham gia BHYT của người nước ngoài theo hình thức bảo hiểm y tế hộ gia đình sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Người nước ngoài chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia bhyt:
Hồ sơ mua bhyt hộ gia đình bao gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS.
Bước 2: Nộp hồ sơ tham gia bhyt và đóng tiền BHYT
- Địa điểm nộp hồ sơ:Cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH.
Theo đó, nếu Đại lý thu tiếp nhận hồ sơ thì phải hoàn thiện hồ sơ và gửi tới cho cơ quan BHXH.
- Đóng tiền BHYT theo mức của đối tượng tham gia như quy định được phân tích ở trên.
Bước 3: Nhận thẻ BHYT
Người nước ngoài đến nhận thẻ BHYT tại nơi mà mình đã nộp hồ sơ. Thời hạn giải quyết hồ sơ là không quá 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ đăng ký tham gia bhyt.
Trên đây là giải đáp của công ty Luật Hùng Sơn liên quan đến việc người nước ngoài có được tham gia BHYT hộ gia đình không. Nếu còn vấn đề vướng mắc, Quý độc giả vui lòng để lại thông tin dưới bài viết này hoặc liên hệ hotline: 1900.6518 để được các chuyên viên, Luật sư của chúng tôi hỗ trợ.