Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ do NSDLĐ vi phạm nghĩa vụ

Xin chào Luật Hùng Sơn, tôi muốn nhờ tư vấn 1 sự việc. Tôi đi dạy trường tư thục, đã 6 tháng nhưng không giữ được bản hợp đồng nào, theo luật mỗi bên được giữ 1 bản. (Hồ sơ của tôi bị mất nên trường yêu cầu tôi nộp lại 1 bộ nhưng tôi chưa nộp vì muốn nghỉ). Trường không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,bảo hiểm thất nghiệp, không có chế độ 12 ngày phép/năm, trả lương không đúng theo hợp đồng và luôn chậm 1 tháng. Ví dụ cuối tháng 2 tôi chỉ được trả lương tháng 1. Nghỉ 1 ngày là mất 1 ngày lương dù bất cứ lí do gì. Tôi được biết, nếu muốn nghỉ phải xin trước vài ngày nhưng theo trường là 20 ngày, nếu không sẽ bị trừ 2 tháng lương. Nhưng theo tôi biết khi trường biết nghỉ sẽ tìm người mới, và họ không trả lương tôi làm 20 ngày đó. Có người bị mất 3 tháng lương. Nên tôi muốn nhận lương tháng trước thì cuối tháng này tôi phải làm mặc dù biết tôi sẽ mất lương tháng này. Xin hỏi cty luật trường này vi phạm gì và tôi nghỉ ngang để nhận được lương tháng trước thì sẽ bồi thường gì cho trường? Xin cảm ơn chân thành đến quý công ty.

Quảng cáo

lightbulb Tư vấn của Luật Hùng Sơn

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Hùng Sơn, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về các vấn đề mà trường bạn đã vi phạm.

♦ Vấn đề 1: Không đưa cho người lao động giữ 01 bản hợp đồng lao động

Căn cứ tại Điều 16 Bộ luật lao động 2012 quy định về Hình thức hợp đồng lao động:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Theo như bạn trình bày thì công việc của bạn là dạy học, công việc này có tính chất thường xuyên và liên tục, không phải là công việc tạm thời. Bên cạnh đó, bạn đã làm việc 06 tháng nên quan hệ lao động giữa bạn và trường học phải được xác lập bằng văn bản và bạn có quyền được giữ 01 bản theo quy định của pháp luật. Theo đó, hợp đồng của bạn có thể là hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn.

Trường bạn đã vi phạm quy định tại điều trên, bạn có thể yêu cầu bên trường cung cấp cho bạn 01 bản hợp đồng lao động.

♦ Vấn đề 2: Không đóng các loại bảo hiểm cho người lao động.

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ – BHXH quy định về  Đối tượng tham gia bapr hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);

…”

Bạn không nói rõ là bạn đã kí HĐLĐ loại nào, tuy nhiên như phân tích ở trên thì hợp đồng của bạn có thể là hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn. Theo quy định, đối tượng làm việc theo hai loại hợp đồng này đều là đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH.

Ngoài ra, bạn cũng thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 và phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Quyết định này.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm cùng người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Nếu trường bạn không đóng các loại bảo hiểm cho bạn theo quy định của pháp luật thì trường bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3,4 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

♦ Vấn đề 3: Không có ngày nghỉ phép năm cho người lao động

Quảng cáo

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 111 BLLĐ 2012 quy định về nghỉ hàng năm:

“1.Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;”

Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 2 Điều 114 BLLD 2012 quy định như sau:

“2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.”

Theo tính chất công việc và thời gian làm việc thì bạn sẽ được nghỉ 06 ngày và được hưởng nguyên lương trong những ngày đó. Trường hợp bạn không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền cho những ngày không nghỉ.

Trường bạn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi này theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ – CP như sau:

“2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:

Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động”

Vấn đề 4: Trả lương không đúng kỳ hạn.

Căn cứ tại Điều 96 BLLĐ 2012 quy định về Nguyên tắc trả lương:

“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

Trường bạn có thể trả lương chậm đến 01 tháng tuy nhiên phải trả thêm cho bạn một khoản tiền lãi.

Thứ hai, về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ tại Điều 37 BLLĐ 2012 quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:

“1.Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

Nếu bạn kí HĐLĐ xác định thời hạn thì trường hợp của bạn chỉ cần báo trước 03 ngày làm việc và kèm theo lý do không được trả lương đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Nếu bạn kí HĐLĐ không xác định thời hạn thì trường hợp của bạn phải báo trước 45 ngày và không cần lý do. Nếu bạn đơn phương chấm dứt không đúng luật thì bạn phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 43 BLLĐ 2012 như sau:

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

⇒ Như vậy, nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bạn cần phải thực hiện chấm dứt đúng luật theo quy định tại Điều 37 BLLĐ năm 2012. Khi thực hiện theo điều này, trong thời gian báo trước bạn vẫn đi làm bình thường và trường bạn có nghĩa vụ phải trả đủ tiền lương cho những ngày bạn làm việc đó. Nếu trường bạn không trả bạn có thể thực hiện thủ tục khiếu nại hoặc thủ tục khởi kiện để đòi lại quyền lợi của mình.

► Xem thêm: Các thay đổi về hợp đồng lao động

Vui lòng đánh giá!
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn