Giả danh công an bị tội gì? Tình trạng giả danh cảnh sát diễn ra ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi hơn trước. Đóng giả cảnh sát có nhiều mục đích như ra oai với bà con hàng xóm láng giềng, tán tỉnh dụ dỗ, lừa tình người khác hay hơn hết là nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, làm thế nào để phát hiện công an giả? Hành vi giả danh công an có bị tội gì không? Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây của chúng tôi.
Làm thế nào để phát hiện Công an giả?
- Đối tượng giả danh công an sẽ có hành vi như giả mạo cấp bậc hoặc giả mạo chức vụ, và việc này được thực hiện dưới mọi hình thức như mặc trang phục của công an, đeo phù hiệu, hay những lời nói, viết tự xưng là công an,…
- Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng giả danh Công an chủ yếu là nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lừa tình hoặc nhằm trộm cắp,… Hình thức mà của các đối tượng cũng rất đa dạng như giả danh cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động,…
- Hầu hết các đối tượng khi giải danh làm công an đều nhằm mục đích có được lòng tin, sự tin tưởng của người bị hại, việc này dễ dàng dựa trên lòng tin của người hại để chiếm đoạt tài sản.
- Đối tượng giả danh công an giao thông thường nhằm vào những người có hành vi vi phạm Luật Giao thông, giả danh công an hình sự thường nhằm vào các gia đình có người thân đang trong vòng lao lý, những người này có nhu cầu cần chạy án. Đối tượng giả danh này lợi dụng dựa trên sự thiếu cảnh giác, tâm lý lo sợ của người bị hại, muốn đút lót tiền để được giải quyết nhanh hơn nên chúng đã tiến hành vòi vĩnh tiền của những người này.
Xem thêm >>> Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng thường dùng thủ đoạn gì để giả danh công an đi lừa đảo?
– Các đối tượng có thể sử dụng phần mềm hoặc thiết bị chuyển số để giả mạo các số điện thoại của lực lượng Công an và tự xưng là cán bộ điều tra của Công an đang điều tra các vụ án có liên quan đến nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo. Khi người dân kiểm tra số điện thoại, thấy đúng nên bị nhầm lẫn, ngoài ra quá trình gọi các đối tượng còn giả âm thanh, giọng nói, tiếng bộ đàm, tiếng còi hú để nạn nhân nhầm lẫn.
– Các đối tượng cũng có thể sử dụng tài khoản zalo giả mạo, có tên liên quan đến lực lượng Công an như “Vì dân phục vụ” nhắn tin thông báo cho nạn nhân các thông báo liên quan đến những vụ án đang điều tra và gửi kèm đường link giải mạo tới tài khoản zalo của nạn nhân. Do chủ quan nên các nạn nhân truy cập vào link giả, đăng nhập, nhập số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sau đó sẽ hiện thị hình ảnh lệnh bắt tạm giam giả có tên nạn nhân. Các đối tượng sẽ dựa vào đó mà đe dọa rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra.
Ngoài ra, các đối tượng giả danh còn yêu cầu nạn nhân không được kể cho người khác nếu không sẽ bị lộ bí mật điều tra, có thể bị bắt ngay. Sau khi đánh vào tâm lý của nạn nhân, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ việc điều tra.
Có thể thấy các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi, có tổ chức, có sự chuẩn bị. Các nạn nhân khi bị gọi dồn dập sẽ mang tâm lý lo sợ nên không tránh khỏi việc chuyển tiền để “xử lý” cho các “cán bộ công an” giả này.
Giả mạo công an là hành vi bị nghiêm cấm
Chiến sĩ công an đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo được sự an toàn cho người dân. Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Với vai trò và trách nhiệm lớn lao đó thì để tham gia vào lực lượng này cần phải trải qua sự tuyển chọn gắt gao. Vì vậy, với hành vi giả mạo công an là những hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài việc giả danh công an bị nghiêm cấm thì các hành vi giả danh những cán bộ nhà nước, chức vụ quyền hạn khác cũng bị nghiêm cấm vì có thể gây tổn hại đến danh dự, uy tín của cơ quan chức năng.
Hành vi giả mạo công an bị tội gì?
– Đối với hành vi giả mạo chức vụ, hay giả mạo cấp bậc mà thực hiện các hành vi trái pháp luật thì mới cấu thành tội giả mạo chức vụ, giả mạo cấp bậc. Có nghĩa là nếu hành vi giả mạo chức vụ, hay giả mạo cấp bậc chỉ nhằm mực đích để khoe khoang, ra oai, bắt tội phạm hay nhằm mục đích nào khác nhưng không phải để thực hiện các hành vi trái pháp luật thì hành vi này không cấu thành tội phạm.
– Tuy nhiên, nếu hành vi nếu trên nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó:
+ Nếu các đối tượng xấu lợi dụng, giả danh công an để thực hiện những hành vi trái pháp luật, gây ra hậu quả về an ninh trật tự, làm hoen uế hình ảnh người công an nhân dân chân chính thì có thể bị quy vào Tội giả mạo chưc vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo Điều 339 Bộ luật hình sự 2015:
“Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy những đối tượng có hành vi giả danh công an để thực hiện những hành vi trái pháp luật như bắt, giữ người trái phép, cố ý gây thương tích, xúi dục, kích động nhũng người khác làm điều xấu mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị quy vào Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác và chịu hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ, cao nhất là 02 năm tù tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội gây ra.
+ Nếu các đối tượng có hành vi giả danh công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý theo Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Hoặc bị xử lý vi phạm hành chính (cụ thể dưới đây)
Giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xử lí như nào?
Tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự như sau:
Xử lý hành chính
1. Xử lý vi phạm hành chính:
Người thực hiện hành vi giả danh công an để chiến đoạt số tiền dưới 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) thì tùy thuộc vào tính chất các hành vi đã thực hiện mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể là theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này
4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Xử lý hình sự
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định như sau:
- Người nào dùng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2tr đến dưới 50tr hoặc dưới 2tr đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp như đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, đã bị kết nhưng chưa được xóa án tích,…theo quy định tại khoản 1 Điều 174 thì bị người này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc có thể người này sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Hơn thế nữa, nếu trong trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức, hay chiếm đoạt tài sản trên 50 triệu đến dưới 200 triệu,… theo khoản 2 Điều 174 thì bị phạt tù từ 02 – 07 năm
- Còn trường hợp chiếm đoạt tài sản trên 200 triệu đến 500 triệu,…theo khoản 3 Điều 174 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu trở lên,…theo khoản 4 Điều 174 thì bị phạt tù từ 12 năm- 20 năm hoặc có thể là tù chung thân
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các công việc nhất định từ 01 năm- 05 năm hoặc có thể bị tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy mức xử phạt sẽ từ cải tạo không giam giữ đến tù chung thân tùy thuộc vào mức độ vi phạm của người phạm tội.
Như vậy, để tránh bị các đối tượng giả danh công an lừa đảo thì mọi người cần đặc biệt cảnh giác đối với loại tội phạm này. Cụ thể, trong trường hợp bị bắt giữ, thì mọi người cần chú ý đến trang phục, bời vì thông thường, trang phục của các đối tượng này sẽ không đồng nhất, phần lớn đối tượng giả danh công an đều sử dụng thẻ ngành giả, chúng không đeo số hiệu của Công an trên người. Do vậy, nếu thấy có nghi ngờ các đối tượng này thì mọi người nên đến ngay cơ quan gần nhất để tiến hành trình báo. Nếu có vấn đề gì thắc mắc về việc giả danh công an, xin hãy liên hệ với công ty Luật Hùng Sơn để được giải đáp nhanh nhất