Hoàn thuế giá trị gia tăng là hoạt động không hề xa lạ đối với những ai nộp thuế. Vậy bạn hiểu gì hoàn thuế GTGT? Trường hợp nào sẽ được hoàn lại? Hồ sơ, thủ tục để hoàn thuế là gì? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây. Hãy chú ý theo dõi để không bỏ qua lưu ý quan trọng nhé.
1. Thế nào là hoàn thuế giá trị gia tăng?
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay còn được gọi là thuế VAT, là loại thuế gián thu mà Nhà nước sẽ đánh vào người tiêu dùng, được tính là giá trị tăng thêm của dịch vụ, hàng hóa phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tay người tiêu dùng.
Hoàn thuế giá trị gia tăng được hiểu là việc mà Nhà nước sẽ hoàn trả lại số thuế GTGT mà đối tượng nộp thuế đã nộp vào Ngân sách Nhà nước trong một số trường hợp theo quy định pháp luật.
2. Các trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC, sau đây là 8 trường hợp sẽ được hoàn thuế GTGT.
2.1 Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế
Khi cơ sở kinh doanh đã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mà có có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (với những trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (với những trường hợp kê khai theo quý) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trong trường hợp mà cơ sở kinh doanh đó có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (với những trường hợp kê khai theo tháng) hoặc phát sinh trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (với những trường hợp kê khai theo quý) đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì sẽ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế theo quy định.
Ví dụ: Nếu công ty TNHH A thực hiện việc khai thuế GTGT theo quý và tại kỳ tính thuế của quý 3 thì có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh là 100 triệu đồng thì theo quy định, công ty TNHH A sẽ được khấu trừ thuế GTGT vào kỳ tính thuế quý 4/2016. Ngoài ra, nếu các kỳ tính thuế quý 4/2016, quý 1/2017 và quý 2/2017 vẫn còn dư số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết thì công ty A chuyển số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết để khấu trừ tiếp tục vào kỳ tính thuế của quý 3/2017 và những kỳ tính thuế sau đó.
2.2 Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư
Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, hoặc là dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu như có thời gian đầu tư từ 1 năm trở lên thì sẽ được cơ quan thuế hoàn thuế GTGT của dịch vụ, hàng hóa sử dụng cho đầu tư theo từng năm. Ngoài ra, không tính đến những trường hợp mà cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư sang kỳ tiếp theo (theo pháp luật về đầu tư).
Nếu số thuế giá trị gia tăng lũy kế của dịch vụ, hàng hóa mua vào sử dụng cho dự đầu tư từ 300.000.000 đồng trở lên thì sẽ được cơ quan thuế hoàn thuế giá trị gia tăng.
2.3 Hoàn thuế GTGT với những dự án đầu tư
2.3.1 Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố đang trong giai đoạn đầu tư
Nếu cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, mà có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố đang trong giai đoạn đầu tư thì cơ sở kinh doanh sẽ thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư và phải kết chuyển thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang được thực hiện.
Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa là bằng với số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh đó.
Sau khi đã thực hiện bù trừ, nếu như số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư vẫn chưa được khấu trừ hết từ 300.000.000 đồng trở lên thì sẽ được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư này.
Sau khi đã thực hiện bù trừ, nếu như số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư vẫn chưa được khấu trừ hết nhỏ hơn 300.000.000 đồng thì sẽ được kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai thuế tiếp theo.
Lưu ý: Dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT là những dự án đầu tư được theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2.3.2 Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT có dự án đầu tư mới
Nếu cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế có dự án đầu tư mới tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính, và dự án đó đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa thực hiện đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế thì cơ sở kinh doanh đó sẽ tiến hành lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư mới đồng thời phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh đang được thực hiện.
Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa là bằng với số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh đó.
Sau khi đã thực hiện bù trừ, nếu như số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới vẫn chưa được khấu trừ hết từ 300.000.000 đồng trở lên thì sẽ được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư này.
Sau khi đã thực hiện bù trừ, nếu như số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới vẫn chưa được khấu trừ hết nhỏ hơn 300.000.000 đồng thì sẽ được kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai thuế tiếp theo.
Trong trường hợp mà cơ sở kinh doanh có quyết định thành lập các Ban Quản lý dự án hoặc chi nhánh đóng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính để thay mặt người nộp thuế trực tiếp quản lý một hoặc là nhiều dự án đầu tư ở tại nhiều địa phương; Ban Quản lý của dự án, chi nhánh có con dấu theo quy định của pháp luật, lưu giữ sổ sách chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, có tài khoản gửi tại ngân hàng, đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế thì Ban Quản lý của dự án, chi nhánh phải thực hiện lập hồ sơ khai thuế, hoàn thuế riêng với cơ quan thuế tại địa phương nơi đăng ký thuế.
Lưu ý: Dự án đầu tư được hoàn thuế giá trị gia tăng là những dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2.3.3 Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp cụ thể:
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo các quy định của pháp luật. Các hồ sơ đề nghị được hoàn thuế GTGT dự án đầu tư được nộp từ ngày 1/7/2016 của cơ sở kinh doanh nhưng tính đến ngày nộp hồ sơ đã không nộp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký thì sẽ không được hoàn thuế GTGT.
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định là những dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; chưa có được văn bản từ cơ quan thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chưa đáp ứng được các điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không cần phải có chấp thuận, xác nhận dưới hình thức văn bản theo quy định pháp luật về đầu tư.
- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động là dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng trong quá trình hoạt động cơ sở kinh doanh đó bị thu hồi giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bị thu hồi văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hoặc trong quá trình hoạt động cơ sở kinh doanh đó không đáp ứng được các điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định thì thời điểm không được hoàn thuế GTGT sẽ được tính từ thời điểm mà cơ quan thẩm quyền kiểm tra, phát hiện không đáp ứng được các điều kiện về đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá của tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành của sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư đó.
2.4 Hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu
2.4.1 Trường hợp được hoàn thuế GTGT
Đối với cơ sở kinh doanh trong quý (với các trường hợp kê khai theo quý), tháng (với các trường hợp kê khai theo tháng) có dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu bao gồm trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó được xuất khẩu vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu sau đó thực hiện xuất khẩu ra nước ngoài:
- Nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300.000.000 đồng trở lên thì sẽ được hoàn thuế GTGT theo quý, tháng;
- Nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ dưới 300.000.000 đồng thì sẽ được khấu trừ vào khấu trừ vào quý, tháng tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong quý hoặc tháng vừa có dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu, vừa có dịch vụ, hàng hóa tiêu thụ nội địa thì cơ sở kinh doanh đó phải tiến hành hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu. Nếu như cơ sở kinh doanh thuộc trường hợp này không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu trên tổng doanh thu dịch vụ, hàng hóa của các kỳ khai thuế GTGT được tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước cho đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Nếu số thuế GTGT đầu vào của dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu (trong đó bao gồm cả số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên), sau khi đã thực hiện bù trừ với số thuế GTGT phải nộp phát sinh từ dịch vụ, hàng hóa tiêu thụ nội địa còn lại từ 300.000.000 đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh sẽ được hoàn thuế cho dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu. Lưu ý: số thuế GTGT được hoàn của dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu không vượt quá doanh thu của dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu nhân (x) với 10%.
Đối tượng được hoàn thuế GTGT trong một số trường hợp xuất khẩu như sau:
- Đối với trường hợp mà được ủy thác xuất khẩu: là cơ sở kinh có hàng hóa ủy thác xuất khẩu;
- Với trường hợp gia công chuyển tiếp: là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài;
- Với trường hợp hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài: là doanh nghiệp có có vật tư, hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài;
- Với trường hợp hàng hóa xuất khẩu tại chỗ: là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.
2.4.2 Trường hợp không được hoàn thuế GTGT
Cơ sở kinh doanh sẽ không được hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa được xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu ở tại địa bàn hoạt động hải quan theo các quy định pháp luật về hải quan;
- Hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu ở tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định pháp luật về hải quan.
Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ thực hiện hoàn thuế trước và kiểm tra thuế sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thuế, trốn thuế, gian lận thương mại trong thời gian quy định 2 năm liên tục; người nộp thuế không thuộc vào đối tượng rủi ro cao theo quy định từ Luật Quản lý thuế, văn bản hướng dẫn khác.
2.5 Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế khi chuyển đổi doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động
Nếu cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế thì sẽ được hoàn thuế khi chuyển đổi doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, hợp nhất… có số thuế GTGT nộp thừa hoặc là số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.
- Cơ sở kinh doanh đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải phá sản, giải thể hoặc là chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải thực hiện điều chỉnh số lại số thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn lại. Và cơ sở kinh doanh phải làm thủ tục thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động.
- Nếu cơ sở kinh doanh sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định về phá sản, giải thể thì với số thuế GTGT đã được hoàn sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể, quản lý thuế; với số thuế GTGT mà chưa được hoàn thì sẽ không được giải quyết hoàn.
- Trong trường hợp mà cơ sở kinh doanh chấm dứt hoạt động và không có phát sinh thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động kinh doanh chính thì phải thực hiện nộp lại số thuế đã được hoàn vào ngân sách nhà nước. Nếu có phát sinh bán tài sản chịu thuế GTGT thì sẽ không phải thực hiện điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào tương ứng của tài sản được bán ra.
2.6 Hoàn thuế GTGT đối với các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn có hỗ trợ phát triển chính thức ODA không hoàn lại hoặc là viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại
Đối với những dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: chủ dự án, chương trình hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài phải chỉ định việc quản lý dự án, chương trình được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với dịch vụ, hàng hóa mua ở Việt Nam để sử dụng cho dự án, chương trình.
Tổ chức ở tại Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo của cá nhân, tổ chức nước ngoài để mua dịch vụ, hàng hóa phục vụ cho dự án, chương trình viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam thì được hoàn thuế giá trị gia tăng đã trả của dịch vụ, hàng hóa đó.
2.7 Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao
Với đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua dịch vụ, hàng hóa tại Việt Nam để sử dụng thì sẽ được hoàn lại số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT hoặc được ghi trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã bao gồm thuế GTGT.
2.8 Người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài
Với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài mang hộ chiếu (hoặc các giấy tờ nhập cảnh được cơ quan nước ngoài cấp) sẽ được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa mua ở tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.
3. Điều kiện được hoàn thuế GTGT
Để được hoàn thuế giá trị gia tăng cần phải đáp ứng được những điều kiện sau đây:
- Là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ;
- Là cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc giấy phép đầu tư, hoặc quyết định từ cơ quan thẩm quyền;
- Có con dấu theo đúng quy định;
- Lập và lưu giữ sổ kế toán, các chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
- Có tài khoản gửi tiền tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh đó.
4. Thủ tục hoàn thuế GTGT với một số trường hợp cụ thể
4.1 Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định số 01/ĐNHT (được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng dành cho dự án đầu tư theo mẫu quy định số 02/GTGT;
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ dịch vụ hàng hóa mua vào theo mẫu quy định số 01-2/GTGT.
4.2 Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định số 01/ĐNHT (được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
- Hợp đồng gia công, mua bán, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
4.3 Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với dự án ODA
4.3.1 Đối với Nhà thầu chính, Chủ đầu tư
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định số 01/ĐNHT (được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào theo mẫu quy định số 01-1/ĐNHT;
- Quyết định của cơ quan thẩm quyền về việc phê duyệt dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, dự án sử dụng vốn ODA vay ưu đãi ngân sách nhà nước cấp phát (cần có bản chụp có đóng dấu, chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của dự án). Trong trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng nhiều lần thì chỉ xuất trình lần đầu;
- Có xác nhận từ cơ quan chủ quản của dự án ODA về hình thức cung cấp dự án ODA là ODA không hoàn lại hay là ODA vay được ngân sách nhà nước cấp phát ưu đãi thuộc vào đối tượng được hoàn thuế GTGT (cần có bản chụp có xác nhận của cơ sở) và xác nhận về việc không được ngân sách nhà nước cấp vốn đối ứng để thực hiện trả thuế GTGT. Và người nộp thuế cũng chỉ phải nộp tài liệu này với hồ sơ hoàn thuế lần đầu của dự án;
- Trong trường hợp mà nhà thầu chính thực hiện lập hồ sơ hoàn thuế thì ngoài một số tài liệu nêu trên, cần phải có thêm xác nhận của chủ dự án về việc dự án không được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán cho nhà thầu theo giá có thuế GTGT; giá thanh toán theo kết quả thầu không có thuế GTGT và đề nghị được hoàn thuế cho nhà thầu chính.
Nơi nộp hồ sơ:
- Cục Thuế quản lý trực tiếp tại địa bàn nơi mà thực hiện dự án vào bất kỳ thời điểm nào khi phát sinh số thuế GTGT đầu vào được hoàn trong thời gian thực hiện dự án;
- Nếu dự án ODA có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì gửi hồ sơ đến Cục Thuế quản lý trực tiếp nơi mà chủ dự án hiện đang đóng trụ sở chính;
- Nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA thuộc vào diện được hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế.
4.3.2 Đối với văn phòng đại diện nhà tài trợ ODA
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định số 01/ĐNHT (được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào theo mẫu quy định số 01-1/ĐNHT;
- Có văn bản thỏa thuận giữa cơ quan thẩm quyền của Việt Nam với Nhà tài trợ về việc thành lập Văn phòng đại diện (cần bản chụp có xác nhận của Văn phòng);
- Cơ văn bản của cơ quan thẩm quyền về việc thành lập Văn phòng đại diện (cần bản chụp có xác nhận của Văn phòng).
Nơi nộp hồ sơ hoàn thuế:
- Cục Thuế quản lý địa bàn nơi mà đặt văn phòng điều hành của dự án: có thể nộp vào bất kỳ thời điểm nào khi phát sinh số thuế GTGT đầu vào được hoàn trong thời gian đang thực hiện dự án;
4.4 Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức tại Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có thuế GTGT ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định số 01/ĐNHT (được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
- Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào theo mẫu quy định số 01-1/ĐNHT;
- Có văn bản phê duyệt các khoản viện trợ từ cấp có thẩm quyền (cần bản chụp có xác nhận của người nộp thuế);
- Có văn bản xác nhận về khoản tiền viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài có nêu rõ tên tổ chức viện trợ, cơ quan tiếp nhận khoản viện trợ, giá trị khoản viện trợ là bao nhiêu, quản lý viện trợ tùy vào trường từng trường hợp sau đây:
- Văn bản xác nhận của Bộ Tài chính: nếu là viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước;
- Văn bản xác nhận của Sở Tài chính: nếu là viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách địa phương.
Nộp hồ sơ: có thể nộp hồ sơ vào bất kỳ thời điểm nào mà có phát sinh số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại.
4.5 Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định số 01/ĐNHT (được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC); đồng thời giấy đề nghị này phải có xác nhận của Cục Lễ tân nhà nước trực thuộc Bộ Ngoại giao;
- Bảng kê thuế GTGT của dịch vụ, hàng hóa mua vào dùng cho cơ quan đại diện ngoại giao theo mẫu quy định số 01-2/ĐNHT;
- Bảng kê thuế GTGT của dịch vụ, hàng hóa mua vào dùng cho viên chức ngoại giao tại Việt Nam theo mẫu quy định số 01-3/ĐNHT;
- Hóa đơn GTGT có đóng dấu của cơ quan đại diện (cần có bản gốc và 2 bản chụp kèm theo). Sau khi hoàn tất thủ tục hoàn thuế, cơ quan thuế sẽ trả lại bản gốc cho người nộp.
Nơi nộp hồ sơ:
- Gửi hồ sơ đến Cơ quan thuế cho Cục Lễ tân Nhà nước trực thuộc Bộ Ngoại giao để xác nhận hồ sơ hoàn thuế GTGT: thời hạn gửi hồ sơ là 10 ngày đầu của tháng đầu quý, phải gửi hồ đề nghị hoàn thuế của quý trước đó;
Thời gian giải quyết: trong thời hạn quy định 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Nếu hồ sơ không đầy đủ, Cục Lễ tân Nhà nước sẽ gửi trả hồ sơ trong vòng 5 ngày kể từ ngày đã nhận được hồ sơ.
5. Thời gian được hoàn thuế GTGT là bao lâu?
Thời gian được hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ có 2 trường hợp sau:
- Khi hoàn thuế GTGT trước – kiểm sau: 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định.
- Khi kiểm trước – hoàn thuế GTGT sau: khoảng 60 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp này áp dụng đối với cơ sở kinh doanh hoàn thuế lần đầu hoặc lần 2 trở đi nhưng hồ sơ hoàn thuế GTGT lần đầu phát hiện có nhiều khuyết điểm.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng nhất liên quan để hoàn thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, nếu như bạn có vướng mắc nào khác chưa được giải đáp, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn (hotline: 0964.509.555) để được hướng dẫn chi tiết.