Hiện nay Việt Nam có 3 loại hộ chiếu chính là hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao. Vậy bạn có biết hộ chiếu công vụ là gì cũng như thủ tục làm như thế nào? Xem ngay bài viết sau để được giải đáp chi tiết nhất.
Hộ chiếu công vụ là gì?
Hộ chiếu công vụ hay còn được gọi là Official Passport, là hộ chiếu được cấp cho các quan chức Chính phủ đi nước ngoài vì công vụ của Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ quy định không được sử dụng hộ chiếu này để đi nước ngoài với mục đích cá nhân.
Khi sử dụng hộ chiếu này sẽ được ưu tiên qua các cổng đặc biệt và miễn visa nhập cảnh. Hộ chiếu công vụ có màu xanh ngọc bích đặc trưng và đậm hơn hộ chiếu phổ thông.
Thông tin trên hộ chiếu công vụ sẽ bao gồm:
- Ảnh chân dung;
- Họ, chữ đệm và tên;
- Ngày tháng năm sinh;
- Giới tính;
- Quốc tịch;
- Ký hiệu,
- Số của giấy tờ xuất nhập cảnh;
- Ngày tháng năm cấp hộ chiếu,
- Cơ quan cấp hộ chiếu;
- Ngày tháng năm hết hạn;
- Số định danh cá nhân hoặc là số chứng minh thư nhân dân;
- Chức vụ, chức danh đối phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Xem thêm: Hộ chiếu ngoại giao là gì? Đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao là ai?
Quy định về hộ chiếu công vụ hiện hành
Điều kiện cấp
Muốn xác định được có được cấp hộ chiếu công vụ hay không thì phải căn cứ vào các điều kiện sau đây:
- Thuộc các đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu công vụ cư hoặc là cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.
Đối tượng được cấp
Căn cứ theo Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, 6 đối tượng sau đây sẽ được cấp hộ chiếu công vụ:
1) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
2) Viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp công lập người giữ chức vụ là cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ là cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành lập; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả tổ chức chính trị – xã hội;
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ là cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc về Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh;
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Huyện ủy, Thị Ủy, Quận Ủy, Thành ủy thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Người giữ vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
3) Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu;
4) Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở tại nước ngoài;
5) Vợ hoặc là chồng, con chưa đủ 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở tại nước ngoài đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác;
6) Trong những trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ hoặc là xem xét cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị từ cơ quan, người có thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu công vụ, cấp cho những người không thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ theo quy định.
Thời hạn của hộ chiếu công vụ
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 7 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 có quy định về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh, trong đó quy định về thời hạn của hộ chiếu công vụ từ 1 năm cho đến 5 năm, có thể được gia hạn một lần nhưng không được quá 3 năm.
Làm hộ chiếu công vụ như thế nào?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Sau đây là thành phần hồ sơ bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu công vụ:
- Tờ khai đề nghị được cấp hộ chiếu công vụ theo Mẫu số: 01/2020/NG-XNC hoặc kê khai trực tuyến ở trên Cổng dịch vụ công của Bộ Ngoại giao
- 3 ảnh chụp chân dung với kích thước là 4×6 cm. Lưu ý: ảnh chụp phải có phông nền trắng; đầu để trần, mắt nhìn thẳng, không đeo kính màu, mặc thường phục; hình chụp không quá 1 năm tính đến thời điểm yêu cầu cấp hộ chiếu công vụ; một ảnh sẽ dán vào Tờ khai và đóng dấu giáp lai, một ảnh còn lại sẽ đính kèm vào hồ sơ;
- Quyết định cử hoặc là văn bản cho phép ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền ghi rõ đối tượng thuộc diện đề nghị cấp hộ chiếu công vụ;
- Văn bản đồng ý của cơ quan, người có thẩm quyền cử người ra nước ngoài đối với đối tượng được quy định là vợ hoặc là chồng, con chưa đủ 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở tại nước ngoài đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác; và văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao đối với những đối tượng trên;
- Bản chụp của Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc là giấy tờ tùy thân khác và mang theo bản chính để xuất trình và đối chiếu với bản chụp;
- Bản chụp của Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân, Giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc là giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi đối với trường hợp người chưa đủ 18 tuổi là con của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở tại nước ngoài đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác. Phải mang theo bản chính để xuất trình và đối chiếu với bản chụp;
- Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đối với những trường hợp mà có người đại diện nộp thay. Và người đại diện thực hiện nộp thay phải xuất trình được giấy tờ tùy thân để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
- Hộ chiếu công vụ hoặc ngoại giao đã được cấp (nếu có)
Nộp hồ sơ
- Nộp hồ tại trụ sở của cơ quan đại diện
- Lệ phí cấp mới hộ chiếu là 400.000 đồng.
Xem thêm: Tổng hợp địa chỉ làm hộ chiếu ở Hà Nội và TPHCM
Nhận kết quả
Sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp đã nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ thực hiện cấp hộ chiếu công vụ và trả kết quả trong thời hạn 5 ngày làm việc. Trong trường hợp chưa cấp thì sẽ có văn bản trả lời và có nêu rõ lý do.
Và người đề nghị được cấp hộ chiếu công vụ ở trong nước sẽ nhận kết quả theo quy định sau:
- Nhận tại cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thủ tục làm hộ chiếu công vụ.
- Nhận theo địa chỉ yêu cầu sẽ phải trả thêm phí dịch vụ chuyển phát.
Trên đây là các quy định mới nhất 2020 để giải đáp cho mọi người được rõ hơn về hộ chiếu công vụ là gì. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc gì về vấn đề này, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và cụ thể.