Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai bao giờ cũng là vấn đề nan giải không chỉ đối với đương sự mà còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành giải quyết. Vậy bạn có hiểu rõ các quy định pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai và cách giải quyết hay không? Hãy theo dõi ngay bài viết sau đây để được Luật Hùng Sơn hướng dẫn chi tiết quy trình giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất hiện nay.
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc là nhiều bên trong quan hệ đất đai. Cụ thể hơn, chỉ những tranh chấp nào mà xảy ra giữa những người có quyền sử dụng đất mới là tranh chấp đất đai.
Vì thế, những trường hợp sau đây không phải là tranh chấp đất đai:
- Tranh chấp về việc mua bán nhà ở, quyền sử dụng đất;
- Tranh chấp đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất;
- Tranh chấp đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa chồng và vợ khi cả hai ly hôn.
Các loại tranh chấp đất đai phổ biến
Tranh chấp đất đai hiện nay có 3 dạng phổ biến:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất:
Đây là loại tranh chấp giữa các bên với nhau về việc ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với một mảnh đất cụ thể nào đó.
Trên thực tế, chúng ta thường gặp dạng tranh chấp này chủ yếu là tranh chấp về ranh giới đất, tranh chấp về quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất khi vợ chồng đang trong mối quan hệ ly hôn hay quan hệ thừa kế, tranh chấp đòi lại đất đã cho mượn mà không được trả lại…
- Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất:
Đây là loại tranh chấp diễn ra khi các bên chủ thể có những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất.
Trên thực tế, dạng tranh chấp này chủ yếu là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ khi cho thuê quyền sử dụng đất, trong hợp đồng chuyển nhượng, tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất…
- Tranh chấp về mục đích sử dụng đất:
So với hai loại tranh chấp trên, tranh chấp về mục đích sử dụng đất là loại tranh chấp ít phổ biến hơn. Đây là dạng tranh chấp có liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì.
Trên thực tế, dạng tranh chấp này chủ yếu là do người sử dụng đất đã sử dụng sai mục đích so với mục đích đã được Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất. Mục đích sử dụng đất thường được Nhà nước xác định thông qua quy hoạch sử dụng đất.
Các cách giải quyết tranh chấp đất đai tại Việt Nam
Nhà nước khuyến khích các bên trong mối quan hệ tranh chấp đất đai tự hòa giải với nhau hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, nếu các bên không thể hòa giải với nhau thì có 3 cách giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai 2013 hoặc theo các thông tư hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai, cụ thể như sau:
Cách 1: Hòa giải tranh chấp đất đai
Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã (xã/phường/thị trấn) chỉ được tiến hành khi mà các bên trong tranh chấp không hòa giải được và có làm đơn gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mảnh đất đang tranh chấp để hòa giải. Đồng thời, hòa giải cũng là một thủ tục bắt buộc phải có khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã:
- Bước 1: Chuẩn bị Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
- Bước 2: Có thể nộp đơn yêu cầu trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc thông qua bưu điện;
- Bước 3: Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chap dat dai, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh để tìm hiểu nguyên nhân tại sao phát sinh tranh chấp, thực hiện thu thập các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan về nguồn gốc của đất đai, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất hiện nay như thế nào (được các bên trong quan hệ tranh chấp cung cấp);
- Bước 4: Ủy ban nhân dân tiến hành thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để hòa giải;
- Bước 5: Tổ chức cuộc họp hòa giải và có sự tham gia của các bên tranh chấp, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thành viên của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.
Thời gian giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã:
Thời hạn UBND cấp xã kiểm tra hồ sơ: nếu hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp chưa đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn quy định là 3 ngày, nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ phải thông báo hướng dẫn người nộp bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
Thời hạn giải quyết tranh chấp:
- Không quá 45 ngày;
- Không quá 60 ngày: Nếu là các xã hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Lưu ý về tranh chấp đất đai và cách giải quyết của UBND cấp xã:
Sau thời hạn quy định là 10 ngày kể từ ngày UBND cấp xã lập biên bản hòa giải thành mà giữa các bên có ý kiến (bằng văn bản) về nội dung khác so với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì sẽ tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải. Cuộc họp này sẽ giải quyết ý kiến được bổ sung, sau đó lập biên bản hòa giải thành hoặc là không thành.
Trong trường hợp đã có biên bản hòa giải thành từ UBND cấp xã mà có sự thay đổi về chủ sử dụng đất, ranh giới sử dụng đất thì UBND cấp xã phải tiến hành gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục luật định.
UBND cấp xã sẽ tiến hành lập biên bản hòa giải không thành, sau đó hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết theo luật định nếu kết quả thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Hòa giải tranh chấp không thành;
- Sau khi đã có biên bản hòa giải thành từ UBND cấp xã nhưng một trong các bên tranh chấp thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải.
Cách 2: Khiếu nại UBND huyện, tỉnh giải quyết
Nếu không thể hòa giải thì có thể giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính.
Điều kiện khiếu nại tại UBND huyện, tỉnh
Khi các bên trong quan hệ tranh chấp hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã không thành thì các bên sẽ tiến hành gửi đơn yêu cầu giải quyết đến Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh tùy vào từng trường hợp cụ thể.
- Nộp đơn yêu cầu tại UBND cấp huyện: là tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng với nhau.
- Nộp đơn yêu cầu tại UBND cấp tỉnh: là tranh chấp mà một bên là cơ sở tôn giáo, tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: Giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế giữa anh em trong gia đình
Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện/tỉnh
- Bước 1: Đương sự chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các tài liệu sau đây;
- Đơn yêu cầu UBND cấp huyện/tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai;
- Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã;
- Trích lục hồ sơ địa chính, bản đồ qua các thời kỳ có liên quan đến diện tích mảnh đất hiện đang tranh chấp, các tài liệu dùng làm chứng cứ, chứng minh khi giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện/tỉnh;
- Báo cáo đề xuất, dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp, hoặc thay bằng dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
- Bước 2: Nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại UBND cấp huyện/tỉnh (nộp trực tiếp hoặc thông qua bưu điện);
- Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp chưa đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn quy định là 3 ngày, nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ phải thông báo hướng dẫn người nộp bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
- Bước 4: Tiến hành giải quyết yêu cầu. Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc tỉnh sẽ giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giải quyết. Cơ quan tham mưu phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Thẩm tra và xác minh vụ việc, thực hiện tổ chức hòa giải giữa các bên trong quan hệ tranh chấp, ngoài ra nếu xét thấy cần thiết thì phải tổ chức các cuộc họp ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp.
- Hoàn chỉnh hồ sơ, sau đó trình lên Chủ tịch UBND cấp huyện/hoặc tỉnh ký ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.
- Bước 5: Chủ tịch UBND cấp huyện/tỉnh sẽ ban hành kết quả giải quyết, tức là gửi cho các bên tranh chấp quyết định giải quyết tranh chấp hoặc là quyết định công nhận hòa giải thành..
Thời gian giải quyết:
- UBND cấp huyện: tối đa 45 ngày, nếu là các xã hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian giải quyết được tăng thêm 15 ngày (tối đa 60 ngày).
- UBND cấp tỉnh: tối đa 60 ngày, tương tự nếu là các xã hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian giải quyết được tăng thêm 15 ngày (tối đa 75 ngày).
Thời gian giải quyết tại UBND cấp huyện/tỉnh sẽ không tính đến những thời gian sau đây: ngày nghỉ, lễ; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian tiếp nhận hồ sơ; thời gian xem xét xử lý nếu có trường hợp sử dụng đất vi phạm pháp luật; thời gian thực hiện trưng cầu giám định.
Cách 3: Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền
Điều kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án:
– Tranh chấp thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có một trong các loại giấy tờ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất…
- Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất như công trình xây dựng, nhà ở…
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có được một trong các loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất…
– Tuy nhiên, so với yêu cầu giải quyết tranh chấp thuộc hai trường hợp trên thì khi yêu cầu giải quyết tại Tòa án cần đảm bảo thêm các điều kiện sau đây:
- Người khởi kiện phải có quyền khởi kiện;
- Tranh chấp đất đai đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc;
- Tranh chấp đó vẫn chưa được giải quyết;
- Tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã.
Trình tự giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án:
- Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện với các tài liệu sau đây:
- Đơn khởi kiện tại Tòa án theo mẫu quy định;
- Biên bản hòa giải không thành của UBND cấp xã;
- Sổ hộ khẩu;
- Chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân/hộ chiếu còn hiệu lực);
- Danh mục các tài liệu và chứng cứ (chứng minh cho yêu cầu khởi kiện) kèm theo đơn khởi kiện.
- Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo một trong các hình thức sau đây:
- Nộp trực tiếp;
- Thông qua bưu điện;
- Gửi trực tuyến thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
- Bước 3: Tòa án nhận, xử lý đơn kiện và thụ lý đơn. Tòa án sẽ ra một trong những quyết định sau đây:
- Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi hoặc bổ sung đơn khởi kiện sao cho hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;
- Thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn;
- Chuyển đơn khởi kiện đến cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện được biết nếu như vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của một Tòa án khác;
- Bước 4: Tòa án chuẩn bị thủ tục xét xử và xét xử sơ thẩm.
- Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp đất đai là 4 tháng, nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì sẽ kéo dài thêm nhưng không được quá 2 tháng (tổng thời gian chuẩn bị xét xử tối đa có thể là 6 tháng);
- Nếu trong thời gian chuẩn bị xét xử mà vụ án tranh chấp đất đai này không thuộc vào trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử.
- Thời hạn mở phiên tòa xét xử vụ án là 1 tháng (có thể kéo dài thời gian xét xử đến 2 tháng theo quy định) kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Bước 5: Đương sự sẽ được nghe Tòa án tuyên bản án giải quyết tranh chấp đất đai (phần nghị án và tuyên án).
Có thể bạn muốn biết: [Tư vấn] Tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ phải làm sao?
Không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND phải làm sao?
Khi không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND
Có 2 phương án giải quyết trong trường hợp này:
- Khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh: nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của UBND cấp huyện thì gửi đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân của pháp luật về tố tụng hành chính;
- Gửi khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của UBND cấp tỉnh thì gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân.
Khi không đồng ý với quyết định giải quyết của Tòa án
Khi không đồng ý với vấn đề tranh chấp đất đai và cách giải quyết của Tòa án, có thể gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai. Lưu ý: thời hạn kháng cáo theo quy định là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm.
Đơn kháng cáo gửi đến Tòa án phải đảm bảo các nội dung sau đây:
- Ngày tháng năm làm đơn kháng cáo;
- Thông tin cá nhân của người làm đơn kháng cáo: họ tên; địa chỉ; số điện thoại; địa chỉ thư điện tử; số fax…
- Kháng cáo một phần hay toàn bộ bản án đã có hiệu lực pháp luật;
- Lý do của việc kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và yêu cầu cụ thể của người kháng cáo;
- Chữ ký của người kháng cáo, hoặc thay bằng điểm chỉ.
Trên đây là một số thông tin quan trọng xoay quanh vấn đề tranh chấp đất đai và cách giải quyết, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc gì về vấn đề trên, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và chính xác.