Chữ ký số – thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong thời đại này, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn phổ biến với các cá nhân. Chữ ký số là gì mà ngày càng phổ biến và được tin tưởng đến vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về chữ ký số, lợi ích đạt được khi sử dụng và các trường hợp được sử dụng chữ ký số.
1. Chữ ký số là gì
Chữ ký số được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2005; Nghị Định 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
a) Khái niệm
“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
(Khoản 6, Điều 2 Nghị định 130/2018/NĐ-CP)
Theo đó, chữ ký số là một cặp khóa gồm: Khóa công khai và khóa bí mật. Toàn bộ dữ liệu trong chữ ký số bao gồm các thông tin cá nhân hoặc doanh nghiệp và chữ ký số được dùng để ký thay cho chữ ký tay.
Đặc tính “số” được thể hiện qua việc ký trên các văn bản và tài liệu số khi cần giao dịch hay nộp cho cơ quan chức năng như cơ quan thuế; hải quan..
b) Ai có thể dùng chữ ký số?
Tất cả mọi cá nhân và tổ chức đều có thể sử dụng chữ ký số cho riêng mình. Chữ ký số được cung cấp bởi rất nhiều các nhà cung cấp khác nhau ví dụ như: chữ ký NewCA, chữ ký EFYCA, chữ ký VINCA…
2. Vì sao nên sử dụng chữ ký số
a) Lợi ích của việc sử dụng chữ ký số
Chữ ký số có dạng USB, gọi là Thiết bị USB Token và được bảo mật bằng mật khẩu là mã pin. Với kích thước nhỏ gọn, dễ dàng mang theo và lưu trữ.
Chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử, có thể thay thế hợp pháp cho chữ ký đối với cá nhân hoặc con dấu của tổ chức, doanh nghiệp.
Chữ ký số được bảo mật chặt chẽ, không thể bị sao chép. Sử dụng chữ ký số sẽ tránh bị bắt chước bởi người khác bởi tính năng tự động gắn nhãn thời gian ký. Văn bản số có chữ ký số đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác, đồng thời là bằng chứng cho các giao dịch điện tử.
Chữ ký số dễ dàng tiếp cận và sử dụng với cá nhân, doanh nghiệp. Với mục đích thay thế chữ ký tay trong các giao dịch điện tử như: Phát hành hóa đơn, nộp báo cáo Thuế hay đóng bảo hiểm xã hội, ký kết Hợp đồng, giao dịch..Thời đại 4.0 với sự phát triển của công nghệ, sử dụng chữ ký số giảm tải được công việc in ấn thủ công, lưu trữ văn bản, giấy tờ như cách giao dịch truyền thống. Từ đó tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các hoạt động khác.
b) Sử dụng chữ ký số có bắt buộc không?
Đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp là đối tượng bắt buộc phải mua chữ ký số để kê khai nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, giao dịch với ngân hàng, phát hành hóa đơn điện tử..
3. Các trường hợp được sử dụng chữ ký số
Dù sử dụng chữ ký số không phải là bắt buộc với mọi đối tượng, xong vì những lợi ích đáng kể từ việc sử dụng mang lại mà chữ ký số ngày càng được sử dụng và ứng dụng trong thực tế. Chữ ký số có thể được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
– Chữ ký số được thay cho chữ ký tay đối với cá nhân, thay cho chữ ký của người đại diện và con dấu doanh nghiệp trong hợp đồng, các giao dịch điện tử trong môi trường số với đối tác, với cơ quan nhà nước.
– Chữ ký số được sử dụng trong đầu tư chứng khoán, mua hàng, thanh toán và các giao dịch chuyển tiền;
– Chữ ký số ký sau thư điện tử, email nhằm xác minh người gửi thư điện tử là người ký;
– Chữ ký số ký và xác nhận khi thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước như: kê khai thuế trực tuyến, thông quan trực tuyến, đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, chữ ký số và ứng dụng của chữ ký số đang ngày một phát triển và mở rộng. Qua bài viết này, đã cung cấp tới bạn đọc một lượng thông tin nhất định về chữ ký số và các trường hợp được sử dụng chữ ký số. Nếu có thắc mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn 1900.6518 để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên của Luật Hùng Sơn hỗ trợ kịp thời.