Ma tuý đã và đang là hiểm hoạ lớn cho mỗi gia đình và cộng đồng. Sử dụng trái phép ma túy gây tác hại xấu cho sức khoẻ, phẩm giá. Thậm chí nó cướp đi hạnh phúc và sự bình yên của bao gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Mọi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cần được lên án và trừng trị. Người ép buộc người khác dùng ma túy có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Hình phạt đối với hành vi này được quy định như thế nào?
1. Pháp luật hiện hành quy định về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như thế nào?
a) Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là gì?
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý bằng hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần người khác với mục đích ép buộc, trái với ý muốn của họ sử dụng trái phép chất ma túy.
b) Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy có phải ngồi tù không?
Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã sử dụng Điều 257 để quy định rõ ràng về Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau:
“Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Theo đó, hình phạt đặt ra với người có hành vi cưỡng ép người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể đối mặt với án phạt tù từ 02 năm tới tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào mức độ và tính chất của tội phạm.
2. Các yếu tố cấu thành tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
2.1. Mặt khách quan
Hành vi cưỡng bức trong tội phạm này là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác khiến người bị đe dọa sợ hãi phải miễn cưỡng nghe theo người phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy.
2.2. Mặt chủ quan
Mặt chủ quan của tội phạm này là việc người phạm tội ép buộc người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, mục đích phạm tội là mong muốn người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
2.3. Khách thể
Khách thể của tội phạm này chính là sức khỏe, tính mạng con người; Chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma túy.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người bị ép buộc sử dụng ma túy, nếu không có người sử dụng chất ma túy thì không thể có người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
2.4. Chủ thể thực hiện tội phạm
Theo quy định tại Điều 12 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Đối chiếu với quy định trên, người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện tội phạm này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và người dưới 16 tuổi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
3. Chế tài xử phạt đối với tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
Theo quy định tại Điều 257 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ có 04 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung:
– Khung hình phạt thứ nhất: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
– Khung hình phạt thứ hai: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
– Khung hình phạt thứ ba: phạt tù từ 15 năm đến 20 năm;
– Khung hình phạt thứ tư: phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân;
– Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, trách nhiệm hình sự của tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy chỉ đặt ra với người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện tội phạm. Người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện có thể sẽ bị áp dụng mức hình phạt tù từ 02 năm tới tù chung thân và phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Sau ly hôn phụ nữ nên làm gì? 5 điều Nhất Định phải làm - 27/05/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/05/2023