Chào Luật Hùng sơn, Tôi có một vấn đề thắc mắc muốn nhờ luật sư giải đáp. Bạn tôi tên là H có cho người ta vay tiền ngay trong sòng bạc và sau đó bị công an bắt giữ với tội danh đồng phạm đánh bạc trái phép. Vậy luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này bạn tôi có được xem là đồng phạm tội đánh bạc hay không? Hình phạt cho hành vi này của bạn tôi như thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn Bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới bộ phận tư vấn của Luật Hùng Sơn. Nhà nước quy định nghiêm ngặt về các vấn đề cho vay tiền, tài chính, hoạt động sòng bạc trái phép. Các hình thức cho vay trong sòng bạc sẽ được xem xét và xử phạt theo quy định trong luật Hình sự. Dưới đây là câu trả lời về xử phạt cho vay sòng bạc theo luật Hình sự đã quy định.
Đồng phạm là gì?
Căn cứ quy định của Điều 17 Bộ Luật Hình sự về đồng phạm:
- Đồng phạm là trường hợp có từ hai đối tượng trở lên cố ý cùng thực hiện một tội.
- Phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm, trong đó có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội.
- Người phạm tội đồng phạm bao gồm: người tổ chức, người xúi giục, người thực hành, người giúp sức. Trong đó: người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm, người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, người xúi giục kích động, thúc đẩy, dụ dỗ người khác phạm tội, người giúp sức tạo điều kiện vật chất hoặc vật chất để thực hiện tội phạm.”
Như vậy, đồng phạm là có hai người trở lên cố ý thực hiện một tội phạm. Muốn xác định đồng phạm cho vay phải dựa trên căn cứ về chủ quan và khách quan.
Cho vay tiền tại sòng bạc có được xem là đồng phạm của tội đánh bạc không?
Trước hết, chúng ta cần xem xét trường hợp cho vay tiền tại sòng bạc có tính chủ quan và khách quan như thế nào?
Xét về mặt khách quan: chúng ta xét trên 3 phương diện như sau:
- Căn cứ vào số lượng người trong vụ án này: H cho vay tiền tại sòng bạc có nghĩa trong sòng bạc ai có nhu cầu vay tiền thù bạn của bạn sẽ đáp ứng cho vay. Như vậy, thỏa mãn điều kiện từ 2 người trở lên.
- Căn cứ vào tính liên kết hành vi: hành vi cho vay tiền của nhằm trợ giúp cho người khác thực hiện hành vi đánh bạc. Như vậy, thỏa mãn điều kiện hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của họ cùng hướng về tội đánh bạc trái pháp luật. Việc H cho các con bạc vay tiền là tiền đề các con bạc khác tiếp tục phạm tội. Cuối cùng đều dẫn đến hành vi đánh bạc trái pháp luật làm mất trật tự công cộng.
- Căn cứ vào hậu quả tác hại: hành vi cho vay tiền tại sòng bạc sẽ tạo điều kiện cho con bạc tiếp tục đánh bạc trái pháp luật và gây mất trật tự công cộng.
Xét về mặt chủ quan: Việc H cho các con bạc vay tiền tại sòng bạc là lỗi cố ý. Từ đó dẫn đến hậu quả các con bạc cố ý vay tiền của H tiếp tục đánh bạc. Hậu quả của việc H cho vay tiền tại sòng bạc là khiến cho tội đánh bạc tiếp tục diễn ra, kéo dài thời gian phạm tội hơn.
Như vậy, xét về mặt khách quan và chủ quan hành vi cho vay tiền tại sòng bạc của H thỏa mãn điều kiện là người đồng phạm trong vụ án đánh bạc trái pháp luật.
Tóm lại,căn cứ theo quy định của Điều 17 và điều 321 Bộ Luật Hình Sự thì việc H cho vay tiền ngay tại sòng bạc được xem là hành vi đồng phạm của tội đánh bạc. Bởi trong trường hợp này H hoàn toàn biết rõ mục đích vay tiền của những người trong sòng bạc là dùng để đánh bạc nhưng H vẫn tiếp tục cho vay. Như vậy, rõ ràng ý chí của H coi như là đồng thuận với ý chí của những người vay tiền, nghĩa là dùng số tiền H cho vay để tiếp tục đánh bạc. Do vậy, trong trường hợp này H không trực tiếp thực hiện hành vi đánh bạc nhưng hành vi cho vay tiền tại sòng bạc lại là hành vi tiếp sức để người vay tiếp tục đánh bạc, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cho người vay tiếp tục thực hiện tội phạm.
Như vậy, trong trường hợp H cho vay tiền tại sòng bạc và hoàn toàn biết rõ mục đích của người vay tiền là dùng để đánh bạc thì H là đồng phạm trong tội đánh bạc – như cơ quan công an đã kết luận.
Việc xử phạt cho vay trong sòng bạc được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 321 Bộ Luật Hình Sự và Điều 26 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 thì hành vi cho vay tại sòng bạc của H phải chịu các chế tài sau:
Tại Khoản 3 Điều 26 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;”
Trong trường hợp này, đây là hành vi mà H đã thực hiện và tái phạm nhiều lần thì mức độ và tính chất ngày càng nguy hiểm thì sẽ bị áp dụng các chế tài nặng hơn theo quy định tại Điều 321 Bộ Luật Hình Sự như sau:
Cải tạo không giam giữ 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.
Trong trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và tái phạm nguy hiểm tùy theo mức độ mà có thể bị phạt tù từ 03 đến 07 năm.
Như vậy, hành vi cho vay tiền tại sòng bạc của H được xem là hành vi đồng phạm của tội đánh bạc. Tùy vào tính chất và mức độ phạm tội mà sẽ có các khung hình phạt tương ứng.
Trên đây là những tư vấn của Luật Hùng Sơn cho câu hỏi tội cho vay tiền trong sòng bạc và xử phạt, Mọi thắc mắc liên quan của các bạn xin liên hệ trực tiếp với bộ phận tư vấn của chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng của chúng tôi.