Tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ thì làm như thế nào?

Tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ, với một vấn đề phức tạp như tranh chấp đất đai có rất nhiều trường hợp và cách giải quyết khác nhau. Một trong số đó là tranh chấp đất đai có sổ đỏ. Vậy phải làm sao khi vướng phải tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ? Nộp đơn ở đâu? Các bước thực hiện thế nào? Hãy chú ý theo dõi bài viết sau đây để được Luật Hùng Sơn hướng dẫn chi tiết nhé.

Quảng cáo

Thế nào là đất có sổ đỏ?

Trước khi tìm hiểu chi tiết các cách xử lý nếu thuộc trường hợp tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ, bạn nên hiểu rõ đất đai đã có sổ đỏ là gì.

Sổ đỏ chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được ban hành bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là văn bản ghi nhận quyền sử dụng đất có thể là các loại đất như đất nông nghiệp, đất ở, đất rừng, đất phi nông nghiệp, đất giao thông… Và trong trường hợp nếu có đất ở, có nhà trên đất thì phần nhà được xây trên đất đó là tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, Sổ đỏ là chứng thư pháp lý vô cùng quan trọng giúp khẳng định quyền sử dụng và sở hữu hợp pháp đối với nhà đất của người có quyền.

tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ

Những trường hợp đất được cấp sổ đỏ

Theo Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai năm 2013, những trường hợp sau đây sẽ được Nhà nước cấp Sổ đỏ:

– Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định sau:

  • Đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất;
  • Đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất;
  • Đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức.

– Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014 (tức là sau ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành);

– Người được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, được chuyển đổi, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;

– Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc là quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, tố cáo, khiếu nại về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;

– Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;

– Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế;

– Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;

– Người mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước; người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở;

– Người sử dụng đất hợp thửa, tách thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc là thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất hợp nhất, chia tách quyền sử dụng đất hiện có;

– Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất;

Bên cạnh 10 trường hợp trên được cấp Sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai, người sử dụng đất có phạm vi hoặc là vướng mắc được cấp Giấy chứng nhận theo Điều 22, 23, 26 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP nếu:

– Cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước 1/7/2014;

– Cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất không đúng thẩm quyền;

– Cấp giấy chứng nhận với diện tích đất được tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất;

– Cấp giấy chứng nhận cho đất có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau;

– Cấp giấy chứng nhận với thửa đất đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên;

Tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ phải làm sao?

Hòa giải tranh chấp đất đã có sổ đỏ ở UBND xã

Nếu không thể tự hòa giải với nhau hoặc không thể hòa giải cơ sở thì hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã là thủ tục bắt buộc (tức là muốn khởi kiện tại Tòa án hay khiếu nại lên cơ quan cấp trên thì phải có biên bản hòa giải tại UBND cấp xã) . 

Khi các bên tranh chấp gửi đơn yêu cầu giải quyết đến UBND xã, cơ quan này sẽ tiến hành xem xét, thụ lý hồ sơ giải quyết. Cụ thể, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ tại UBND xã được thực hiện như sau:

Quảng cáo

– Bước 1: Chuẩn bị đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp;

– Bước 2: Nộp đơn lên UBND cấp xã (trực tiếp hoặc qua bưu điện);

– Bước 3: UBND cấp xã tiến hành các công việc như thẩm tra, xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp, các tài liệu, giấy tờ khác…;

– Bước 4: UBND cấp xã thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

– Bước 5: Kết quả giải quyết tranh chấp được lập thành biên bản.

Thời gian giải quyết: không quá 45 ngày; nếu là các xã hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian giải quyết được tăng thêm 15 ngày.

Và kết quả hòa giải tại UBND cấp xã sẽ có 2 trường hợp sau đây:

– Hòa giải thành: tranh chấp đất đai sẽ kết thúc;

– Hòa giải không thành: nếu các bên trong tranh chấp có Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), hay giấy tờ về quyền sử dụng đất khác… và có tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết.

Khởi kiện lên Tòa án nhân dân

Như đã đề cập, nếu kết quả hòa giải tại Ủy ban nhân dân không thành mà các bên tranh chấp có Sổ đỏ thì sẽ khởi kiện lên Tòa án nhân dân để giải quyết. Trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án nhân dân được thực hiện như sau:

– Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện với các tài liệu sau đây:

  • Đơn khởi kiện tại Tòa án;
  • Biên bản hòa giải không thành của UBND cấp xã;
  • Sổ hộ khẩu;
  • Chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân/hộ chiếu còn hiệu lực);
  • Danh mục các tài liệu và chứng cứ (chứng minh cho yêu cầu khởi kiện) kèm theo đơn khởi kiện.

– Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án (nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến);

– Bước 3: Tòa án nhận, xử lý đơn kiện và thụ lý đơn.

– Bước 4: Tòa án chuẩn bị thủ tục xét xử và xét xử sơ thẩm

  • Thời hạn chuẩn bị là 4 tháng, có thể kéo dài thêm 2 tháng nếu vụ án có tính chất phức tạp (tối đa 2 tháng);
  • Nếu trong thời gian chuẩn bị xét xử mà vụ án tranh chấp đất đai này không thuộc vào trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử;
  • Thời hạn mở phiên tòa xét xử vụ án là 1 tháng (có thể kéo dài thời gian xét xử đến 2 tháng theo quy định) kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

– Bước 5: Nghị án và tuyên án (đương sự sẽ được nghe Tòa án tuyên bản án giải quyết tranh chấp đất đai).

Không đồng ý với bản án của Tòa án phải làm sao?

Sau khi đã có bản án sơ thẩm, các bên sẽ có quyền kháng cáo nếu có căn cứ khi không đồng ý với bản án sơ thẩm đã tuyên. Thời hạn kháng cáo được quy định là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm.

Nội dung của đơn kháng cáo gửi đến Tòa đối với tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ:

– Ngày tháng năm làm đơn kháng cáo;

– Thông tin cá nhân của người làm đơn kháng cáo: họ tên; địa chỉ; số điện thoại; địa chỉ thư điện tử; số fax…

– Lựa chọn kháng cáo một phần hay toàn bộ bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;

– Lý do của việc kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và yêu cầu cụ thể của người kháng cáo là gì;

– Chữ ký của người kháng cáo, hoặc thay bằng điểm chỉ.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Hùng Sơn về cách thức giải quyết đối với tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ. Ngoài ra, nếu bạn còn có vướng mắc nào khác về thông tin trên, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết, cụ thể.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn