Có một số hàng hóa hay hành lý quan trọng được vận chuyển bằng đường hàng không. Trong một số trường hợp, vì lý do khách quan hoặc chủ quan, hàng hóa hoặc hành lý được vận chuyển bị hư hại, ảnh hưởng đến khá nhiều đến quyền lợi của người gửi. Vì thế, rất nhiều người thắc mắc liệu ai sẽ bồi thường khi vận chuyển hàng không và bồi thường như thế nào khi có thiệt hại xảy ra. Luật Hùng Sơn sẽ cung cấp một số quy định mới nhất hiện nay để giúp bạn đọc được hiểu nhiều hơn về vấn đề này.
1. Trách nhiệm bồi thường khi vận chuyển hàng không
Căn cứ theo Điều 161 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 có quy định về việc bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa, hành lý như sau:
– Người vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, hư hỏng, thiếu hụt hàng hóa, hành lý ký gửi do sự kiện nào đó xảy ra từ thời điểm người gửi hàng hóa, hoặc hành khách giao cho hàng hóa, hành lý ký gửi cho người vận chuyển (bằng đường hàng không) đến thời điểm người vận chuyển trả hàng hóa, hành lý ký gửi tiến hành trả cho người có quyền được nhận; đối với việc vận chuyển hàng hóa như trên thì thời gian vận chuyển bằng đường hàng không sẽ không tính quá trình vận chuyển bằng đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt được thực hiện ở ngoài sân bay, cảng hàng không.
– Trong trường hợp xảy ra thiếu hụt, mất mát hoặc là hư hỏng hành lý xách tay thì người vận chuyển sẽ chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như người vận chuyển có lỗi gây ra thiệt hại ấy. Trong trường hợp mà hàng hóa, hành lý đã được người vận chuyển bồi thường nhưng sau đó hàng hóa, hành lý lại đến địa điểm đến thì người nhận hàng hay hành khách vẫn có quyền được nhận số hàng hóa, hành lý đó và hoàn trả lại số tiền đã được bồi thường cho người vận chuyển.
– Trong trường hợp hàng hóa đã được người vận chuyển (đường hàng không) tiếp nhận thì bất kỳ một thiệt hại nào xảy ra cũng được xem là kết quả của sự kiện xảy ra khi vận chuyển bằng đường hàng không, không phụ thuộc vào phương thức vận chuyển thực tế, trừ trường hợp mà người vận chuyển chứng minh được thiệt hại đã xảy ra trong giai đoạn vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển hoặc đường thủy nội địa. Trong trường hợp mà người vận chuyển có thay thế một phần hoặc là toàn bộ việc vận chuyển bằng đường hàng không sang một phương thức vận chuyển khác, không có được sự đồng ý từ người gửi hàng hóa thì việc vận chuyển bằng phương thức khác ấy sẽ được xem là vận chuyển bằng đường hàng không.
– Người vận chuyển sẽ phải hoàn trả cho người gửi hàng hóa, hành khách giá dịch vụ vận chuyển đối với số hàng hóa, số hành lý ký gửi đã bị thiệt hại.
2. Mức bồi thường khi vận chuyển hàng không
Mức bồi thường thiệt hại của người vận chuyển hàng không đối với hư hỏng, mất mát, thiếu hụt thì hành lý sẽ được tính như sau:
– Tính theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng sẽ không được vượt quá giá trị thiệt hại trên thực tế.
– Tính theo mức giá trị đã được kê khai của việc nhận hàng hóa, hành lý ký gửi ở tại địa điểm đến. Trong trường hợp mà người vận chuyển chứng minh được giá trị đã được kê khai là cao hơn so với giá trị thực tế thì mức bồi thường thiệt hại sẽ được tính theo giá trị thiệt hại thực tế.
– Tính theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hành lý ký gửi, hàng hóa không kê khai giá trị.
– Tính theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hành lý xách tay.
Trong trường hợp mà hàng hóa hay hành lý ký gửi không thực hiện kê khai giá trị mà bị hư hỏng, mất hát, thiếu hụt và không xác định được giá trị thiệt hại trên thực tế thì mức bồi thường của người vận chuyển dành cho khách hàng hoặc hành khách sẽ được tính đến giới hạn mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường khi vận chuyển hàng không
Căn cứ theo Điều 3 của Nghị định số 97/2020/NĐ-CP có tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển so với Khoản 1 Điều 166 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006 như sau:
– Đối với việc vận chuyển hành lý, trong đó có bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hư hỏng, mất mát, thiếu hụt hoặc do vận chuyển chậm sẽ tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
– Đối với việc vận chuyển hàng hóa thì mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hư hỏng, mất mát, thiếu hụt hoặc là do vận chuyển chậm sẽ tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi một kg hàng hóa.
Tuy nhiên, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên đây chỉ được áp dụng khi người vận chuyển chứng minh được thiệt hại đã xảy ra là không phải lỗi do mình hoặc là toàn bộ lỗi của bên thứ ba.
Và người vận chuyển sẽ không được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như trên nếu như nhân viên, người vận chuyển hoặc là đại lý của người vận chuyển đã cố ý thực hiện hành vi gây thiệt hại, hoặc do sự cẩu thả nhưng nhận thức thiệt hại có thể sẽ xảy ra. Trong trường hợp mà hành vi đó là do nhân viên hoặc là đại lý thực hiện thì phải chứng minh được rằng nhân viên hoặc là đại lý đó đã hành động khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trên đây là các quy định của pháp luật về bồi thường khi vận chuyển hàng không. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc nào khác về vấn đề này, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và cụ thể.