Người lao động không được trả lương thì giải quyết thế nào?

Quan hệ lao động được thiết lập trên cơ sở hợp đồng lao động với sự hợp tác cùng có lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động dựa trên sự hiểu biết và quan tâm lẫn nhau để cùng đạt được lợi ích của mình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa hai chủ thể này. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là: Khi người lao động không được trả lương thì giải quyết như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Hùng Sơn sẽ tư vấn giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Quảng cáo

Thứ nhất, trả lương cho người lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Tại Điều 5 Bộ luật lao động 2012 đã quy định về quyền lợi của người lao động, cụ thể: Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động. Theo đó, căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên người sử dụng lao động và người lao động (được thể hiện qua hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc hợp đồng lao động bằng lời nói đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng) mà người lao động có quyền được hưởng lương tương ứng. Thỏa thuận thường có những nội dung như: Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà người lao động được hưởng.

Ngược lại, tương ứng với quyền của người lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương cho người lao động theo những gì đã thỏa thuận. Nội dung này được quy định tại Điều 6 Bộ luật lao động 2012 về nghĩa vụ của người lao động: Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động. Ngoài ra, cụ  thể hơn, tại Điều 96 của Luật này cũng quy định nguyên tắc trả lương cho người lao động là: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Như vậy, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả lương cho người lao động theo hợp đồng đã thỏa thuận. Vì là nghĩa vụ được luật quy định nên nếu vi phạm thì người sử dụng lao động sẽ phải chịu những chế tài xử lý tương ứng.

người lao động không được trả lương

Thứ hai, khi người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động thì bị xử lý như thế nào?

Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lương sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể như sau:

Bị phạt tiền khi có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

Quảng cáo

+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Bị áp dụng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm không trả lương cho người lao động.

Thứ ba, người lao động không được trả lương thì giải quyết thế nào?

Nếu rơi vào trường hợp không được người sử dụng lao động trả lương theo hợp đồng đã thỏa thuận, để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, người lao động có thể thực hiện xử lý như sau:

Một là, thực hiện tố cáo, khiếu nại theo quy định tại Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng người sử dụng lao động không trả lương cho mình là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người sử dụng lao động để giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Hai là, khi không được giải quyết quyền lợi được hưởng lương hợp pháp thì người lao động có thể yêu cầu giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp lao động. Nếu chỉ một người bị xâm phạm lợi ích thì đây là tranh chấp lao động cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. Trước hết, tranh chấp sẽ được đưa ra Hòa giải viên lao động để tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì người lao động có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, trên đây là tư vấn của Luật Hùng Sơn về phương thức giải quyết khi người lao động không được trả lương nhằm giúp người lao động bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Nếu có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thêm thì vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Trân trọng./.

Vui lòng đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn