Công ty tôi có đặt mua máy đúc nhựa với đối tác Trung Quốc. Trong hợp đồng ghi thời hạn giao hàng là cuối tháng 3 năm 2018 nhưng đến thời hạn giao hàng bên bán thông báo cuối tháng 5-2018 mới giao được. Công ty tôi hiện đang phải thuê xưởng , đã tuyển công nhân để đào tạo và cũng đã mua những thiết bị khác liên quan tới sản xuất. Trong hợp đồng lại không ghi rõ hình thức xử phạt hoặc bồi thường! Vậy theo luật công ty tôi phải làm gi? Và bên bán phải chịu những trách nhiệm dân sự gì?
Quảng cáo
Tư vấn của Luật Hùng Sơn về trách nhiệm dân sự
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Hùng Sơn, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ tại Điều 434, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán:
“1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.
2. Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý
3. Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.”
Theo sự thỏa thuận của các bên thì công ty bạn sẽ trả tiền cho bên đối tác Trung quốc và bên đối tác này sẽ phải chuyển giao tài sản này cho công ty bạn vào cuối tháng 3/2018. Tuy nhiên, đến thời hạn giao hàng cho bên công ty bạn, thì bên đối tác Trung quốc đã thông báo cuối tháng 5/2018 mới giao hàng được.
Trong thông tin bạn không nói rõ, đối với thông báo của bên đối tác Trung Quốc thì công ty bạn có sự phản hồi như thế nào, có đồng ý về việc lùi thời gian giao hàng so với thỏa thuận trong hợp đồng hay không. Do vậy, khi xem xét về giải quyết khi đến thời hạn tháng 3/2018 mà bên đối tác không giao hàng được thì cần xem xét hai trường hợp:
Trường hợp 1:
Nếu công ty bạn đồng ý về việc lùi thời gian giao hàng từ tháng 3/2018 sang tháng 5/2018 thì trong trường hợp này, việc bên đối tác Trung Quốc giao hàng muộn hơn so với thời điểm thỏa thuận trong hợp đồng thì cũng không phải là hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán tài sản, hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1 điều 434 Bộ luật dân sự 2015.
Quảng cáo
Trường hợp 2:
Nếu công ty bạn không đồng ý về việc giao hàng vào thời điểm tháng 5/2018, muộn hơn so với thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán đã giao kết (tháng 3/2018) thì trong trường hợp này, khi bên đối tác không giao hàng theo đúng thời điểm mà các bên đã thỏa thuận sẽ được xác định là đang có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Bên đối tác Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ giao tài sản được thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo bạn trình bày công ty bạn đã thuê xưởng, tuyển công nhân để đào tạo và đã mua các thiết bị khác liên quan tới sản xuất. Việc bên đối tác không giao hàng đúng thời hạn vào tháng 3/2018, đã làm cho việc sản xuất không được thực hiện đúng kế hoạch ban đầu của công ty bạn, gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Trường hợp này, khi bên đối tác giao hàng không đúng thời hạn mà không có sự đồng ý của công ty bạn, thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, công ty bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên đối tác bồi thường thiệt hại. Nếu bên đối khác không tự nguyện thực hiện thì bên công ty bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường.
Căn cứ tại Điều 419 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng:
“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”
Về mức bồi thường, do trong hợp đồng mua bán tài sản đã ký kết không có nội dung thỏa thuận về hình thức xử phạt hay vấn đề bồi thường khi không giao hàng đúng thời hạn nên khi tranh chấp xảy ra thì hai bên sẽ tự thỏa thuận về mức bồi thường. Việc xác định mức bồi thường, bạn có thể căn cứ vào tình hình thiệt hại thực tế để đưa ra yêu cầu cụ thể.
Hãy gọi ngay 1900 6518 để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn
Luật sư Hải có hơn 13 năm kinh nghiệm với vai trò là luật sư tư vấn tại Rouse Legal (Anh Quốc), Ngân hàng PG Bank, trưởng phòng pháp chế của Công ty Vinpearl (tập đoàn Vingroup). Với những kinh nghiệm tư vấn nhiều năm cho các công ty luật hàng đầu, các tập đoàn lớn và hàng nghìn khách hàng trong tất cả các lĩnh vực. Luật sư Hải chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề pháp lý mà khách hàng gặp phải với chất lượng chuyên môn cao.
Lĩnh vực chuyên môn: Sở Hữu Trí Tuệ, Hợp Đồng, Tư Vấn Đầu Tư, Quản Trị Doanh Nghiệp.