Hành vi đe dọa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của người bị đe dọa, nhiều trường hợp tiêu cực còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Do vậy, câu hỏi đặt ra là đối với hành vi đe dọa tinh thần người khác pháp luật sẽ xử lý ra sao?
1. Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi đe dọa tinh thần người khác?
Kính thưa luật sư, em có một câu hỏi mong muốn được sự giải đáp của luật sư ạ! Chuyện là thế này, hiện em có chơi với một hội bạn khoảng 5 người. Trong hội đó, có một anh lớn hơn em 5 tuổi đã có gia đình nhưng lại hay nhắn tin đưa đẩy, rủ rê em đi chơi các kiểu. Em luôn từ chối và đặc biệt hạn chế gặp anh, nếu hội hôm đó gặp nhau mà có anh thì em sẽ không tham gia. Tuy nhiên, chị A tức là vợ của anh đó đã nhắn tin hỏi thăm những người xung quanh em về em, em rất sợ chị đó hiểu nhầm nên đã liên lạc với chị đó để hỏi thử nhưng chị bảo là nhầm. Một thời gian sau, chị gọi lại cho em, em rất lịch sự chào hỏi trả lời đàng hoàng, nhưng ngược lại chị lại chửi tới tấp, xúc phạm danh dự nhân phẩm của em, điều đáng nói là chị chửi ba mẹ của em, chị còn đòi sẽ dẹp tiệm tạp hóa mà gia đình của em đang kinh doanh. Em rất sợ và lo lắng, em khóc rất nhiều, em sợ chị làm to chuyện lên trong khi em không làm gì có lỗi với chị cả, em sợ ảnh hưởng đến ba mẹ của em lắm ạ! Vì vậy, em mong luật sư có thể tư vấn pháp luật giúp em đối với hành vi đe dọa tinh thần của chị A ạ. Mong nhận được sự phản hồi sớm của luật sư ạ.
Luật sư tư vấn:
– Căn cứ theo Điều 34 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”. Do đó, bất kì hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm cũng sẽ bị pháp luật trừng trị. Trong trường hợp của bạn, đừng quá lo lắng khi nhận được những lời xúc đe dọa từ chị A
– Đối với việc chị A có hành vi gọi điện thoại đe dọa, chửi bới bạn nó không mang tính giống như là đe dọa giết người mà nó chỉ là những lời đe dọa mang tính chất thông thường nhằm khiến bạn sợ hãi, khiến bạn sợ bị xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình nhằm mục đích ép buộc bạn phải thực hiện các yêu cầu của người phụ nữ đó, hành vi này theo pháp luật là không phạm tội hình sự tuy nhiên hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 66 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dưới đây:
– Người nào có những hành vi như cung cấp thông tin, trao đổi thông tin, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích để xuyên tạc, quấy rối, vu khống,đe dọa, xúc phạm đến uy tín của tổ chức, cá nhân, đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác thì theo đó người này sẽ bị bị phạt tiền từ 10 triệu đồng cho đến 20 triệu đồng.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình và gia đình bạn, bạn cần làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra đối với hành vi đe dọa của chị A. Theo đó, đối với trường hợp của bạn thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ là Trưởng phòng công an cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quy định tại theo Điều 96, 97 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Bạn cần cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng minh để cơ quan công an có đủ cơ sở ra quyết định xử phạt hành chính đối với chị A, đồng thời áp dụng một số biện pháp khác buộc chị A chấm dứt hành vi theo quy định của pháp luật.
Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ giúp ích cho bạn!
>> Xem thêm Tội đe dọa giết người TẠI ĐÂY