logo

Vi phạm hợp đồng và những lưu ý về mức phạt trong hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng là một trong những loại chế tài do các bên tự lựa chọn, nhằm để răn đe, trừng phạt, phòng ngừa những hành vi vi phạm hợp đồng, giúp nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Khi thực hiện soạn điều khoản này, cần phải xem xét đến mối quan hệ, độ tin tưởng lẫn nhau của các bên mà quy định hoặc không quy định về vấn đề vi phạm. Bài viết này Luật Hùng Sơn sẽ đưa ra những lưu ý về mức phạt trong hợp đồng.

Quảng cáo

I. Khi nào phạt vi phạm hợp đồng

Theo quy định của pháp luật thì phạt vi phạm hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện dưới đây:

  • Hợp đồng có hiệu lực: Đây là điều kiện tiên quyết, nếu hợp đồng vô hiệu thì phải xử lý theo quy định về hợp đồng vô hiệu;
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng: Đây là điều kiện đương nhiên, tuy nhiên, để làm rõ hơn thì “Hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi “không thực hiện”, “thực hiện không đầy đủ” hoặc “thực hiện không đúng” các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng;
  • Có thỏa thuận phạt vi phạm: Đây là điểm cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng, nếu không có quy định về phạt hợp đồng thì Tòa án sẽ không giải quyết

Căn cứ:

  • Điều 300 Luật Thương mại 2005 “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận
  • Điều 418 – BLDS 2015)Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.

II. Mức phạt vi phạm hợp đồng

Rất nhiều người nhầm lẫn rằng, mức phạt tối đa trong Hợp đồng là 8% nhưng thực ra không phải. Theo quy định tại khoản 2 Điều 418 BLDS 2015 thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc các bên có quyền tự do định đoạt mức phạt vi phạm trong hợp đồng, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Vậy, pháp luật có quy định gì khác về phạt hợp đồng? Các bạn tham khảo một số quy định dưới đây nhé:

  • Điều 301, Luật thương mại 2005 quy định: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Chúng ta lưu ý rằng mức phạt tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm chứ không phải 8% giá trị Hợp đồng như đa số chúng ta thường nghĩ.

Ví dụ: Hợp đồng mua hàng trị giá 2 tỷ đồng, giao hàng 2 lần, mỗi lần trị giá 1 tỷ. Bên bán chậm giao hàng lần 1, giá trị lô hàng lần 1 là 1 tỷ thì chỉ phải chịu phạt 8% của 1 tỷ.

  • Điều 266, Luật thương mại 2005: Đối với dịch vụ giám định, mức phạt không quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.
  • Khoản 2 Điều 146, Luật Xây dựng 2014 quy định: “Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm…”.

Lưu ý rằng, chỉ áp dụng mức phạt trần 12% trong Hợp đồng xây dựng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước. Đối với các công trình không sử dụng vốn nhà nước thì mức phạt do thỏa thuận, có thể cao hơn mức 12%.

phạt vi phạm hợp đồng

III. Thỏa thuận mức phạt cao hơn mức quy định có bị vô hiệu?

Như đã đề cập ở trên, Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014 quy định “mức trần” phạt vi phạm lần lượt là 8% và 12%. Tuy nhiên, cả hai luật này đều không quy định việc xử lý đối với trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá giới hạn thì được xử lý như thế nào?

Cụ thể, nếu trong hợp đồng hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ví dụ: hai bên thỏa thuận, mức phạt 10%, 20%, 50%… thì sẽ xử lý như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, đang có hai quan điểm như sau:

Quảng cáo

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thỏa thuận này là vô hiệu, vì vậy khi giải quyết yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu này.

Quan điểm thứ hai cho rằng, việc thỏa thuận vượt quá 8% chỉ vô hiệu một phần đối với mức phạt vượt quá 8% còn điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn có hiệu lực, trong trường hợp này có thể áp dụng mức tối đa 8% yêu cầu của bên bị vi phạm, phần vượt quá không được chấp nhận. Cá nhân tôi cũng đồng ý với quan điểm thứ 2 này.

Qua thực tiễn xét xử, các Tòa án thường chấp nhận quan điểm thứ hai trong các vụ án kinh doanh, thương mại, khi các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm trên 8% nghĩa vụ bị vi phạm, các Tòa án thường căn cứ vào Điều 301 Luật Thương mại 2005 để ấn định mức phạt tối đa là 8% nghĩa vụ bị vi phạm mà không có lập luận gì nhiều về phần vượt quá và đa số các bản án đều nhận định việc “thỏa thuận mức phạt cao hơn 8% nghĩa vụ bị vi phạm là không phù hợp”.

IV. Phạt và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Phạt và bồi thường thiệt hại là 2 chế tài hoàn toàn khác nhau. Trong hợp đồng vừa có thể yêu cầu bồi thường và vừa phạt.

phân biệt bồi thường và phạt

Phân biệt bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm

* Có một số lưu ý chính như sau:

Phạt: Phải có quy định trong hợp đồng, mức phạt phải được thỏa thuận.

Bồi thường: Được bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có thỏa thuận. Không có quy định về mức trần của bồi thường thiệt hại mà căn cứ vào thiệt hại thực tế và phải chứng minh thiệt hại do 1 bên vi phạm hợp đồng.

Trên đây là những lưu ý về mức phạt trong hợp đồng được Luật Hùng Sơn tổng hợp. Trường hợp còn có vướng mắc hoặc yêu cầu dịch vụ, Quý Khách hàng có thể liên hệ cho chúng tôi qua Hotline 0964.509.555 để được cung ứng dịch vụ nhanh chóng nhất.

Trân trọng!

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn