Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư có quy định về điều kiện cũng như trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện là Thông tư số 22/2020/TT-BCT. Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp một số quy định về điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện từ Thông tư này để bạn đọc được hiểu rõ hơn.
1. Điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp
Căn cứ theo Điều 5 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT có quy định rằng bên bán điện sẽ ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp trong những trường hợp sau đây:
– Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi họ có nhu cầu sửa chữa, đại tu, bảo dưỡng hoặc là xây lắp các công trình điện, điều hòa, hạn chế phụ tải do thiếu nguồn điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch từ bên bán điện.
– Ngừng cấp điện theo yêu cầu từ cá nhân, tổ chức có liên quan trong trường hợp mà cần đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình theo quy định.
– Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.
2. Điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Căn cứ theo Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT có quy định rằng bên bán điện sẽ ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong những trường hợp sau đây:
– Khi có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; khi có sự cố xảy ra trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không thể kiểm soát được.
– Khi có nguy cơ gây ra sự cố, gây mất an toàn nghiêm trọng đến cho người, thiết bị và cả hệ thống điện.
– Khi hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh của hệ thống điện.
– Khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.
3. Điều kiện ngừng cấp điện cho các cá nhân, tổ chức khi vi phạm pháp luật
Căn cứ theo Điều 7 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT có quy định rằng bên bán điện sẽ ngừng cấp điện trong những trường hợp sau đây:
– Bên mua điện có các hành vi vi phạm sau:
- Bên mua điện phá hoại các trang thiết bị điện, các thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
- Bên mua điện vi phạm các quy định pháp luật về an toàn trong truyền tải điện, phát điện, phân phối điện và sử dụng điện.
- Có hành vi trộm cắp điện.
- Có hành vi cản trở việc kiểm tra trong hoạt động thực tiễn và sử dụng điện.
- Có hành vi sử dụng điện để bắt, bẫy động vật vật hoặc là làm phương tiện để bảo vệ, trừ trường hợp sử dụng điện để làm phương tiện bảo vệ trực tiếp theo quy định.
- Bên mua điện vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và của trạm điện.
- Không thanh toán điện đầy đủ, thanh toán điện không đúng thời hạn và không thực hiện các thỏa thuận khác trong hợp đồng mua bán điện.
- Không sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, không thực hiện các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện.
- Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo yêu cầu từ đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, không tuân thủ các biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, an toàn điện và những nội dung khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện và truyền tải điện.
- Không đảm bảo được các trang thiết bị sử dụng điện, các trang thiết bị đấu nối đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu về an toàn điện để đấu nối vào lưới điện truyền tải quốc gia.
– Theo yêu cầu từ phía cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện theo các quy định tại Điều 43 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.
– Bên mua điện không thực hiện những biện pháp để bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp để bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 137/2013/NĐ-CP.
Trên đây là các quy định của pháp luật về điều kiện ngừng giảm mức cung cấp điện mới nhất 2020. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc nào khác về vấn đề này hoặc là có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và cụ thể.
- Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước - 01/12/2023
- Những số điện thoại không nên nghe mới nhất 2023 - 28/11/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/11/2023