logo

Cải cách hành chính là gì? Quy định về cải cách hành chính

Việc thay đổi và hoàn thiện những điều không còn phù hợp và không hợp lý là điều mà bất kỳ một quá trình nào cũng cần thiết để có sự hiệu quả. Cải cách hành chính cũng là một quá trình như vậy. Ở Việt Nam hiện nay, ta đang từng bước thực hiện và coi việc cải cách hành chính là khâu đột phá của quá trình phát triển đất nước. Vậy, cải cách hành chính là gì? Tại sao phải cải cách hành chính? Pháp luật có quy định như thế nào về cải cách hành chính. Trong nội dung bài viết dưới đây, công ty Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp cho Quý độc giả thông tin về những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn.

Cải cách hành chính là gì?

Tùy vào từng quan điểm mà có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm về cải cách hành chính. Có thể kể đến một số quan điểm như sau:

– Theo Wikipedia, “cải” là một từ Hán – Việt mang nghĩa là thay đổi, còn “cách” là một hình thức, một phương pháp hành động. Như vậy, cải cách nghĩa là thay đổi hành động, thay đổi phương pháp của một công việc, một hoạt động cụ thể nào đó để có thể đạt được mục tiêu tốt hơn trước. Hành chính là hoạt động dưới sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước để tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan nhà nước.

Như vậy, có thể hiểu cải cách hành chính là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cải cách hành chính không làm thay đổi bản chất của hệ thống hành chính, mà chỉ làm cho hệ thống này trở nên hiệu quả hơn và  phục vụ nhân dân được tốt hơn. Đồng thời, cải cách hành chính làm cho các thể chế quản lý nhà nước khả thi, đồng bộ, đi vào cuộc sống hơn; cơ chế hoạt động, nhiệm vụ, chức năng của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của một quốc gia.

– Trong Từ điển hành chính, thì “Cải cách hành chính là hệ thống những biện pháp, chủ trương tiến hành những cải tiến,  sửa đổi mang tính cơ bản và có hệ thống nền hành chính nhà nước về các mặt: Thể chế, cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, chế độ công vụ, quy chế công chức, trình độ, năng lực, phẩm chất phục vụ của đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy đó”.

– Khi đi sâu nghiên cứu về nội dung cải cách nền hành chính, một số tác giả cho rằng: “cải cách hành chính đề cập đến những thay đổi trong toàn bộ hệ thống hành chính công, nó bao gồm toàn bộ việc tổ chức lại các bộ, xác định nhiệm vụ và chức năng của các đơn vị hành chính, cải tiến các phương thức và thủ tục, đào tạo cán bộ…; Cải tiến sự phối hợp ở cấp cao hơn của chính phủ. Mọi sự cải tiến cơ cấu, thủ tục, năng lực và động cơ của cán bộ với mục đích nâng cao năng lực quản lý và tổ chức của các tổ chức công cũng được xem là cải cách hành chính theo nghĩa này”

Từ các khái niệm và cách nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau có thể tổng kết lại về khái niệm cải cách hành chính như sau: Cải cách hành chính là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để có thể đạt được mục tiêu hoàn thiện một hoặc một số nội dung của nền hành chính nhà nước (như thể chế, cơ chế vận hành, cơ cấu tổ chức, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đội ngũ công chức…) nhằm xây dựng một nền hành chính công đáp ứng được yêu cầu của một nền hành chính hiệu quả, hiệu lực và hiện đại.

cải cách hành chính là gì

Tại sao phải cải cách hành chính?

Việc đổi mới, cải cách hành chính rất cần thiết bởi nó đem lại những lợi ích như:

– Giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Từ đó tăng cường lòng tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh doanh của đất nước và đối với bộ máy Nhà nước;

– Góp phần rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó, nâng cao được năng lực cạnh tranh của quốc gia…

Nội dung, ý nghĩa, mục đích của cải cách hành chính

Một số nội dung cải cách hành chính ở nước ta

Ở Việt Nam, việc cải cách hành chính gồm một số nội dung như:

– Cải cách việc tổ chức bộ máy hành chính là việc điều chỉnh các nhiệm vụ, chức năng của cơ quan nhà nước sao cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới Đồng thời, khắc phục những chồng chéo về chức năng của các cơ quan nhà nước…

– Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cán bộ. Bao gồm việc cải cách chế độ tiền lương của cán bộ công chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức của công chức; đổi mới các chế độ quản lý công chức; đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức,… Chẳng hạn: như cải cách tiền lương từ 01/7/2022, …

– Cải cách thủ tục hành chính là cải cách các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục để thực hiện thẩm quyền của người có thẩm quyền, các cơ quan hành chính nhà nước; cải cách việc thực hiện các thủ tục hành chính; cải cách các quy định về các loại thủ tục hành chính. Chẳng hạn xây dựng hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia để có thể thực nhiều thủ tục online…

Ý nghĩa của cải cách hành chính

Chính phủ chọn thực hiện cải cách hành chính bởi các lý do sau đây:

– Thứ nhất, cải cách hành chính là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đồng thời đây cũng là nội dung có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế.

– Thứ hai, thông qua cải cách hành chính, Nhà nước có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân và với doanh nghiệp. Qua đó, chúng ta có thể xây dựng bộ máy phù hợp và từ đó có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu công việc.

– Thứ ba, cải cách hành chính có tác động to lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thông qua việc cải cách hành chính sẽ giúp gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với đời sống của người dân và  môi trường kinh doanh, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

– Thứ tư, việc đơn giản hóa hành chính sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng trước cộng đồng trong nước và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam cũng như của các địa phương về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đây là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cụ thể là có ảnh hưởng tích cực đến việc đầu tư trong và ngoài nước, xuất nhập khẩu, việc làm, an sinh xã hội…

Như vậy, cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị – xã hội, nhằm sửa đổi toàn diện hệ thống hành chính nhà nước, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tốt hơn trong tình hình mới. 

Quy định của pháp luật về cải cách hành chính

Các quy định của pháp luật về cải cách hành chính được cụ thể trong Quyết định số 1164/QĐ-BNV. Nội dung của quyết định này đã cụ thể hóa về kế hoạch cải cách hành chính như mục tiêu cải cách hành chính, nhiệm vụ của cải cách hành chính trong các nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, về  hiện đại hóa hành chính, Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính,….

Trên đây là các quy định của pháp luật về cải cách hành chính là gì. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn có một cái nhìn chi tiết hơn về quá trình này. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn, hãy liên hệ với công ty Luật Hùng Sơn qua hotline 1900.6518 để được hỗ trợ giải đáp. Trân trọng!

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top