Trong cuộc sống hiện nay, không tránh khỏi những tình huống mà cơ quan có thẩm quyền, người đang thi hành công vụ bị cản trở hoạt động làm cho việc thực thi pháp luật gặp phải trở ngại, gây ra ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Việc này vô cùng nguy hiểm và cần có nhiều biện pháp xử lý thích đáng. Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp một số quy định pháp luật hiện hành xử lý trường hợp người có tội cản trở người thi hành công vụ để bạn đọc có thể nắm rõ hơn.
1. Xử phạt vi phạm hành chính khi có cản trở người thi hành công vụ
Căn cứ theo Điều 20 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định về việc xử phạt đối với hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc là đưa hối lộ người thi hành công vụ như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng cho đến 1.000.000 đồng đối với người môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho tổ chức, cá nhân vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm soát, kiểm tra của người thi hành công vụ.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng cho đến 3.000.000 đồng đối với người có một trong những hành vi sau:
- Cản trở hoặc là không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm soát, kiểm tra của người thi hành công vụ.
- Có lời nói hoặc hành động lăng mạ, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ.
- Lôi kéo, xúi giục hoặc là kích động người khác để họ không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm soát, kiểm tra của người thi hành công vụ.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng đối với người có một trong những hành vi sau:
- Dùng vũ lực hoặc là đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.
- Gây thiệt hại về phương tiện, tài sản của cơ quan nhà nước hoặc của người thi hành công vụ.
- Đưa tài sản, tiền hoặc là lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc bị xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, đối với người có hành vi cản trở người thi hành công vụ, nếu như hành vi vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không được pháp luật xem là chống đối người thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng cách phạt tiền từ 500.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cản trở người thi hành công vụ
Với người có hành vi cản trở người thi hành công vụ, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống đối người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với các khung hình phạt như sau:
– Người nào dùng vũ lực hoặc là đe dọa dùng vũ lực hoặc là có dùng thủ đoạn khác để cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc có hành vi ép buộc họ để họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ cho đến 3 năm, bị phạt tù từ 6 tháng cho đến 3 năm.
– Với người phạm tội thuộc vào một trong những trường hợp sau đây thì có thể bị phạt tù từ 2 năm cho đến 7 năm:
- Phạm tội có tổ chức.
- Phạm tội 2 lần trở lên.
- Lôi kéo, xúi giục, kích động người khác phạm tội.
- Gây ra thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.
- Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, người có đủ dấu hiệu pháp lý để cấu thành tội chống đối người thi hành công vụ, căn cứ tùy vào tính chất và mức độ phạm tội mà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ cho đến 3 năm, hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 6 tháng cho đến 7 năm.
Trên đây là các quy định pháp luật quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có tội cản trở người thi hành công vụ. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc nào khác về vấn đề này hoặc có còn vướng mắc pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn nhanh chóng và chi tiết nhất.