Ở bài viết “Giám đốc cho doanh nghiệp vay có bị tính thuế TNCN trên phần lãi vay không?”, chúng ta đã biết một số điểm cần lưu ý. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng phân tích rõ hơn việc Chi phí lãi vay trả Giám đốc được coi là chi phí hợp lý khi nào.
1. Chi phí lãi vay hợp lý tương ứng với phần vốn điều lệ:
Quy định tại khoản 2, điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC về các chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN như sau:
“Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
– Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ
– Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:
- Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay
- Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.”
Để hiểu rõ hơn về quy định trên, Luật Hùng Sơn xin đưa ra ví dụ cho từng trường hợp cụ thể:
a) Doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ:
Công ty XYZ thành lập ngày 07/02/2020 (theo ngày trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và cam kết góp đủ số vốn ghi trong điều lệ là 3 tỷ đồng ngay khi thành lập.
Ngày 10/02/2020 công ty đã thực góp đủ số vốn này.
Ngày 12/06/2020, công ty có vay Giám đốc 1 khoản tiền 500 triệu đồng để mua xe tải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và phát sinh chi phí lãi vay trong 2020 là 26.000.000.
Do đã góp đủ số vốn ghi trong điều lệ và khoản vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, không dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nên toàn bộ số chi phí lãi vay (26.000.000 VNĐ) sẽ được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. (Bạn đọc muốn rõ hơn về điều này có thể tham khảo Công văn số 73005/CT-TTHT của Cục Thuế Thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của Chi Cục Thuế quận Bắc Từ Liêm).
b) Doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ và số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn còn thiếu:
Vẫn công ty XYZ thành lập ngày 07/02/2020 ở trên nhưng hết hạn 90 ngày góp vốn ghi trong điều lệ, công ty mới góp được 2 tỷ đồng, còn thiếu 1 tỷ đồng.
Ngày 12/06/2020 công ty vay Giám đốc khoản vay 500 triệu đồng với lãi suất 9%/năm.
Chi phí lãi vay 1 năm là: 500.000.000 * 9% = 45.000.000
Do công ty này đã vay số nhỏ hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn nên toàn bộ lãi tiền vay 45.000.000 sẽ không được coi là chi phí hợp lý.
c) Doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ và số tiền vay lớn hơn số vốn còn thiếu:
Công ty XYZ ở ví dụ 1 nhưng ngày 10/02/2020 công ty mới góp đủ 1,5 tỷ đồng, số vốn còn thiếu theo đăng ký trong điều lệ là 1,5 tỷ đồng (chiếm 50% tổng số vốn đăng ký).
Ngày 20/05/2020, các thành viên góp thêm 500 triệu đồng, còn thiếu 1 tỷ đồng (chiếm 33,33% tổng số vốn đăng ký)
Từ ngày 20/05/2020 đến hết ngày 31/12/2020, không có sự góp thêm vốn nào.
Tổng lãi tiền vay cần trả Giám đốc trong năm 2020 là 160 triệu đồng, bao gồm:
+ Lãi tiền vay trả từ ngày 10/02/2020 đến ngày 19/05/2020 là 90 triệu đồng
+ Lãi tiền vay trả từ ngày 20/05/2020 đến ngày 31/12/2020 là 70 triệu đồng
Chi phí lãi vay không hợp lý trong năm 2020 được tính như sau:
Từ ngày 10/02/2020 đến ngày 19/05/2020 số tiền lãi không được đưa vào chi phí hợp lý là:
90 triệu đồng x 50% = 45 triệu đồng
Từ ngày 20/05/2020 đến ngày 31/12/2020 số tiền không được coi là chi phí được trừ là:
70 triệu đồng x 33,33% = 23.331.000 VNĐ
=> Tổng chi phí lãi vay bị loại ra khi tính thuế TNDN là:
45.000.000 + 23.331.000 = 68.331.000 VNĐ
Thông qua phần này, chúng ta đã biết được cách tính chi phí lãi vay trả Giám đốc tương ứng với phần vốn điều lệ để đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN trong từng trường hợp cụ thể. Bạn đọc hãy đón đọc tiếp phần 2 trên website luathungson.vn nhé.
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cập nhật mới nhất - 25/05/2023
- Giấy phép nhập khẩu thực phẩm mới nhất - 24/05/2023