Trong cuộc sống khi muốn tiến hành hoạt động kinh doanh, sản xuất hay chi tiêu, trả nợ… thì nhiều người thường nghĩ ngay đến hình thức vay ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sau khi đã vay được tiền từ ngân hàng, đến hạn trả nợ thì lại trốn và không thực hiện trả theo hợp đồng đã được ký kết giữa họ và ngân hàng trước đó. Luật Hùng Sơn sẽ tư vấn cho bạn đọc được hiểu hơn về các vấn đề pháp lý xoay quanh việc trốn nợ ngân hàng như sau.
1. Quy định về nghĩa vụ trả nợ ngân hàng
Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay thì bên vay phải có nghĩa vụ trả đủ tiền cho đến khi hết hạn, trong trường hợp mà các bên có sự thỏa thuận về lãi suất thì bên vay phải thực hiện trả đủ phần lãi. Nếu như đến hạn trả nợ mà bên vay không trả được nợ thì hai bên sẽ có thỏa thuận khác về việc gia hạn khoản vay và cả số tiền lãi suất quá hạn hoặc là tiền chậm trả.
Như vậy, việc vay vốn từ ngân hàng đã có sự xác lập về nghĩa vụ của bên vay, phải thực hiện trả nợ theo đúng hạn đã được đề cập đến trong hợp đồng cho vay. Trong trường hợp người vay không thực hiện hoặc là thực hiện không đúng nghĩa vụ đã được quy định thì sẽ phải tiến hành chịu trách nhiệm dân sự đối với ngân hàng. Ngoài ra, với hành vi trốn nợ ngân hàng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu định tội theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Trốn nợ ngân hàng có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người đã thực hiện vay tiền từ ngân hàng mà có hành vi bỏ trốn, không trả số nợ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Để được xem là phạm tội trong trường hợp này thì có thể hình dung hành vi của người phạm tội như sau: bên vay tiền sẽ dùng một thủ đoạn gian dối nào đó để có được số tiền vay từ ngân hàng (có thể dùng lời nói hoặc là hành động để lừa dối ngân hàng), sau khi có được tiền từ ngân hàng thì sẽ bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền được cho vay ấy. Có thể thấy rõ, mục đích chiếm đoạt số tiền vay từ ngân hàng một cách bất hợp pháp hình thành ngay từ khi bắt đầu vay nợ.
Với người phạm tội này thì có thể bị áp dụng hình phạt là cải tạo không giam giữ cho đến 3 năm hoặc là phạt tù có thời hạn từ 6 tháng cho đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân. Và người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, cụ thể là phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc là làm một công việc nhất định từ 1 năm cho đến 5 năm, bị phạt tịch thu một phần hoặc là toàn bộ tài sản tùy theo mức độ vi phạm tội này.
3. Trốn nợ ngân hàng có thể phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Người đã thực hiện vay tiền từ ngân hàng mà có hành vi bỏ trốn, không trả số nợ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Để được xem là phạm tội trong trường hợp này thì có thể hình dung hành vi của người phạm tội như sau:
– Sau khi đã vay được tiền từ ngân hàng bằng hình thức hợp đồng thì bên vay tiền sẽ dùng thủ đoạn gian dối nào đó để có thể chiếm đoạt số tài tiền vay được hoặc là bỏ trốn đi để chiếm đoạt số tiền ấy.
– Có thể phạm phải tội này nếu như sau khi đã được vay tiền từ ngân hàng bằng hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả nợ trên hợp đồng mặc dù có khả năng trả và điều kiện để trả tiền nhưng vẫn cố tình không trả tiền nợ.
– Ngoài ra, còn có thể phạm phải tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi đã được vay tiền từ ngân hàng bằng hình thức hợp đồng, người vay nợ sử dụng số tiền vay ấy vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không thể trả nợ cho ngân hàng.
Với người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị áp dụng hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ cho đến 3 năm, có thể phạt tù từ 3 năm cho đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, cụ thể là phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng, bị cấm hành nghề hoặc là làm một công việc nhất định từ 1 năm cho đến 5 năm, bị phạt tịch thu một phần hoặc là toàn bộ tài sản tùy theo mức độ vi phạm.
Trên đây là các quy định của pháp luật xoay quanh việc xử lý người có hành vi trốn nợ ngân hàng. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc về vấn đề này hoặc là vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và nhanh chóng nhất.
- Mối quan hệ giữa pháp luật và chính trị - 31/05/2023
- Mẫu đơn xin xác nhận địa điểm kinh doanh mới nhất - 31/05/2023
- Tìm hiểu giấy bán xe viết tay có hợp pháp? - 31/05/2023