Say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác thì sẽ bị phạt ra sao?

Chào Luật sư, tôi có một vấn đề cần hỏi Luật sư như sau: Chú của tôi vào một ngày lễ do uống rượu bia quá nhiều nên say xỉn, do quá say không làm chủ được bản thân nên chú tôi lao ra nhà hàng xóm gào thét chửi bới rồi còn đập nhà hàng xóm, ban đầu là dùng tay và chân sau đó do dưới đất có cây gậy khoảng 1m chú tôi vơ lấy nó là đập liên tiếp vào cửa nhà hàng xóm gây thiệt hại là cửa nhà bị hư hỏng và nền gạch ngay dưới cửa ấy bị hư hỏng một phần. Vậy Luật sư cho tôi hỏi việc chú tôi say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác sẽ bị phạt ra sao theo quy định của pháp luật? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Quảng cáo

♦ Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hùng Sơn, về vấn đề mà bạn đặt câu hỏi chúng tôi xin được phép tư vấn cụ thể như sau.

1. Căn cứ pháp lý quy định về hành vi say rượu rồi đi đập phá nhà cửa người khác.

– Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 584 và Điều 596).

– Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 178).

– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính về nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội (Điều 15).

 

say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác

 

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Vì vậy, trong trường hợp của bạn đưa ra thì chú bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Và căn cứ theo Điều 596 về bồi thường thiệt hại do người gây thiệt hại có dùng chất kích thích gây ra quy định cụ thể như sau:

  • Người mà do uống rượu hoặc do các chất kích thích khác khiến bản thân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và không làm chủ được hành vi của mình và gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
  • Khi một người mà cố ý dùng rượu hoặc các chất kích thích làm cho một người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và không làm chủ được hành vi của họ và họ gây ra thiệt hại thì người cố ý ấy phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Và căn cứ theo Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những thiệt hại về tài sản do bị xâm phạm được quy định cụ thể như sau:

  • Những tài sản bị mất đi, bị hủy hoại hoặc bị làm cho hư hỏng
  • Những lợi ích gắn liền với tài sản như việc sử dụng hoặc khai thác tài sản ấy bị mất đi, bị giảm sút đi.
  • Những chi phí hợp lý cần thiết để ngăn chặn, hạn chế và tiến hành khắc phục thiệt hại gây ra
  • Những thiệt hại khác do luật quy định.

Vậy nếu như chú bạn lâm vào tình trạng say xỉn do sự cố ý của một người khác khiến chú bạn không thể làm chủ được hành vi của mình thì cũng phải liên đới cùng với chú bạn chịu trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại mà do chú bạn gây ra là cánh cửa và nền gạch nhà hàng xóm bị hư hỏng.

Xem thêm >>> Bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông

3. Trách nhiệm hình sự có thể bị truy cứu khi say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác.

Ngoài vấn đề về chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác khi làm hư hỏng tài sản thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sản, được quy định cụ thể như sau:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Quảng cáo

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

…”.

4. Xử phạt vi phạm hành chính khi say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác.

Nếu như trường hợp của chú bạn chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

“Điều 15: Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

…2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

…”.

Như vậy, trong trường hợp của chú bạn thì ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm về tài sản của người khác thì còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc nếu như đủ căn cứ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên đây là những tư vấn của Công ty Luật Hùng Sơn về vấn đề say rượu rồi đập phá nhà cửa người khác, nếu như bạn vẫn còn thắc mắc về vấn đề này hoặc vấn đề có liên quan, xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn chi tiết.

Vui lòng đánh giá!
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn