Khi bị tai nạn lao động, người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thì tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng gia tăng cả về số lượng và những tác hại của nó đối với người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động qua các năm. Để trợ giúp người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động pháp luật hiện hành đã quy định về những quyền lợi người lao động được hưởng khi bị tai nạn lao động. Nhưng khi người lao động không được hưởng những quyền lợi chính đáng đó thì cần làm gì để bảo vệ lợi ích của mình? Bài viết sau của Luật Hùng Sơn sẽ trình bày về vấn đề này.

Quảng cáo

Người lao động được coi là bị tai nạn lao động khi nào?

Khái niệm “người lao động bị tai nạn lao động” chưa được quy định cụ thể ở pháp luật quốc gia nào, hay được đưa ra ở các tài liệu khoa học nào. Hiện nay, còn rất nhiều định nghĩa khác nhau về người lao động bị tai nạn lao động, tuy nhiên, chúng đều có điểm chung, đó là tai nạn được xem là tai nạn lao động khi thỏa mãn ba điều kiện: thứ nhất, là tai nạn xảy ra bất ngờ; thứ hai, tai nạn lao động xảy ra gắn với quá trình làm việc hoặc gắn với việc thực hiện nhiệm vụ lao động của người lao động; thứ ba, tai nạn phải để lại hậu quả hoặc làm chết người hoặc làm hủy hoại hay tổn thương một bộ phận nào đó của cơ thể người lao động .

Như vậy, có thể hiểu khái niệm người lao động bị tai nạn lao động như sau: Người lao động bị tai nạn lao động là người lao động bị tai nạn gây hủy hoại hay tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện nghĩa vụ lao động.

Các quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động có thể do các chủ thể khác nhau đảm bảo, đó là: người sử dụng lao động hoặc một loại Quỹ bảo hiểm cho người lao động. Nói cách khác, người lao động bị tai nạn lao động có thể được hưởng các quyền lợi từ người sử dụng lao động và các quyền lợi từ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Quan tâm đến bảo vệ quyền lợi cho người lao động bị tai nạn nghề nghiệp đồng nghĩa với việc xác định các biện pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động, đó là: Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện tại Tòa án.

quyền lợi bị tai nạn lao động

Người lao động bị tai nạn lao động có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo

Điều này được quy định cụ thể tại Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đứa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó:

Hình thức khiếu nại, tố cáo: bằng hình thức gửi đơn hoặc khiếu nại, tố cáo trực tiếp.

Trình tự, thẩm quyền khiếu nại, tố cáo:

+ Về khiếu nại:

Bước 1: Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động trái quy định pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người lao động thực hiện khiếu nại đến người sử dụng lao động để giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của người sử dụng lao động khi bị khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Bước 2: Trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc thực hiện khiếu nại lần hai. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

+ Về tố cáo:

Bước 1: Người lao động gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết hành vi vi phạm pháp luật về chế độ hưởng quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động.

Bước 2: Nếu không đồng ý với quyết định trên thì người lao động có quyền gửi đơn tố cáo tiếp đến Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý.

Thời hiệu thực hiện khiếu nại, tố cáo của người lao động:

+ Về khiếu nại: Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người lao động khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân bị khiếu nại.

Quảng cáo

+ Về tố cáo: Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn sẽ là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần trong trường hợp cần thiết, tuy nhiên, không được gia hạn quá 30 ngày, không được gia hạn quá 60 ngày đối với vụ việc phức tạp.

Người lao động bị tai nạn lao động có thể thực hiện yêu cầu giải quyết tranh chấp

Khi không được giải quyết các quyền lợi hợp pháp, người lao động bị tai nạn lao động có thể yêu cầu giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết: Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân (Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Lao động 2012) 

Phương thức giải quyết tranh chấp: có thể được giải quyết theo hai phương thức là hòa giải và xét xử tại Tòa án. Cụ thể:

+ Giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải: Hòa giải viên lao động là bên thứ ba tham gia vào việc người lao động bị tai nạn lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở bàn bạc, thỏa thuận nhằm tìm ra hướng giải quyết cho những mâu thuẫn giữa các bên. Nếu hòa giải thành sẽ rút ngắn quá trình tố tụng, giảm bớt chi phí, công sức, thời gian và hao tổn tinh thần cho cả hai bên tranh chấp. Trong trường hợp hòa giải không thành, hai bên không đạt được thỏa thuận thỏa mãn thì việc hòa giải vẫn có tác dụng giúp hai bên kiềm chế mâu thuẫn, không làm cho tranh chấp trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.

+ Giải quyết tranh chấp tại Tòa án: Đây là phương thức giải quyết được tiến hành theo những thủ tục, trình tự thủ tục tố tụng và kết thúc bằng một phán quyết có hiệu lực pháp luật, được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

Bước 1: Khi có tranh chấp giữa người lao động bị tai nạn lao động và người sử dụng lao động sẽ được đưa ra Hòa giải viên lao động để tiến hành hòa giải.

Bước 2: Trong trường hợp hòa giải thành hoặc một bên tranh chấp được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động thực hiện lập biên bản hòa giải không thành.

Bước 3: Trong trường hợp hòa giải không thành, thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân khi bị tai nạn lao động:

+ Đối với hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động, thời hiệu yêu cầu  là 06 tháng, được tính kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà người lao động bị tai nạn lao động cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

+ Đối với Tòa án giải quyết tranh chấp lao động, thời hiệu yêu cầu  là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà người lao động bị tai nạn lao động cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Như vậy, trên đây là tư vấn của Luật Hùng Sơn về cách để người lao động bị tai nạn lao động đảm bảo quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Trân trọng./.

Vui lòng đánh giá!
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn