Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng là vấn đề đã tồn tại từ lâu và ngày càng trở nên tinh vi theo sự phát triển của công nghệ và các trang mạng xã hội. Vậy tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử phạt thế nào? Sau đây hãy cùng Luật Hùng Sơn tìm hiểu về vấn đề này:
Quy định của pháp luật về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Căn cứ Điều 139 Bộ luật hình sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu hay người quản lý tài sản nhầm tin và giao tài sản cho người phạm tội để họ chiếm đoạt tài sản đó.
Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, những người có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị ghép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu nằm trong những trường hợp sau:
- Người đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà gây ra những ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh và an toàn xã hội;
- Tài sản bị chiếm đoạt đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và cả gia đình họ;
- Tài sản trộm cắp là đồ thờ cúng, kỷ vật, di vật có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại;
- Đã từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản hay các tội quy định tại: Điều 168; Điều 169; Điều 170; Điều 171; Điều 172; Điều 174; Điều 175; Điều 290 của Bộ luật hình sự 2015.
Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang là vấn đề nóng hiện nay, sau đây là một số thủ đoạn mọi người cần lưu ý:
- Các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (bị hại chủ yếu là nữ) qua mạng xã hội (Facebook, Zalo….) nhắn tin tâm sự, tán tỉnh, vờ yêu đương. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại. Sau đó, đối tượng người nước ngoài cấu kết với đối tượng người Việt Nam liên lạc với người bị hại để giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế,… và yêu cầu người bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như cước vận chuyển, thuế, phí…) vào các tài khoản ngân hàng mà các đối tượng này cung cấp rồi chiếm đoạt.
- Các đối tượng lừa đảo sử dụng các ứng dụng trên mạng Internet, mạng viễn thông, các sim số điện thoại khuyến mại, không được đăng ký chính chủ do nhà mạng quản lý, gọi điện giả danh là nhân viên của bưu điện hay ngân hàng và thông báo với chủ thuê bao về các khoản nợ như nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn; giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc thậm chí giả mạo cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến những vụ án đang bị điều tra rồi khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của người bị hại, sau đó yêu cầu họ chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của người bị hại vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng này cung cấp với lý do là để phục vụ cho công tác điều tra rồi chiếm đoạt.
- Các đối tượng lừa đảo lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) hoặc chiếm đoạt quyền quản trị (hay còn gọi là hack) tài khoản của người bị hại rồi nhắn tin để lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản đó chuyển tiền cho các đối tượng này sau đó chiếm đoạt; gửi tin nhắn báo trúng giải thưởng lớn cho người bị hại rồi đề nghị họ nộp tiền lệ phí để được nhận thưởng sau đó chiếm đoạt; chào bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội với giá rẻ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các đối tác mua hàng.
Cần làm gì khi bị lừa đảo qua mạng xã hội?
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bao gồm: cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Khi bị lừa đảo qua mạng, bạn có thể tố cáo theo 2 cách như như gọi điện thoại đến số điện thoại trực ban hình sự cục Cảnh sát hình sự hay tố giác trực tiếp
Để yêu cầu tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố được giải quyết trực tiếp, bạn hãy tiến hành thông báo tin cho cơ quan điều tra công an cấp huyện hoặc tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tại nơi cư trú của bạn hoặc của người lừa đảo.
Tư vấn khởi kiện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng?
Hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Giữa hai hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và cũng là kết quả của hành vi lừa dối.
Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật.
Xét về mặt khách quan, hành vi lừa dối là hành vi đưa ra các thông tin giả dối, không đúng sự thật. Còn về mặt chủ quan thì người phạm tội dù đã biết đó là thông tin giả nhưng vẫn mong muốn người khác tin đó là sự thật. Những hành vi lừa dối như vậy có thể được thực hiện qua nhiều hình thức như lời nói hay việc đưa ra những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể (cân, đong, đo, đếm thiếu).
Hành vi lừa dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của người khác. Những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác thì dù mục đích này có tính tư lợi hay không cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo có hai hình thức thể hiện cụ thể sau đây:
- Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản đó thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là nhận tài sản từ người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội đưa ra nên người bị lừa dối đã giao nhầm tài sản của mình cho họ. Thời điểm nhận được tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản mà họ định chiếm đoạt và người bị lừa dối cũng mất khả năng làm chủ của tài sản đó ở trên thực tế. Tội lừa đảo được coi là hoàn thành tại thời điểm này tức thời điểm mà người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
- Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối. Do đã tin vào thông tin mà người phạm tội đưa ra nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản (nhận thiếu, nhận sai loại tài sản được nhận) hoặc thậm chí là không nhận. Lúc mà người bị lừa dối nhận nhầm hoặc không nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã chiếm hữu được tài sản bị chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất tài sản đó. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm này tức là thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
Thông thường thì hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ xảy ra kế tiếp ngay sau hành vi lừa dối. Nhưng cũng có những trường hợp giữa hai hành vi trên có khoảng cách nhất định về thời gian. Và ở đây cần phải chú ý rằng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ được xem là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.csxx
Người phạm tội biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản.
Theo đó, căn cứ vào những dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và những vấn đề bạn gặp phải, bạn có thể thực hiện khởi kiện người có hành vi lừa đảo đó tại Tòa án nhân dân cấp huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh) nơi người đó đang cư trú nếu đáp ứng các yếu tố bắt buộc trên. Kèm theo đơn khởi kiện là những bằng chứng, chứng cứ chứng minh cho hành vi lừa đảo này.
Khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bỏ trốn thì bị phạt thế nào?
Theo điểm a khoản 3 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 khi bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bỏ trốn thì bị can sẽ bị truy nã.
Người bỏ trốn sẽ không bị phạt thêm chỉ là khi xét hình phạt thì sẽ không được áp dụng biện pháp giảm nhẹ hình phạt và ở điểm tội phạm ăn năn hối lỗi.
Hy vọng bài viết trên sẽ mang đến thông tin hữu ích cho mọi người. Mọi thắc mắc về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vui lòng liên hệ đến số Hotline: 1900 6518 của Luật Hùng Sơn để giải đáp.