Văn phòng đại diện là đơn vị được doanh nghiệp thành lập với mục đích nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và đàm phán, tìm kiếm khách hàng. Vậy, liệu văn phòng đại diện có thể thay mặt cho doanh nghiệp để giao dịch với các đối tác được không? Văn phòng đại diện có được ký kết hợp đồng không? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, công ty Luật Hùng Sơn sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên.
Văn phòng đại diện là gì?
Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 thì văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ là đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời phải bảo vệ các lợi ích đó. Tuy nhiên, văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Văn phòng đại diện sẽ được chia thành 02 nhóm là:
- Văn phòng đại diện cho công ty có hiện diện thương mại tại Việt Nam;
- Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (doanh nghiệp không có hiện diện thương mại tại Việt Nam).
Như vậy có thể thấy, chức năng của văn phòng đại diện khá đơn giản chỉ phục vụ mục đích chính là văn phòng liên lạc giữa công ty với khách hàng. Đồng thời, văn phòng đại diện thực hiện tìm hiểu thị trường kinh doanh để hỗ trợ cho công ty đánh giá thị trường và xúc tiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Người đứng đầu văn phòng đại diện là ai?
Người đứng đầu văn phòng đại diện hay còn được gọi là Trưởng văn phòng đại diện. Người này có vai trò rất quan trọng, bởi đó là người điều hành, quản lý trực tiếp mọi hoạt động tại văn phòng đại diện. Chính vì vậy, người đứng đầu văn phòng đại diện là người phải chịu trách nhiệm chính về kết quả hoạt động kinh doanh của văn phòng đại diện.
Tuy nhiên, các hoạt động tại văn phòng đại diện không được tự ý tổ chức, tự ý hoạt động mà phải được sự ủy quyền của doanh nghiệp. Việc ủy quyền này phải thông qua văn bản, mọi hình thức ủy quyền khác không được pháp luật chấp thuận.
Văn phòng đại diện có được ký kết hợp đồng không?
Theo Điều 385 Bộ Luật Dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, việc thay đổi hay chấm dứt quyền hoặc nghĩa vụ dân sự. Do không có tư cách pháp nhân nên văn phòng đại diện không được nhân danh mình để ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xúc tiến hoạt động kinh doanh nên nếu được ủy quyền nó vẫn có thể ký kết hợp và trở thành một bên trong quan hệ hợp đồng.
Khoản 5 Điều 84 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Người đứng đầu văn phòng đại diện thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và trong thời hạn được ủy quyền. Như vậy, người đứng đầu văn phòng đại diện không đương nhiên có quyền đại diện cho công ty, cho văn phòng đại diện để có thể ký kết hợp đồng mà quyền này chỉ phát sinh khi người này nhận được ủy quyền của người đại diện của công ty.
Phạm vi ủy quyền như thế nào và thời hạn ủy quyền ra sao là do người đại diện theo pháp luật của công ty quyết định. Khi văn phòng đại diện ký kết một số hợp đồng hoặc thực hiện một số công việc mà cần sự cho phép của công ty thì người đứng đầu văn phòng đại diện phải xuất trình được văn bản uỷ quyền của công ty.
Chẳng hạn như đối với việc ký kết hợp đồng lao động thì giám đốc công ty TNHH 2 thành viên có quyền tuyển dụng lao động ( điểm k khoản 2 Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2020). Tuy nhiên, do văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của công ty nên giám đốc công ty là người có thể ủy quyền tuyển dụng lao động cho văn phòng đại diện..
Như vậy, nếu việc ký kết hợp đồng nằm trong phạm vi công việc được công ty uỷ quyền thì văn phòng đại diện hoàn toàn có quyền ký kết hợp đồng.
Văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân không?
Theo quy định của khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 thì một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân nếu đáp ứng đầy đủ bốn điều kiện được liệt kê sau đây:
– Thứ nhất, được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan;
– Thứ hai, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự 2015;
– Thứ tư, có tài sản độc lập với cá nhân, với pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình;
– Thứ tư, tổ chức nhân danh mình để tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mọi hoạt động của văn phòng đại diện đều phụ thuộc vào doanh nghiệp và thông qua việc được doanh nghiệp uỷ quyền. Do đó, văn phòng đại diện không nhân danh mình để tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách độc lập, vì vậy nên văn phòng đại diện không được coi là có tư cách pháp nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề văn phòng đại diện có được ký kết hợp đồng không. Trường hợp, quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc gì, vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua hotline 1900.6518 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ công ty Luật Hùng Sơn. Trân trọng!