Tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ diễn ra vô cùng phổ biến, nếu bị cảnh sát giao thông bắt gặp, thường sẽ bị tước giấy phép lái xe. Vậy câu hỏi đặt ra là người vi phạm về an toàn giao thông có được phép tham gia giao thông trong thời hạn đang bị tước giấy phép lái xe hay không? Nếu lại bị cảnh sát giao thông bắt thì trường hợp không có giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt như thế nào?
1. Bị tước giấy phép lái xe không được quyền tham gia giao thông:
Kính thưa luật sư, cách đây vài ngày em bị phạt vì lỗi đi ngược chiều và bị cảnh sát giao thông tước giấy phép lái xe trong thời hạn là 2 tháng. Luật sư cho em hỏi, trong 2 tháng đấy em có thể tham gia giao thông hay không ? Nếu như trong trường hợp em lại tiếp tục bị công an bắt thì em phải làm thế nào, em có thể lấy biên bản vi phạm lập trước đây để chứng minh và thay thế giấy phép lái xe của em được không? Em xin chân thành cảm ơn luật sư.
Luật sư trả lời:
– Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 25 có quy định:
“Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.”
– Có nghĩa là nếu bạn bị cảnh sát giao thông tước giấy phép lái xe trong thời hạn 2 tháng thì như vậy trong khoảng thời hạn 2 tháng này, bạn hoàn toàn không được quyền điều khiển xe ghi trong giấy phép lái xe. Đồng nghĩa với việc, nếu bạn vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện này trong thời gian đang bị tước giấy phép lái xe thì bạn sẽ tiếp tục bị xử phạt đối với lỗi không có giấy phép lái xe.
– Theo đó, mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe sẽ có thể bị phạt tiền lên đến 4 triệu đồng.
2. Bị thu giữ giấy phép lái xe vẫn được tham gia giao thông:
– Theo khoản 6 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định như sau:
“Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.”
– Có nghĩa là khi bạn vi phạm luật giao thông và bị cảnh sát giao thông xử phạt với hình thức đó là phạt tiền, với lỗi này bạn không bị tước giấy phép lái xe thì trường hợp này cảnh sát giao thông vẫn có quyền đối với việc thu giữ giấy phép lái xe của bạn nhằm mục đích để đảm bảo cho việc bạn phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt.
– Do đó, sau khi bạn đã tiến hành nộp tiền phạt theo như quy định thì bạn sẽ được cảnh sát giao thông trả lại giấy phép lái xe. Như vậy, với trường hợp thu giữ giấy phép lái xe thì bạn trong thời gian thu giữ bạn hoàn toàn được phép tham gia giao thông. Nếu bạn bị cảnh sát bắt thì bạn có thể xuất trình biên bản xử phạt giao thông đã lập trước đó, bởi nó có giá trị thay thế cho giấy tờ xe hiện bạn đang bị thu giữ.
– Chỉ riêng trường hợp quá thời hạn hẹn đến nộp phạt nhưng bạn vẫn chưa nộp mà vẫn tiếp tục điều khiển xe máy tham gia giao thông thì sẽ bị áp dụng xử phạt như xử phạt đối với hành vi không có giấy phép lái xe.
Tóm lại, không được điều khiển xe nếu bị tước giấy phép lái xe và vẫn có thể điều khiển xe trong thời hạn hẹn ghi trong biên bản xử phạt nếu thuộc trường hợp bị thu giữ giấy phép lái xe.