logo

Mẫu giấy vay tiền, giấy vay tiền cập nhật mới nhất

  • Ls. Nguyễn Minh Hải |
  • 20-12-2021 |
  • Biểu mẫu , |
  • 2290 Lượt xem

Việc cho vay tiền là một vấn đề nhạy cảm được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Nó phải được lập thành văn bản dưới dạng mẫu giấy vay tiền, hợp đồng vay tiền nếu như có thu lãi suất hay có thể lập thành giấy mượn tiền, tài sản (thông thường sẽ không thu lãi suất). Các bên có liên quan cần tự nguyện lập và ký tên để bảo đảm giấy vay, mượn tiền có hiệu lực pháp lý.

Quảng cáo

Giấy cho vay tiền là gì?

Trên thực tế có rất nhiều tranh chấp pháp lý có liên quan tới hoạt động cho vay, cho mượn chủ yếu là tiền hay tài sản trong trường hợp các bên không lập thành văn bản quy định cụ thể về những nội dung như: Khoản tiền cho vay là bao nhiêu ? Lãi suất cho vay là bao nhiêu? Thời hạn phải trả …. Những tranh chấp phát sinh chủ yếu bởi các bên có sự tin tưởng lẫn nhau dựa trên những mối quan hệ thân thiết như người thân trong gia đình (Anh/Em), bạn bè hoặc các mối quan hệ xã hội khác.

Hợp đồng cho vay tiền, giấy cho vay tiền chính là bằng chứng pháp lý quan trọng nhất. Trong trường hợp không có các bằng chứng này thì việc cho vay, mượn sẽ không được pháp luật bảo vệ (Ngoại trừ trường hợp việc cho vay tiền được thực hiện bằng việc chuyển khoản, có ghi rõ nội dung chuyển khoản là cho vay, cho mượn). 

Mẫu giấy vay tiền mới nhất

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———– 

GIẤY VAY TIỀN

Hôm nay, ngày …. tháng …. năm …, tại ……. , hai bên chúng tôi gồm có:

1. Bên cho vay: (Sau đây gọi tắt là bên A)

Ông :…………………… Sinh ngày : …………….

CMND số :……. cấp ngày … tháng … năm … tại ……..

Hộ khẩu thường trú :…………………………………………… 

Chỗ ở hiện tại:……………………………………………………

Bà:…………………… Sinh ngày:…………….

CMND số :………. cấp ngày … tháng … năm … tại …..

Hộ khẩu thường trú :……………………………………………. 

Chỗ ở hiện tại: ……………………………………………………. 

Ông ….. và bà …… là vợ chồng theo Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số … do ……… cấp ngày … tháng … năm …

2. Bên vay: (Sau đây gọi tắt là bên B)

Ông :…………………… Sinh ngày:…………….

CMND số :………………… cấp ngày … tháng … năm … tại …..

Hộ khẩu thường trú :……………………………………………………..

Chỗ ở hiện tại:………………………………………………………………

Bà:…………………… Sinh ngày:…………….

CMND số :………………… cấp ngày … tháng … năm … tại ……

Hộ khẩu thường trú :……………………………………………………..

Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………

Ông ….. và bà …… là vợ chồng theo Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số …… do …… cấp ngày … tháng … năm …

Sau khi thỏa thuận, 2 bên đồng ý ký Giấy vay tiền với những điều khoản sau đây:

Điều 1: Số tiền cho vay:

Bên A đồng ý cho bên B vay đồng thời Bên B đồng ý vay của Bên A số tiền: …… VNĐ (Bằng chữ: ………)

Điều 2: Thời hạn cho vay:

  • Thời hạn cho vay là …………. (tháng)……… kể từ ngày 2 bên ký hợp đồng này.
  • Ngay sau khi ký Giấy vay tiền này, Bên A sẽ tiến hành giao toàn bộ số tiền ………. cho Bên B
  • Bên A thông báo trước cho Bên B … tháng khi cần Bên B sẽ thanh toán số tiền đã vay nêu trên. 

Điều 3: Lãi suất cho vay và phương thức trả nợ:

  • Lãi suất được 2 bên thỏa thuận là ….%/tháng kể từ ngày nhận tiền vay.
  • Khi đến hạn trả nợ, nếu như Bên B không trả cho Bên A khoản tiền vay nêu trên thì khoản vay sẽ được tính theo lãi suất là …%/tháng
  • Thời hạn thanh toán nợ không vượt quá ….. ngày trừ khi 2 bên có sự thỏa thuận khác.
  • Bên B sẽ hoàn trả số tiền đã vay cho Bên A khi thời hạn cho vay đã hết. Tiền vay sẽ được Bên B thanh toán cho bên A trực tiếp hoặc bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do Bên A chỉ định.
  • Thỏa thuận khác: (thỏa thuận gì thì cũng ghi vào, ví dụ trả lãi theo tháng, quý hay tới hạn, vốn cho trả dần hay trả 1 lần khi tới hạn……….; Tài sản đảm bảo cho khoản vay: ………………………..; Có thể viết sẵn giấy ủy quyền để sử dụng, chuyển nhượng 1 ngôi nhà hay tài sản nào đó (có chữ ký và công chứng theo đúng quy định của pháp luật) cho bên cho vay – nếu như cần).

Điều 4: Mục đích vay

Mục đích vay số tiền nêu bên trên là để Bên B để sử dụng vào mục đích ………. 

Điều 5: Phương thức giải quyết tranh chấp

Quảng cáo

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong quá trình làm Giấy vay tiền này, các bên có liên quan cùng nhau thương lượng giải quyết dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau và bảo đảm đúng quy định pháp luật; Nếu không giải quyết được, thì 1 trong 2 bên có quyền khởi kiện để có thể yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 6. Cam kết của các bên

Bên A cam kết:

  • Bên A tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giao và nhận lại tài sản vay;
  • Bên A cam đoan số tiền cho vay trên là tài sản hợp pháp và thuộc quyền sở hữu của bên A;
  • Việc vay và cho Bên B vay số tiền nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc, không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào của bên A;
  • Bên A cam kết sẽ thực hiện đúng theo Giấy vay tiền này, nếu vi phạm thì sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Bên B cam kết:

  • Bên B cam kết sử dụng tiền vay vào đúng các mục đích đã nêu ở trên;
  • Bên B cam kết trả tiền (tiền gốc và tiền lãi) đúng thời hạn, chỉ được ra hạn khi có sự đồng thuận của bên A bằng văn bản (nếu như có sau này); Nếu chậm trả thì bên B chấp nhận chịu toàn bộ khoản lãi phạt, lãi quá hạn theo quy định pháp luật (nếu như có);
  • Bên B cam kết thực hiện đúng theo Giấy vay tiền này, trong trường hợp vi phạm thì sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;
  • Nếu Bên B chết/mất tích thì người còn lại hay những người thừa kế theo pháp luật của Bên B sẽ phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện Giấy vay tiền này. 

Điều 7: Điều khoản cuối cùng

  • 2 bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của quá trình ký Giấy vay tiền này.
  • Mọi sửa đổi, bổ sung trong Giấy vay tiền chỉ có giá trị pháp lý khi nó được các bên thỏa thuận và xác lập bằng văn bản. Các điều hoản không được sửa đổi bổ sung sẽ được thực hiện theo đúng giấy vay tiền này.
  • 2 bên đã tự đọc lại Giấy vay tiền, đã hiểu và chấp thuận tất cả các điều khoản ghi trong Giấy vay tiền và ký tên, tiến hành điểm chỉ vào Giấy vay tiền này.
  • Giấy vay tiền này có hiệu lực tính từ ngày các bên cùng ký, được lập thành … (…) bản có giá trị pháp lý tương tự nhau, giao cho mỗi bên …(…) bản để thực hiện.
BÊN CHO VAY

(Ký, điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

BÊN VAY

(Ký, điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

Hướng dẫn cách viết mẫu giấy vay tiền mới nhất

Hợp đồng vay tài sản được quy định trong Điều 463 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hợp đồng vay tài sản chính là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản chính là tiền, vật có giá trị …. cho bên vay. Khi tới hạn trả, bên vay phải hoàn lại tài sản vay theo đúng với số lượng, chất lượng và trả thêm khoản tiền lãi nếu như có thỏa thuận.

Thông tin về người vay

Người vay có thể là các cá nhân hoặc tổ chức.

  • Trường hợp  là cá nhân thì cũng nêu rõ về họ tên, năm sinh, thông tin về các loại giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu), địa chỉ liên lạc, số điện thoại. Nếu như đã có vợ hoặc có chồng thì phần thông tin về người vay các bạn nên để cả hai vợ chồng.
  • Trường hợp là tổ chức thì cần phải ghi rõ thông tin của pháp nhân đó ở trên Giấy đăng ký kinh doanh (cụ thể như Mã số kinh doanh, cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh, ngày cấp đăng ký lần đầu, ngày thay đổi nội dung đăng ký, địa chỉ trụ sở làm việc, người đại diện…) cùng với thông tin về người đại diện.

Số tiền vay và thời hạn

Đây là mục quan trọng nhất và cũng là mục bắt buộc phải có trong mọi giao dịch vay tiền. Khoản tiền vay cần phải được nêu cụ thể cả bằng số và bằng chữ.

Thời hạn vay cần nêu cụ thể theo số tháng, số năm. Lúc này, hai bên có thể thoả thuận việc rút ngắn hay kéo dài thời hạn cho vay. Khi đó, các bên cũng có thể viết vào Giấy vay tiền thỏa thuận này.

Lãi suất

Lãi suất luôn là một trong các vấn đề nhận được sự quan tâm hàng đầu của cả người đi vay và người cho vay.

Giấy vay tiền cho dù có hay không có tính lãi suất cũng cần phải ghi rõ vào văn bản. Nếu như không tính lãi thì ghi là “bên A cho bên B vay không tính lãi”.

Nếu tính lãi suất thì cũng ghi rõ lãi suất là bao nhiêu, tính theo lãi suất của Ngân hàng nào… vào bên trong giấy vay tiền.

Lưu ý: Cho dù lãi suất do 2 bên thỏa thuận, tuy nhiên khi cho người khác vay tiền, những người cho vay cần chú ý, lãi suất không được vượt quá mức 20%/năm của khoản tiền vay căn cứ theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phương thức trả nợ

Có rất nhiều cách để chuyển số tiền từ bên cho vay sang bên vay, tương tự như vậy phương thức trả nợ cũng được thực hiện theo nhiều cách dựa vào thỏa thuận của hai bên. Trong giấy vay nợ, 2 bên có thể nêu rõ cách thức trả nợ:

  • Bằng tiền mặt
  • Qua hình thức chuyển khoản…

Thỏa thuận khác

Bên cạnh những thỏa thuận đã nêu ở trên, 2 bên còn có thỏa thuận nào khác thì có thể tùy biến điều chỉnh mẫu theo đúng thỏa thuận của mình.

Nhất là phương thức giải quyết tranh chấp nếu như có phát sinh xung đột. Chúng nên quy định chi tiết những trường hợp sẽ phát sinh nếu 1 trong 2  bên không thực hiện theo đúng thỏa thuận.

Hơn nữa, Giấy vay tiền nên lập thành ít nhất là 2 bản, có nêu rõ bằng số và bằng chữ trong Giấy, đồng thời mỗi bên giữ số lượng bản chính giống nhau.

Giấy vay nợ viết tay có giá trị pháp lý không?

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản được định nghĩa cụ thể như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định

Theo quy định này, hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải thực hiện bằng văn bản, nó chỉ là sự thỏa thuận của các bên trong đó có đề cập tới các nội dung:

  • Bên cho vay giao tài sản cho bên vay;
  • Khi tới hạn trả, bên vay cần phải hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng và chất lượng cho bên cho vay tài sản;
  • Chỉ phải trả lãi nếu như có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Có thể thấy, việc vay nợ có thể được coi là 1 giao dịch dân sự vì giao dịch dân sự là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời, về hình thức của giao dịch dân sự, căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Dân sự quy định:

Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể

Căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy rằng không bắt buộc giao dịch vay tài sản trong đó có vay tiền phải thực hiện dưới dạng văn bản bằng hợp đồng mà có thể được thể hiện thông qua giấy viết tay, lời nói hoặc hành vi.

Tuy nhiên, để giấy vay nợ viết tay có hiệu lực thì cần phải đáp ứng các điều kiện về nội dung nêu trong Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên và các điều kiện nêu ở Điều 117 Bộ luật này gồm:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch vay;
  • Bên cho vay và bên vay cần phải hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của việc vay nợ tuyệt đối không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
  • Lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm…

Tóm lại, cho vay bằng giấy viết tay có thể hợp pháp nếu như đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Giấy vay tiền có cần công chứng không?

Giấy nợ viết tay không cần phải công chứng hay chứng thực, bởi bản chất của việc vay mượn tiền là 1giao dịch dân sự bình thường. Vì vậy giấy nợ viết tay không cần phải công chứng hoặc chứng thực mà vẫn có giá trị pháp lý và được coi như là một chứng cứ mượn tiền hợp pháp.

Căn cứ pháp lý về hình thức của giao dịch dân sự (có cả giao dịch cho vay – mượn tiền) sẽ được quy định chi tiết và cụ thể trong điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 119 của Bộ luật dân sự 2015 quy định thì giấy nợ viết tay sẽ được thể hiện bằng văn bản là 1 giao dịch hợp pháp, và mọi người cũng có thể sử dụng nó như 1 chứng cứ mượn tiền trong trường hợp có xảy ra tranh chấp, kiện tụng tại Tòa án nhân dân mà không cần phải công chứng.

Những lưu ý khi lập giấy vay tiền

Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi tiến hành lập giấy vay tiền:

  • Bên vay tiền cần phải xác định khả năng trả nợ theo đúng cam kết trên giấy vay.
  • Cân nhắc khi 1 trong 2 không tuân thủ theo thỏa thuận đã ghi trong giấy vay tiền.
  • Giấy vay tiền cá nhân không cần phải công chứng, nhưng vẫn phải đảm bảo tính pháp lý. Nếu như có thể nên công chứng để nâng cao mức độ an toàn, bảo đảm về quyền lợi.  
  • Giấy vay tiền cá nhân không công chứng nhưng vẫn phải có đầy đủ thông tin cần thiết thì vẫn có đủ tính pháp lý để khởi kiện. 
  • Trong giấy vay tiền nếu như ghi là vô thời hạn thì tức là bên cho vay có thể đòi bất cứ lúc nào.

Nội dung trên đây là những thông tin cơ bản về giấy vay tiền và mẫu giấy vay tiền cập nhật mới nhất hiện nay. Nếu như còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến chủ đề này, hãy liên hệ ngay với đội ngũ nhân viên của Luật Hùng Sơn để được giải đáp nhanh chóng và tận tình nhé!

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn