Chào Luật sư, tôi có một câu hỏi thắc mắc cần được Luật sư giải đáp cho tôi như sau: Tôi có một người em trai là Trưởng kế toán của một Công ty nhưng một ngày lại phát hiện có một giao dịch giữa Công ty với một Công ty khác và Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty ấy. Nhưng em tôi lại nói rằng đây không phải chữ ký của em ấy và sau khi điều tra phát hiện là một nhân viên kế toán làm. Vậy Luật sư cho tôi hỏi việc có người có hành vi giả mạo chữ ký của người khác thì sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
♦ Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi thắc mắc đến Công ty Luật Hùng Sơn, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được phép giải thích cụ thể như sau thông qua các quy định của pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý quy định về việc xử lý hành vi giả mạo chữ ký của người khác.
– Nghị định số 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (Điều 24. Điều 45).
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Điều 21).
– Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điều 359).
– Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt trong lĩnh vực quyền tác giả và một số quyền liên quan (Điều 19).
– Nghị định số 41/2018/NĐ-CP.
2. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi giả mạo chữ ký của người khác.
Căn cứ theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào tùy mức độ, tính chất, cũng như hành vi của người vi phạm mà quyết định các hình thức xử phạt như sau:
– Cảnh cáo.
– Phạt tiền.
– Tước đi quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong một thời hạn nhất định hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
– Tịch thu tang vật đã vi phạm hành chính và phương tiện được người vi phạm sử dụng để vi phạm hành chính.
– Trục xuất.
Và pháp luật sẽ quy định cụ thể về trường hợp giả mạo chữ ký trong từng lĩnh vực riêng ứng với các mức xử phạt phù hợp như sau:
– Trong lĩnh vực tư pháp: Căn cứ theo Điều 24 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định người vi phạm tức là người giả mạo chữ ký là người thực hiện chứng thực sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Trong lĩnh vực về đăng ký giao dịch bảo đảm: Căn cứ theo Điều 45 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định sẽ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giả chữ ký của người khác là người có quyền yêu cầu đăng ký ở trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc vản bản thông báo.
– Trong lĩnh vực về quyền tác giả: Căn cứ theo Điều 19 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả lên trên tác phẩm.
– Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán: Căn cứ theo Nghị định số 41/2018/NĐ-CP thì người nào có hành vi giả mạo chữ ký người khác là người có thẩm quyền để ký hoặc người được người có thẩm quyền ký ủy quyền ký trong lĩnh vực này sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Như vậy, trong trường hợp của bạn người nhân viên kế toán ấy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Xem thêm >>> Lái xe thuê cho công ty nhưng gây tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giả mạo chữ ký của người khác.
Căn cứ theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi giả mạo chữ ký trong công tác được quy định như sau:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
…
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Như vậy, thì theo như trường hợp của người nhân viên kế toán ấy thì sẽ bị phạt tù có thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Và ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc kế toán ấy từ 1 năm đến 5 năm hoặc cũng có thể bị phạt thêm tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trên đây là những tư vấn của Công ty Luật Hùng Sơn về hành vi giả mạo chữ ký của người khác, về hành vi này thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ tùy theo mức độ và tính chất vi phạm. Nếu bạn còn có thắc mắc về vấn đề này hoặc vấn đề có liên quan, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ chi tiết.
- Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước - 01/12/2023
- Những số điện thoại không nên nghe mới nhất 2023 - 28/11/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/11/2023