Hợp đồng lao động vô hiệu trong trường hợp nào? Được giải quyết ra sao?

Khi người lao động và công ty có tranh chấp thì hợp đồng lao động là cơ sở giải quyết tranh chấp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, người lao động nên nắm rõ khi nào hợp đồng lao động vô hiệu và khi vô hiệu phải giải quyết ra sao. Hãy theo dõi bài viết sau đây để được hướng dẫn chi tiết về vấn đề này nhé.

Quảng cáo

1. Những trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu

Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ.

1.1 Hợp đồng vô hiệu từng phần

Theo Khoản 2 Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng lao động.

Có thể hiểu, một hợp đồng lao động có các nội dung chủ yếu theo quy định. Một trong số các nội dung đó nếu có vi phạm pháp luật thì chỉ mỗi nội dung đó vô hiệu, các nội dung còn lại vẫn có hiệu lực theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, sau đây là một số nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 bạn cần nắm rõ:

  • Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động; họ tên và chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân (hoặc số thẻ căn cước công dân/hộ chiếu còn hiệu lực) của người giao kết hợp đồng lao động phía bên người lao động;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

1.2 Hợp đồng vô hiệu toàn bộ

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động vô hiệu toàn phần trong những trường hợp sau đây:

1.2.1 Toàn bộ nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật.

Hợp đồng lao động được giao kết dựa trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể tự do thỏa thuận những nội dung của hợp đồng, tuy nhiên phải chịu sự ràng buộc về tính hợp pháp, tức là nội dung các điều khoản đó phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Lao động và các luật khác có liên quan.

Nếu không tuân thủ các quy định thì hợp đồng lao động sẽ vô hiệu, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động không được đảm bảo.

1.2.2 Người giao kết hợp đồng lao động không đúng với thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1 Điều 15 Bộ luật Lao động 2019.

Theo Khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động về phía người sử dụng lao động thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo các quy định của pháp luật;
  • Người đứng đầu của tổ chức, cơ quan cơ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
  • Người đại diện của tổ hợp tác, hộ gia đình, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc được người ủy quyền theo các quy định của pháp luật;
  • Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

Theo Khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động về phía người lao động thuộc một trong những trường hợp sau:

Quảng cáo
  • Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Người lao động từ đủ 15 tuổi cho đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động đó;
  • Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người lao động đó;
  • Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Lưu ý: người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người nào khác giao kết hợp đồng lao động.

Ngoài ra, nếu hợp đồng lao động vi phạm các nguyên tắc được quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau thì cũng sẽ vô hiệu:

  • Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực;
  • Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái với pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

1.2.3 Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

Các công việc mà pháp luật cấm có thể được hiểu là công việc hay nghề bất hợp pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính người lao động, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng…

Cụ thể hơn, Điều 147 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về một số công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi:

  •  Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi cho đến chưa đủ 18 tuổi làm những công việc sau:
    • Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;
    • Sản xuất, kinh doanh cồn, bia, rượu, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc là chất gây nghiện khác;
    • Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, chất nổ, khí gas;
    • Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;
    • Phá dỡ các công trình xây dựng;
    • Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;
    • Lặn biển, đánh bắt thủy sản, hải sản xa bờ;
    • Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển của trí lực, thể lực, nhân cách của người chưa thành niên.
  • Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi cho đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở những nơi sau:
    • Dưới nước, dưới lòng đất, trong đường hầm, trong hang động;
    • Công trường xây dựng;
    • Cơ sở giết mổ gia súc;
    • Sòng bạc, quán bar, phòng hát karaoke, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;
    • Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển của trí lực, thể lực, nhân cách của người chưa thành niên.

hợp đồng lao động vô hiệu

2. Cách giải quyết khi hợp đồng lao động vô hiệu

2.1 Khi hợp đồng vô hiệu từng phần

Theo Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Lao động năm 2019, nguyên tắc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần được quy định như sau:

  • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang được áp dụng; trường hợp mà không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định pháp luật;
  • Hai bên sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu đề phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc là pháp luật về lao động.

Cụ thể hơn, Điều 9 Nghị định số Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về việc xử lý hợp đồng vô hiệu từng phần như sau:

  • Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì người sử dụng lao động và người lao động phải tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu sao cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
  • Khi hai bên đồng ý về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng vô hiệu từng phần:
    • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần cho đến khi hợp đồng lao động được bổ sung, sửa đổi thì sẽ được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp mà không có thỏa ước lao động tập thể thì sẽ thực hiện theo quy định pháp luật.
    • Trường hợp mà hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với các quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải:
      • Tiến hành thỏa thuận lại mức lương sao cho đúng với quy định;
      • Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả lại cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
  • Trường hợp hai bên không thống nhất việc sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì:
    • Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
    • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại trường hợp hai bên đồng ý sửa đổi, bổ sung hợp đồng vô hiệu từng phần;
    • Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
    • Thời gian làm việc của người lao động theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu sẽ được tính là thời gian mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động để làm căn cứ để thực hiện chế độ theo quy định pháp luật về lao động;
  • Một số vấn đề khác có liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

2.2 Khi hợp đồng vô hiệu toàn bộ

Theo Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Lao động năm 2019, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật; trường hợp mà do ký sai thẩm quyền thì hai bên tiến hành ký lại.

Cụ thể hơn, Điều 10 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về việc xử lý hợp đồng vô hiệu toàn bộ như sau:

  • Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động tiến hành ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
  • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động đó được ký lại được thực hiện như sau:
    • Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động đó không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động sẽ được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
    • Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động sẽ thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ;
    • Thời gian mà người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
    • Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
    • Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được thực hiện theo quy định tại trường hợp ký lại hợp động lao động;
    • Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
  • Các vấn đề khác có liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc là vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng xoay quanh vấn đề hợp đồng lao động vô hiệu. Ngoài ra, nếu như bạn đọc còn có vướng mắc về vấn đề nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn qua hotline: 0964.509.555 để nhận được sự hỗ trợ tư vấn và giải đáp chi tiết.

Vui lòng đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn