Giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế giữa anh em trong gia đình

Một số tình huống trong tranh chấp đất đai thường gặp là tranh chấp đất đai được thừa kế. Đây là lúc những người được thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật bắt đầu có những mâu thuẫn khó giải quyết vì ai cũng muốn quyền lợi mình được nhiều nhất có thể. Để bạn có cái nhìn tổng quát hơn về tranh chấp đất đai thừa kế cũng như cách giải quyết, Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp thông tin chi tiết thông qua bài viết sau đây. Hãy chú ý theo dõi nhé.

Quảng cáo

1. Thừa kế là gì?

Theo Bộ luật Dân sự, thừa kế chính là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản được người đã chết để lại được gọi là di sản thừa kế. Hiện nay có hai loại thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

2. Khi nào được thừa kế quyền sử dụng đất

Theo Điều 199 Luật Đất đai năm 2013, điều kiện để nhận thừa kế quyền sử dụng đất được quy định như sau:

– Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định;

– Đất đai đó không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án;

– Đất đai được thừa kế đó phải đang trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, nếu không thỏa mãn một trong những điều kiện trên đây thì sẽ không được làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

tranh chấp đất đai thừa kế

3. Các quy định về quyền thừa kế sử dụng đất

3.1. Thừa kế theo di chúc

3.1.1 Thế nào là thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc?

Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống. Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc là việc người để lại di sản thừa kế (cụ thể là quyền sử dụng đất) chỉ định người thừa kế bên trong nội dung di chúc, cụ thể được hưởng bao nhiêu hoặc chỉ định tên người được hưởng nhưng không phân chia cụ thể.

Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, một bản di chúc hợp pháp cần phải đảm bảo điều kiện sau đây:

– Người lập di chúc khi lập di chúc phải còn minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối hay đe dọa, cưỡng ép;

– Nội dung bên trong di chúc được lập không được vi phạm vào điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội và hình thức của di chúc cũng không được trái với quy định pháp luật.

Hình thức của di chúc hiện nay bao gồm di chúc bằng miệng và di chúc bằng văn bản.

– Di chúc theo hình thức văn bản bao gồm:

  • Di chúc văn bản không có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

– Di chúc miệng được quy định như sau:

  • Trong trường hợp mà tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng;
  • Sau 3 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc vẫn còn sống, sáng suốt và minh mẫn thì di chúc miệng lúc này mặc nhiên bị hủy bỏ.

3.1.2 Quy trình thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền được phân định phần di sản thừa kế cho từng người thừa kế. Như vậy, việc người thừa kế được hưởng quyền sử dụng đất cụ thể bao nhiêu phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản được thể hiện thông qua nội dung di chúc hợp pháp.

Tuy nhiên, không hẳn là những ai không có tên trong di chúc thì sẽ không được thừa kế quyền sử dụng đất được để lại. Pháp luật vẫn cho phép những đối tượng sau đây được thừa kế dù có hay không được ghi tên vào di chúc:

– Những người sau đây sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc là chỉ cho hưởng di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên;
  • Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

– Đồng thời, quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền được hưởng di sản.

Ví dụ cụ thể: Ông C và bà D là vợ chồng hợp pháp, có hai người con chung là E (15 tuổi) và F (20 tuổi). Tuy nhiên, vì mâu thuẫn với E nên khi lập di chúc, ông C chỉ cho người hưởng di sản của ông mảnh đất 1.5 tỷ đồng cho bà D (vợ ông) và F. Và cha, mẹ của ông C đã mất một thời gian. Mảnh đất để lại là tài sản riêng của ông C trước khi kết hôn với bà D.

– Trong trường hợp này, xác định di sản được thừa kế là mảnh đất 1.5 tỷ đồng;

– Nếu chia thừa kế theo pháp luật: B = E = F = 1.5 tỷ/3 = 500 triệu đồng (B, E, F thuộc hàng thừa kế thứ nhất);

– E là con chưa thành niên nên E được hưởng 2/3 suất thừa kế trên theo pháp luật: E = (2/3) x 500tr = 333.33 triệu đồng;

– Như vậy, số tiền thừa kế còn lại sau khi đã trừ đi phần thừa kế 2/3 của E = 1.5 tỷ – 333.33 triệu đồng = 1 tỷ 167 triệu đồng.

– Vì ông C không chỉ định bà D và F được hưởng cụ thể bao nhiêu nên phần tiền còn lại sẽ được chia đều: D = F = 1 tỷ 167 triệu đồng : 2 = 583.5 triệu đồng.

– Tóm lại, phần di sản được thừa kế của mỗi người đối với quyền sử dụng đất đó có giá trị cụ thể như sau: D = 583.5 triệu đồng; E = 333.33 triệu đồng; F = 583.5 triệu đồng.

3.2. Thừa kế theo pháp luật

3.2.1 Thế nào là thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế theo trình tự, thủ tục luật định.

Theo Điều 650, những trường hợp sau đây được chia thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật:

– Không có di chúc;

– Di chúc không hợp pháp;

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc là chết cùng thời điểm so với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà từ chối nhận di sản hoặc không có quyền được hưởng di sản;

Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với phần di sản là quyền sử dụng đất được để lại như sau:

– Phần di sản còn lại không được định đoạt trong nội dung của di chúc;

– Phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật;

– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ lại từ chối nhận di sản, không có quyền nhận di sản, chết trước hoặc là chết cùng thời điểm với người lập di chúc; có liên quan đến cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

3.2.2 Chia thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc vào diện thừa kế và thuộc vào hàng thừa kế;

– Thuộc diện thừa kế là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản;

Quảng cáo

– Thuộc hàng thừa kế được xác định cụ thể như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, mẹ đẻ, cha đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản thừa kế;
  • Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, chị ruột, anh ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ ngoại, cụ nội.

– Đối với những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu như không còn người thừa kế ở hàng trước đó, hoặc người thừa kế ở hàng trước đó không có quyền hưởng di sản, từ chối hưởng di sản hoặc bị truât quyền thừa kế.

Theo Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người ở cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu di sản thừa kế để lại là quyền sử dụng đất thì những người thừa kế trong cùng một hàng sẽ được hưởng những phần bằng nhau.

Ví dụ: Ông X có vợ hợp pháp là bà Y, có 3 đứa con chung là A, B, C. Ông X khi mất không có di chúc, để lại mảnh đất có giá trị 2 tỷ đồng. Đồng thời, ba mẹ của ông X đã mất. Mảnh đất được để lại là tài sản riêng hợp pháp được xác định theo đúng quy định pháp luật.

– Hàng thừa kế thứ nhất: bà Y, A, B, C;

– Mỗi người ở cùng hàng thừa kế được hưởng phần thừa kế bằng nhau: Y = A = B = C = 500 triệu đồng.

4. Các cách giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế

Hiện nay, có 3 cách giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế nếu có mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp xảy ra về phần di sản được thừa kế:

– Thương lượng: các bên trong quan hệ tranh chấp lúc này sẽ tự thỏa thuận với nhau, đưa ra những phương hướng, cách thức giải quyết cụ thể đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Cách giải quyết này không cần có sự can thiệp của bên thứ ba;

– Hòa giải: đây là cách giải quyết có sự xuất hiện của bên thứ ba được xem là trung gian hòa giải, giúp các bên trong quan hệ tranh chấp đưa ra phương án giải quyết hợp lý;

– Khởi kiện: người cảm thấy quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình trong việc phân chia di sản thừa kế không hợp lý thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

5. Tư vấn khởi kiện tranh chấp đất đai thừa kế

5.1. Xác định thời hiệu khởi kiện

Trước khi tìm hiểu thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai thừa kế thì phải xác định được còn thời hiệu thừa kế hay không:

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là thời điểm mà người để lại di sản thừa kế chết;

– Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc bất động sản nên thời hiệu thừa kế đối với nhà đất là 30 năm;

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận về quyền thừa kế của mình hoặc là bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mà người để lại di sản thừa kế chết;

– Đồng thời, theo Công văn số 01/GĐ-TANDTC có quy định Tòa án được áp dụng về thời hiệu được quy định như trên để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu Tòa án chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

5.2. Thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tại Tòa án gồm những tài liệu sau đây:

– Đơn khởi kiện theo mẫu;

– Chứng minh thư nhân dân (căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực);

– Giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm;

– Trong trường hợp mà vì lý do khách quan nào đó, người khởi kiện không thể nộp đầy đủ giấy tờ, tài liệu hay chứng cứ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì có thể bổ sung sau theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai thừa kế;

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân cấp huyện theo các hình thức sau đây:

– Nộp trực tiếp;

– Nộp hồ sơ thông qua bưu điện;

– Nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện, xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án

– Trong thời hạn quy định là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán tiến hành xem xét đơn khởi kiện;

– Trong thời hạn quy định là 5 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong những quyết định sau đây:

  • Yêu cầu người khởi kiện bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ theo quy định;
  • Thụ lý vụ án;
  • Chuyển đơn khởi kiện tranh chấp đất đai thừa kế đến cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết và thông báo đến cho người khởi kiện;
  • Trả lại đơn khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc vào thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì sẽ thụ lý giải quyết và thông báo người khởi kiện đến đóng tạm ứng án phí, sau đó nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp được miễn đóng án phí theo luật định. Thời hạn để nộp tiền tạm ứng án phí và nộp lại biên lai là 7 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo từ Tòa nộp tạm ứng án phí.

– Khi Tòa án nhận được biên lai thu tiền tạm ứng án phí, vụ án sẽ được thụ lý.

Bước 4: Tòa án chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp.

– Thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, tuy nhiên có thể kéo dài đến 6 tháng nếu như vụ án có tính chất phức tạp, do trở ngại khách quan hay sự kiện bất khả kháng;

– Nếu như có quyết định tạm đình chỉ đối với vụ án tranh chấp đất đai thừa kế thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày Tòa án có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án;

– Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các bên trong quan hệ tranh chấp và tổ chức hòa giải; nếu như các bên hòa giải không thành thì Tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (nếu vụ án này không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hay đình chỉ);

– Trong thời hạn quy định 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án tiến hành mở phiên tòa. Nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài đến 2 tháng.

Bước 5: Tiến hành xét xử sơ thẩm.

– Sau khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ ra bản án sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp đất đai được thừa kế;

– Đồng thời, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu các bên trong mối quan hệ tranh chấp không đồng ý và có căn cứ để kháng cáo thì có quyền nộp đơn kháng cáo.

Trên đây là một số quy định pháp luật mới nhất hiện nay giúp bạn hiểu hơn về vấn đề tranh chấp đất đai thừa kế cũng như cách giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên khi có tranh chấp xảy ra, giải quyết tại Tòa án sẽ mang đến phương án giải quyết hợp lý nhất. Ngoài ra, mọi thông tin thắc mắc về vấn đề pháp lý hãy gửi ngay đến Luật Hùng Sơn để được hướng dẫn tư vấn chi tiết, cụ thể.

Vui lòng đánh giá!
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn