Mua trả góp là hình thức khá phổ biến hiện nay, dựa trên nhu cầu và điều kiện kinh tế của mỗi cá nhân mà hình thức này có ở mọi lĩnh vực. Vì vậy, sẽ có rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc mua trả góp nhưng không trả được thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Trong bài viết dưới đây, luật Hùng Sơn sẽ phân tích giúp bạn.
1. Mua trả góp nhưng không trả nợ thì bị xử lý như thế nào?
Xin kính chào luật sư. tôi có mua một 1 cái laptop MacBook Pro trị giá gần 61 triệu, tôi đã trả trước 10 triệu. Theo hợp đồng với bên ngân hàng fe credit thì tôi sẽ trả trong vòng 6 tháng. Nhưng trong trường hợp nếu đến thời hạn thanh toán tôi không thể trả được thì tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Điều 466 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc bên vay tiền bắt buộc phải trả đủ tiền khi đến hạn trả tiền theo như đã thỏa thuận trước đó. Do đó, nếu đến hạn trả mà bạn chưa trả đủ tiền thì được coi như là đã vi phạm hợp đồng vay tiền. Cụ thể, theo Điều 466 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
- Bên vay tài sản là tiền thì bắt buộc khi đến hạn phải trả đủ tiền; nếu tài sản vay là vật thì khi đến hạn cần phải trả vật cùng loại theo đúng chất lượng, số lượng theo như trong hợp đồng trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp vay có lãi nhưng đến hạn thanh toán bên vay lại trả không đầy đủ hoặc không trả thì bên vay sẽ cần phải trả lãi theo khoản 2 Điều 446 Bộ luật này.
Như vậy, bạn có nghĩa vụ trả đầy đủ các khoản gốc + lãi theo như thỏa thuận đã vay từ ngân hàng sao cho đúng thời hạn có ghi trong hợp đồng vay tiền. Có nghĩa là, nếu hết thời hạn thanh toán hoặc trong quá trình vay nợ, bạn hoàn toàn không có khả năng chi trả khoản nợ thì bên phía ngân hàng có quyền khởi kiện bạn để buộc bạn phải trả toàn bộ số tiền theo như hợp đồng. Trường hợp, sau khi Tòa án giải quyết vấn đề này rồi mà bạn vẫn không trả nợ thì bên cho vay có quyền yêu cầu Tòa án thanh lý bán đấu giá đối với các tài sản thuộc sở hữu của bạn nhằm thu hồi khoản nợ theo Điều 71 luật thi hành án dân sự.
2. Hướng giải quyết về việc mua trả góp nhưng không trả được:
Như vậy, đối với trường hợp của bạn thì đầu tiên bạn cần thông báo cho ngân hàng fe credit và xin gia hạn. Nếu fe credit đồng ý thì khi đến thời hạn gia hạn, bạn cần phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thời gian đã xin gia hạn. Trường hợp bạn không thực hiện việc trả nợ cũng như bạn không có khả năng trả khoản nợ này mà lại không báo và không xin gia hạn thời hạn trả với bên fe credit thì ngân hàng lúc này có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp nhằm cưỡng chế thi hành án. Nếu bạn không có khả năng trả nợ cho bên ngân hàng nhưng không bạn bỏ trốn,… thì trường hợp này bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì không có đủ các yếu tố để cấu thành nên tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Để giải quyết tốt nhất tình huống nêu trên thì đầu tiên bạn nên tiến hành tìm đến bên cho vay để xin được tư vấn. Thêm vào đó, bạn phải tìm ra các giải pháp nhằm chứng minh với ngân hàng rằng bạn hoàn toàn có khả năng trả nợ cho bên cho họ. Ví dụ như: nhờ người thân trợ giúp việc thanh toán, bán tài sản,…Tuy nhiên, các giải pháp của bạn cần đưa ra một cách chi tiết để thuyết phục ngân hàng gia hạn cho bạn thêm thời gian trả nợ cũng như để bạn cố gắng thu xếp để hoàn trả khoản vay trên.
Hy vọng bài tư vấn của chúng tôi mang đến cho bạn những hiểu biết pháp lý mà bạn cần.
>>> Hành vi mượn nợ rồi bỏ trốn sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?