Hiện nay, tình trạng giả danh công an để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại ngày càng gia tăng và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn gây mất trật tự an toàn xã hội. Vậy tội giả danh công an lừa đảo qua điện thoại sẽ bị xử lý như thế nào? Sau đây Luật Hùng Sơn sẽ cùng các bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
I. Mục đích giả danh công an lừa đảo qua điện thoại
- Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng giả danh công an để lừa đảo người dân qua điện thoại ngày càng lộng hành. Chúng gọi điện đến cho người dân giả mạo cấp bậc, chức vụ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Chúng sẽ tự xưng là cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự…. nhằm mục đích là cho người dân hoảng sợ, hoang mang làm theo yêu cầu của chúng.
- Thông thường các đối tượng giả danh công an chúng sẽ đi theo trình tự lập sẵn từ việc thông báo có bưu phẩm cần nhận gấp, yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân để mở niêm phong sau đó đọc lệnh vì liên quan đến vụ án hình sự nào đó. Trong tình trạng này nhiều người hoang mang lo sợ nên làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, rơi vào bẫy của chúng dẫn đến hậu quả bị chiếm đoạt tài sản.
- Thực trạng này xảy ra rất nhiều ở các địa phương, đặc biệt là chúng nhắm vào những người ít am hiểu về pháp luật, cả tin. Điển hình vụ án giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng tại Nghệ An do Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vào ngày 29/11/2018 và ngày 30/11/2018, hoặc trường hợp do công an quận 2 Tp, HCM tiếp nhận điều tra: Nạn nhân là bà N.T.T.M bị các đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt hơn 500.00.000 đồng qua điện thoại ….
Như vậy, lợi dụng sự cả tin của người dân các đối tượng tội phạm hiện nay đã liên tiếp thực hiện rất nhiều vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh công an chiếm đoạt tài sản của họ.
II. Giả danh công an lừa đảo qua điện thoại bị xử lý như thế nào?
Hiện nay pháp luật đã có các chế tài đối với tội giả danh công an lừa đảo. Tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra các đối tượng này sẽ phải chịu các chế tài khác nhau với các khung hình phạt khác nhau cụ thể như bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
1. Xử phạt vi phạm hành chính
Trong trường hợp các đối tượng giả danh công an chiếm đoạt tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án hay đã bị kết án nhưng được xóa án tích thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ điều 15, nghị định 167/2013 ngày 21 tháng 11 năm 2013 quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì sẽ bị xử lý như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác, sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ thực hiện vi phạm hành chính.
Như vậy, đối với tội giả danh công an chiếm đoạt tài sản của người khác nếu thỏa mãn các điều và tịch thu tang vật vi phạm.
2. Xử lý hình sự
Trong trường hợp xử lý theo trách nhiệm hình sự thì phải căn cứ tùy vào tính chất, mức độ mà người thực hiện hành vi giả mạo công an có thể bị xử lý về tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, tội sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan chức năng…
Tội giả danh công an để lừa đảo qua điện thoại được hiểu là hành vi gian dối nhằm mục đích nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Căn cứ theo điều 174, bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể:
- Bằng thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Luật này, chưa được xóa án tích mà còn tái phạm. Theo quy định khoản 1, điều 174, Bộ Luật Hình Sự sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm/ phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Nếu thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức; chiếm đoạt tài sản từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng …. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 174 Bộ Luật Hình Sự thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng … theo quy định tại Khoản 3 Điều 174 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Trường hợp phạm tội mà chiếm đoạt tài sản từ 500.000.00o đồng trở lên theo quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình Sự thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc có thể là tù chung thân.
- Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5, điều 174, Bộ Luật Hình Sự thì: người phạm tội có thể bị phạt tiền 10.000.000 – 100.000.000 đồng, cấm đảm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ hay làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu 1 phần hay toàn bộ tài sản.
Tội giả danh công an thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về tội: “Tội giả mạo chức vụ cấp bậc, vị trí công tác” theo quy định tại Điều 339 Bộ Luật Hình sự. Hình phạt đối với tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, xử phạt tội giả danh công an lừa đảo qua điện thoại tùy theo trường hợp và mức độ nặng nhẹ của hậu quả gây ra mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.
III. Các biện pháp phòng tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng giả danh công an
Cần đề phòng cảnh giác đối với những người gọi điện đến giới thiệu là công an, và nói bạn đã phạm tội nào đó rất nghiêm trọng, yêu cầu cho kiểm tra tài khoản tiết kiệm. Người dân cần cẩn trọng để phòng tránh và tự bảo vệ mình khỏi bẫy lừa đảo qua điện thoại:
- Trả lời không cung cấp tài khoản cá nhân cho bất cứ ai. Nếu công an muốn kiểm tra thì bắt buộc phải làm việc tại trụ sở của công an, không làm việc với người xưng là công an qua điện thoại. Đập máy ngay lập thức khi nhận thấy các dấu hiệu không đáng tin.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, cũng như tài khoản ngân hàng đối với người lạ, chưa xác thực rõ họ là ai.
- Không truy cập vào các đường link không rõ ràng tránh trường hợp bị hách tài khoản hoặc đánh cắp thông tin cá nhân.
- Cần bình tĩnh trước những lời hăm dọa và nhờ đến sự giúp đỡ của cơ quan công an có thẩm quyền.
- Thường xuyên cập nhật thông tin tin tức và nâng cao hiểu biết về pháp luật để tránh tình trạng bị lừa.
Trên đây là tư vấn của Luật Hùng Sơn về hành vi giả danh công an lừa đảo qua điện thoại cùng với các biện pháp phòng tránh, hi vọng sẽ cung cấp cho các ban một số thông tin để tránh trường hợp bị mắc bẫy của bọn tôi phạm. Nếu các bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn của chúng tôi để được giải đáp.
- Mối quan hệ giữa pháp luật và chính trị - 31/05/2023
- Mẫu đơn xin xác nhận địa điểm kinh doanh mới nhất - 31/05/2023
- Tìm hiểu giấy bán xe viết tay có hợp pháp? - 31/05/2023