Tội phạm là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Bộ Luật hình sự, tội phạm được định nghĩa như sau:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật hình sự quy định, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, không phải hành vi có dấu hiệu của tội phạm nào cũng được xem là tội phạm cần phải xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, nếu tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Các dấu hiệu của tội phạm gồm những gì?
Hành vi được xem là tội phạm khi đáp ứng đủ 04 dấu hiệu dưới đây:
Tính nguy hiểm cho xã hội
Căn cứ khoản 2 Điều 8, Điều 9 Bộ luật hình sự có thể thấy tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản nhất của tội phạm. Đây cũng là căn cứ để phân chia tội phạm thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Các căn cứ xác định tính nguy hiểm cho xã hội như:
– Mức độ gây ra thiệt hại hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại đến các quan hệ xã hội
– Tính chất và mức độ lỗi của người thực hiện hành vi
– Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại (như quan hệ nhân thân, quan hệ sở hữu,…)
– Phương pháp, thủ đoạn, phương tiện phạm tội (như Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm: dao, gậy sắt,…)
– Mục đích (kết quả của người phạm tội mong muốn), động cơ (động lực thôi thúc hành vi của người phạm tội).
Ví dụ: A và B có mâu thuẫn nên A đã:
Trường hợp 1: A dùng tay đấm, chân đá vào người B dẫn đến B bị tổn thương cơ thể 9%;
Trường hợp 2: A cầm gậy sắt đập B, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 9%.
Hai trường hợp trên, đều là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của B, tuy nhiên, trường hợp 1 có thể chỉ bị xử phạt hành chính, còn đối với trường hợp 2 thì có thể bị xử phạt về Tội cố ý gây gây tổn hại cho sức khỏe của B dù tỉ lệ tổn thương cơ thể của B là 9%, bởi A đã dùng hung khí nguy hiểm để hành hung B và mức độ nguy hiểm gây nguy hiểm cao, có thể dẫn tới B bị thiệt mạng.
Tính có lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó dưới hình thức vô ý hoặc cố ý.
Căn cứ Điều 10, Điều 11 Bộ luật hình sự, có thể phân chia như sau:
- Lỗi cố ý: gồm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp
– Cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Vd: A và B xảy ra mâu thuẫn, A về nhà lấy dao đến đâm B với ý muốn giết B. Ở đây A ý thức được việc mình làm là nguy hiểm và mong muốn hậu quả chết người người xảy ra.
– Cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Vd: A giăng lưới điện để tránh chuột vào phá hoại vụ mùa nhưng không có cảnh báo an toàn dẫn đến chết người. Dù A không mong muốn xảy ra hậu quả chết người nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên đây là lỗi cố ý gián tiếp.
- Lỗi vô ý: gồm vô ý do quá tự tin và vô ý do cẩu thả
– Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Vd: A bỏ chậu hoa trên cửa sổ ở căn hộ chung cư tầng 12 của mình, không may là chậu hoa rơi xuống trúng 1 người qua đường làm người đó chết ngay tại chỗ. A biết hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng tin rằng chậu hoa sẽ không rơi và vẫn làm như vậy, ở đây A đã phạm lỗi vô ý do quá tự tin.
– Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Vd: A nhân viên sửa đường cống, khi sửa cống xong quên đẩy nắp cống, dẫn tới 1 người không chú ý đã đi vào dẫn tới ngã xe, tỉ lệ thương tật 30%, trong trường hợp này, A không cố ý gây ra sự việc trên và không mong muốn sự việc xảy ra, nhưng A buộc phải biết nếu việc không đẩy nắp cống sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông,
Như vậy, người thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu họ đã lựa chọn và thực hiện hành vi đó trong khi họ có thể lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội.
Mục đích của việc quy định và áp dụng hình phạt là để trừng phạt người có lỗi chứ không phải trừng phạt hành vi. Qua đó giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm xảy ra. Đối với người không có lỗi, hình phạt không thể đạt được mục đích giáo dục. Vì vậy, để xác định tội phạm cần xem xét cả yếu tố lỗi của người người đó.
Tính trái pháp luật hình sự
Dựa vào Điều 2 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, một hành vi dù có tính gây nguy hiểm cho xã hội cũng sẽ không bị xem là tội phạm nếu hành vi đó không được Bộ luật hình sự quy định. Nói cách khác, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu pháp luật hình sự không quy định hành vi đó.
Tính trái pháp luật là căn cứ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, tránh việc xử lý người một cách tùy tiện.
Tính phải chịu hình phạt
Tính phải chịu hình phạt cũng là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm. Chỉ có người có hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt. Hình phạt là cơ sở để răn đe, giáo dục, trừng phạt người phạm tội.
Tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự là cơ sở để xem xét khung, mức hình phạt.
Hy vọng qua bài viết trên sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho mọi người. Mọi thắc mắc về các dấu hiệu tội phạm vui lòng liên hệ ngay đến số Hotline: 1900 6518 của Luật Hùng Sơn để giải đáp.
Qua tìm hiểu bài viết này, tôi có tắc mắc này, rất mong Luật sư phản hồi ạ: Trong các dấu hiệu của tội phạm thì dấu hiệu nào là cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm? Và tại sao ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Hùng Sơn, bạn vui lòng gọi đến hotline 1900 6518 để Luật Hùng Sơn tư vấn cụ thể nhé,
Trân trọng!