Khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, một vấn đề pháp lý quan trọng cần nắm rõ là các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh năm 2021. Vậy giấy phép kinh doanh sẽ bị thu hồi trong trường hợp nào? Nếu bị thu hồi doanh nghiệp phải làm gì? Hãy theo dõi bài viết sau để được giải đáp chi tiết nhé.
1. Những trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh năm 2021
1.1 Quy định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo (Có thể hiểu là thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh không đúng so với thực tế hoạt động kinh doanh; giấy tờ pháp lý cá nhân không đúng hay trụ sở đăng ký kinh doanh không tồn tại…);
- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật này;
- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh với thời gian 1 năm mà không làm thủ tục thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế;
- Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 216 Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định 6 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc là có yêu cầu bằng văn bản;
- Các trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị từ cơ quan thẩm quyền theo quy định pháp luật.
1.2 Quy định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Đối với hộ kinh doanh, giấy phép kinh doanh được gọi là Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo Khoản 1 Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau đây:
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo (Có thể hiểu là thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động của hộ kinh doanh đó như số lượng lao động không đúng như đã đăng ký…);
- Hộ kinh doanh ngừng hoạt động kinh doanh với thời gian quá 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi mà hộ kinh doanh đã đăng ký và Cơ quan thuế;
- Hộ kinh doanh có kinh doanh ngành, nghề bị cấm;
- Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn quy định 3 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
- Các trường hợp khác theo quy định của Tòa án, đề nghị từ cơ quan thẩm quyền theo quy định pháp luật.
2. Khi có quyết định thu hồi doanh nghiệp phải làm gì?
Ngoài các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh năm 2021 được quy định đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì cũng cần lưu ý:
- Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần chấm dứt ngay hoạt động kinh doanh ngành nghề có giấy phép bị thu hồi;
- Trong trường hợp mà doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì tư cách pháp nhân của doanh nghiệp sẽ chấm dứt. Căn cứ tùy vào từng trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp hay chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh dù đã có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
- Với doanh nghiệp: phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 30.000.000 đồng (theo điểm b Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP).
- Với hộ kinh doanh: phạt tiền từ 1.000.000 đồng cho đến 7.000.000 đồng căn cứ tùy vào từng hành vi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (theo Điều 41, Điều 42 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP).
3. Có được đăng ký lại nếu bị thu hồi giấy phép kinh doanh?
Đối với doanh nghiệp, theo Khoản 1 Điều 76 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp có thể khôi phục được tình trạng pháp lý sau khi bị cơ quan thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong một số trường hợp sau đây:
- Phòng đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp đó không thuộc vào trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Phòng đăng ký kinh doanh nhận được văn bản từ Cơ quan quản lý thuế đề nghị khôi phục lại tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế nợ thuế trong trường hợp mà doanh nghiệp chưa chuyển sang tình trạng pháp lý đã giải thể trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đối với hộ kinh doanh:
- Trường hợp mà có văn bản từ Cơ quan quản lý thuế đề nghị hủy bỏ quyết định thu hồi do cưỡng chế nợ thuế thì hộ kinh doanh sẽ được khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
- Trường hợp khác mà bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể, nếu hộ kinh doanh muốn hoạt động kinh doanh trở lại thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký lại theo thủ tục thành lập hộ kinh doanh mới.
4. Nếu bị thu hồi giấy phép kinh doanh trái pháp luật phải làm gì?
4.1 Khiếu nại việc thu hồi giấy phép kinh doanh trái pháp luật
Một trong những thủ tục mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể làm khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh trái pháp luật chính là khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền.
Khi doanh nghiệp nhận thấy việc thu hồi giấy phép kinh doanh trái với các quy định pháp luật hiện hành, xâm phạm một cách trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty thì có thể tiến hành thủ tục khiếu nại lần đầu lên cơ quan đã ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh.
- Nếu doanh nghiệp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời nhưng vẫn chưa có văn bản phản hồi thì doanh nghiệp có thể khiếu nại lần hai.
- Nếu doanh nghiệp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản trả lời thì doanh nghiệp có thể tiến hành khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo các quy định của Luật Tố tụng hành chính.
4.2 Khởi kiện việc thu hồi giấy phép kinh doanh trái pháp luật
Hồ sơ khởi kiện cần chuẩn bị:
- Đơn khởi kiện (phải có nội dung yêu cầu hủy quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh);
- Hồ sơ có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại trước đó;
- Bản sao của Quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh;
- Các loại tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến việc khởi kiện;
- Bản sao của Giấy tờ tùy thân.
Thủ tục khởi kiện tại Tòa án:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ được liệt kê như trên.
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền.
- Bước 3: Hồ sơ khởi kiện sẽ được Tòa án xem xét, nếu xét thấy hợp lệ thì Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án.
Trên đây là một số thông tin quan trọng xoay quanh các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh năm 2021. Ngoài ra, nếu như bạn đọc còn có thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn qua hotline: 0964.509.555 để nhận được sự hỗ trợ tư vấn và giải đáp chi tiết.
- Thành lập trung tâm tư vấn du học như thế nào? - 22/02/2023
- Tìm hiểu FTA gồm những nước nào? - 22/02/2023
- Điều kiện và thủ tục mở lớp dạy thêm ở nhà theo quy định - 22/02/2023