Vì mưu cầu cá nhân và lợi nhuận mà một số cá nhân đã thực hiện hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Vấn đề được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi là liệu tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sẽ có gì khác nhau và giống nhau. Để giúp bạn đọc nắm rõ hơn, Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp một số quy định pháp luật hiện hành xoay quanh vấn đề này dưới đây.
1. Điểm giống nhau giữa tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Giữa tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sẽ có một số điểm giống nhau như sau:
– Cả hai tội này đều xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, cụ thể hơn chính là xâm phạm đến trật tự quản lý việc xuất khẩu hàng hóa của Nhà nước, các chính sách thuế của Nhà nước.
– Và đối tượng tác động của cả hai tội này là tiền tệ, hàng hóa, ngoại tệ, đá quý, kim khí quý, vật phẩm thuộc về di tích lịch sử văn hóa, hàng cấm (trừ các loại hàng cấm đặc biệt theo quy định như chất cháy nổ, ma túy).
– Chủ thể của cả hai tội phạm này có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
– Lỗi của người phạm tội trong cả hai tội là lỗi cố ý.
– Về mặt khách quan người phạm tội đều có hành vi chuyển dịch hàng hóa qua biên giới Việt Nam trái phép.
– Địa điểm phạm tội là ở biên giới quốc gia Việt Nam. Biên giới theo quy định được hiểu là biên giới trên biển, trên không và trên bộ.
2. Sự khác biệt giữa hai tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Đối với tội buôn lậu:
– Tội buôn lậu sẽ được quy định cụ thể tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
– Mục đích của người phạm tội buôn lậu thường là mua bán trái phép nhằm để mua đi bán lại vì mục đích kiếm lời động cơ vụ lợi.
– Người phạm tội buôn lậu có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng cho đến 5.000.000.000 đồng, bị phạt tù từ 6 tháng cho đến 20 năm căn cứ tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là làm một công việc nhất định từ 1 năm cho đến 5 năm, bị tịch thu một phần hoặc là toàn bộ tài sản.
– Đặc biệt, pháp nhân thương mại khi phạm tội buôn lậu thì có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng cho đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng cho đến 3 năm, có khả năng bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn căn tứ tùy vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng cho đến 300.000.000 đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc là cấm huy động vốn từ 1 năm cho đến 3 năm.
Đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới:
– Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sẽ được quy định cụ thể tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
– Khác với tội buôn lậu, người có hành vi phạm tội này không nhằm vào mục đích mua bán, vụ lợi.
– Người phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 3.000.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ cho đến 2 năm, bị phạt tù từ 3 tháng cho đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là làm một công việc nhất định từ 1 năm cho đến 5 năm.
– Đặc biệt, pháp nhân thương mại khi phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới còn có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng cho đến 5.000.000.000 đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng cho đến 3 năm, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn căn cứ tùy vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng cho đến 200.000.000 đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc là cấm huy động vốn từ 1 năm cho đến 3 năm.
Trên đây là những quy định pháp luật hiện hành xoay quanh sự giống và khác nhau của tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc về vấn đề này hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và chính xác nhất.