Chắc hẳn ai trong chúng ta đã từng một lần nghe qua hộ chiếu, một lần nhìn thấy hộ chiếu. Nhưng cụ thể hộ chiếu là gì? Có mấy loại hộ chiếu? Hãy theo dõi bài viết sau đây để được Luật Hùng Sơn giải đáp những vướng mắc nhé.
Tổng quan về hộ chiếu
Khái niệm hộ chiếu là gì?
Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của 2019, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để nhập cảnh, xuất cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Bạn có thể hiểu, hộ chiếu (passport) có giá trị tương tự như chứng minh thư nhân dân, có thể chứng minh cho quốc tịch và nhân thân. Đồng thời hộ chiếu là giấy tờ bắt buộc phải có khi bạn thực hiện xuất cảnh hoặc nhập cảnh vào Việt Nam.
Các nội dung cơ bản được thể hiện trong hộ chiếu:
- Ảnh chân dung của công dân được cấp hộ chiếu;
- Họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch của người được cấp;
- Ký hiệu, số của hộ chiếu;
- Ngày, tháng, năm cấp hộ chiếu và cơ quan cấp;
- Ngày, tháng, năm hết hạn;
- Số định danh của cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân;
- Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Phân biệt hộ chiếu và visa khác nhau như thế nào?
Bên cạnh hộ chiếu là loại giấy tờ quen thuộc thường được đề cập đến khi di chuyển nước ngoài, còn một loại giấy tờ khác có giá trị quan trọng không kém là visa. Và bạn không nên nhầm lẫn giữa hai loại giấy tờ quan trọng này, chúng có giá trị và mục đích cũng như nơi cấp khác nhau.
- Hộ chiếu passport) sẽ được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp cho công dân nước mình;
- Visa (hay thị thực) lại không được cấp từ cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, mà được cấp bởi đất nước cho phép bạn nhập cảnh hoặc xuất cảnh.
Ví dụ: Khi muốn đến nước Mỹ vì lý do du lịch trong khoảng thời gian dài 1 tháng thì cần phải có được hộ chiếu và visa. Trong đó:
- Hộ chiếu sẽ được Chính phủ Việt Nam cấp cho bạn là công dân Việt Nam hợp pháp và muốn xuất ngoại sang Mỹ;
- Visa sẽ được Chính phủ Mỹ cấp để xác nhận cho phép bạn nhập cảnh vào Mỹ du lịch trong vòng 1 tháng.
Từ sự phân biệt trên cũng như ví dụ cụ thể, có thể thấy hộ chiếu là giấy tờ đầu tiên cần phải có, sau đó mới đến visa (có hộ chiếu mới có khả năng xin được visa) nếu muốn xuất ngoại sang nước khác.
Hộ chiếu có từ khi nào – Chức năng của hộ chiếu
Hộ chiếu là giấy tờ quan trọng và thông dụng trong việc đi lại giữa các nước, giúp quốc gia kiểm soát tình trạng nhập cảnh, xuất cảnh của cá nhân giữa các nước trên thế giới. Có thể xem hộ chiếu như tấm vé thông hành, giúp việc di chuyển giữa các quốc gia không còn là điều khó khăn. Vậy bạn có biết lịch sử ra đời của hộ chiếu:
- Vào thời vua Henry V, năm 1414, xuất hiện loại giấy tờ với chức năng bảo đảm sự an toàn cho cá nhân khi di chuyển đâu đó. Nhà vua ban hành loại giấy tờ này đến với bất kỳ ai, bao gồm cả người Anh và người nước khác;
- Đến năm 1540, nhà vua Anh không còn ban hành loại giấy đảm bảo này, quyền ban hành thuộc về hội đồng Cơ mật. Bắt đầu từ lúc này, thuật ngữ “hộ chiếu” phổ biến hơn, được dùng nhiều hơn khi đi qua cảng biển hoặc các cổng tường thành của nước khác;
- Từ năm 1540 đến 1858, các loại hộ chiếu trên thế giới được viết với ngôn ngữ tiếng Pháp (dù người sở hữu không phải là công dân nước Pháp). Vào thời kỳ này, hộ chiếu là điều kiện cần thiết để được du lịch nước ngoài;
- Vào thế kỷ 19, hộ chiếu được chính quyền Pháp hủy bỏ, sau đó đến các quốc gia Châu Âu;
- Vào giữa thế chiến thứ I, hộ chiếu bắt đầu phổ biến trở lại. Lúc này, các quốc gia muốn dùng hộ chiếu để kiểm soát hoạt động của điệp viên một cách chủ động, dễ dàng hơn;
- Đến đầu thế kỷ 20, quyển sổ hộ chiếu được hoàn chỉnh hơn, rõ nét, chuẩn hóa quốc tế và tất nhiên là có mức độ sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Các loại hộ chiếu hiện nay
Căn cứ Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh năm 2019, hộ chiếu là loại giấy tờ xuất nhập cảnh và có 3 loại: hộ chiếu phổ thông; hộ chiếu công vụ; hộ chiếu ngoại giao. Mỗi loại hộ chiếu đều có những đặc điểm khác biệt.
Xem thêm:
- Chi tiết cách làm hộ chiếu online đơn giản qua 4 bước
- Tổng hợp địa chỉ làm hộ chiếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Hộ chiếu phổ thông (Regular Passport)
Hộ chiếu phổ thông thường được cấp cho mọi công dân có quốc tịch Việt Nam. Hộ chiếu phổ thông khi được cấp cho cá nhân yêu cầu thì có giá trị như giấy tờ nhân thân, tùy thân (tương tự chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân). Loại hộ chiếu này được sử dụng khi đi nước ngoài (du học, công tác, du lịch…).
Màu sắc của hộ chiếu phổ thông: màu xanh lá.
Thời hạn sử dụng của hộ chiếu phổ thông được quy định cụ thể như sau:
- Cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên: 10 năm, không được gia hạn;
- Cấp cho người chưa đủ 14 tuổi: 5 năm, không được gia hạn;
- Cấp theo thủ tục rút gọn: không quá 12 tháng, không được gia hạn.
Đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, những trường hợp sau sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu phổ thông:
Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm sau:
- Có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để được nhập cảnh, xuất cảnh hoặc là đi lại, cư trú ở nước ngoài;
- Cho, tặng, mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; tẩy xóa, hủy hoại, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước;
- Lợi dụng việc xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nước Việt Nam, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cơ quan hoặc sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;
- Nhập cảnh, xuất cảnh trái phép; môi giới, tổ chức, chứa chấp, giúp đỡ, che giấu, tạo điều kiện để người khác nhập cảnh, xuất cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định;
- Cản trở, chống lại người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc là kiểm soát xuất nhập cảnh.
Hộ chiếu ngoại giao (Diplomatic Passport)
Hộ chiếu ngoại giao thường được cấp cho các quan chức ngoại giao thuộc Chính phủ để đi công tác nước ngoài. Khác với hộ chiếu phổ thông, nếu đã có hộ chiếu ngoại giao thì các quan chức chính phủ sẽ được miễn visa nhập cảnh vào quốc gia khác, được ưu tiên đi qua cổng đặc biệt của quốc gia nhập cảnh (theo quy định của quốc gia đó).
Đặc điểm hộ chiếu ngoại giao:
- Màu sắc của hộ chiếu ngoại giao: màu đỏ.
- Thời hạn sử dụng của hộ chiếu ngoại giao: có giá trị từ 1 năm đến 5 năm; được gia hạn một lần nhưng không được quá 3 năm;
- Đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao: bạn có thể tham khảo tại Hộ chiếu ngoại giao là gì?
Hộ chiếu công vụ (Official Passport)
Hộ chiếu công vụ, hay còn được gọi là hộ chiếu loại C, thường được cấp cho các quan chức Chính phủ đi nước ngoài vì công vụ của Nhà nước. Không được sử dụng hộ chiếu công vụ vì mục đích cá nhân nào khác. Tương tự với hộ chiếu ngoại giao, quan chức Chính phủ đi nước ngoài vì công vụ được cấp hộ chiếu công vụ cũng được miễn visa và được ưu tiên đi qua cổng đặc biệt theo quy định.
Đặc điểm hộ chiếu công vụ:
- Màu sắc của hộ chiếu công vụ: màu xanh ngọc bích;
- Thời hạn sử dụng của hộ chiếu công vụ: có giá trị từ 1 năm đến 5 năm; được gia hạn một lần nhưng không được quá 3 năm;
- Đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ: bạn có thể tham khảo tại Hộ chiếu công vụ là gì?
Thủ tục làm passport như thế nào?
Với các thông tin về hộ chiếu là gì như trên, hẳn bạn đã có cái nhìn tổng quát về hộ chiếu cũng như Việt Nam có những loại hộ chiếu nào. Sau đây là một số bước cơ bản giúp bạn hiểu hơn về thủ tục làm passport:
- Chứng minh thư nhân dân có thời hạn không hơn 10 năm kể từ ngày được cấp;
- Hộ khẩu thành phố, hoặc thay bằng KT3 đối với những bạn có hộ khẩu ở tỉnh;
- 4 tấm hình với kích thước 4x6cm: đến tiệm chụp hình yêu cầu chụp hình passport là được. Lưu ý thêm về đặc điểm của hình ảnh: ảnh có phông nền trắng, đầu để trần và không được đeo kính; ảnh được chụp không quá 1 năm tính đến thời điểm làm thủ tục cấp hộ chiếu;
- Địa chỉ của Phòng xuất, nhập cảnh Thành phố Hồ Chí Minh: 196 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3. Khi đến đây, bạn sẽ được tư vấn và hướng dẫn chi tiết khi làm thủ tục cấp hộ chiếu;
- Lúc mua hồ sơ, nên mua thêm từ 1 đến 2 bộ đề phòng trường hợp bạn không cẩn thận viết sai thông tin, buộc phải điền lại. Bên trong hồ sơ sẽ có hướng dẫn điền thông tin, không cần quá lo lắng và căng thẳng khi điền;
- Nộp hồ sơ và chờ đến lượt của mình, trả lời một số câu hỏi, nhận phiếu hẹn và cuối cùng là nộp tiền lệ phí;
- Theo đúng lịch hẹn đến nơi lấy hộ chiếu;
- Với trẻ em dưới 14 tuổi, bé cần phải có chứng thực từ địa phương nơi đang cư trú, bản sao của giấy khai sinh và 4 ảnh 4×6.
Trên đây là những vấn đề cơ bản nhất để giúp bạn hiểu hơn hộ chiếu là gì? Nếu bạn có thắc mắc thêm về vấn đề này, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và cụ thể.
- Thủ tục làm sổ đỏ mới nhất 2023: Cần giấy tờ gì? Chi phí bao nhiêu? - 11/09/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 10/09/2023
- Thủ tục đăng ký website với bộ công thương mới nhất - 10/09/2023