Tranh chấp di sản thừa kế là một vấn đề vô cùng quan trọng trong pháp luật dân sự, ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan. Đối với vấn đề tranh chấp di sản thừa kế trong nước, pháp luật dân sự cũng đã có những quy định cụ thể và chi tiết. Nhưng đối với vấn đề tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài, thì pháp luật sẽ quy định như thế nào? Luật Hùng Sơn sẽ hỗ trợ thông tin đến các bạn bằng những quy định pháp luật sau đây.
1. Thế nào là tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài?
Tranh chấp di sản thừa kế chính là việc mà các bên ở trong quan hệ thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc không thống nhất được với nhau hoặc không thỏa thuận được với nhau về cách phân chia di sản được thừa kế. Tranh chấp di sản thừa kế và có yếu tố nước ngoài là một phần của tranh chấp di sản thừa kế, tính chất và mức độ phức tạp rất khác.
Những trường hợp mà quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài:
– Người để lại di sản thừa kế là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài.
– Người được thừa kế di sản là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài.
– Có các căn cứ dùng để xác lập, thay đổi hoặc là chấm dứt quan hệ thừa kế theo quy định pháp luật nước ngoài.
– Di sản thừa kế ở nước ngoài.
2. Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài
Trường hợp thừa kế theo pháp luật và phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi mất.
– Căn cứ theo Khoản 1 Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định việc thừa kế sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch đó ngay trước khi chết.
– Như vậy, để có thể xác định được người thừa kế, thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế, di sản thừa kế, những quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, người thực hiện quản lý di sản thừa kế thì sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật nước ngoài nơi mà người đã để lại di sản thừa kế có quốc tịch đó trước khi chết.
Quy định về quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân thủ theo pháp luật của nước nơi mà có bất động sản đó.
– Căn cứ theo Khoản 2 Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định việc thực hiện quyền thừa kế đối với di sản là bất động sản sẽ được xác định theo pháp luật của nước ngoài nơi mà có bất động sản đó.
– Quyền thừa kế ở đây được hiểu là bao gồm quyền để lại di sản thừa kế và quyền nhận thừa kế. Người có quyền thừa kế có được nhận hay không được nhận di sản thừa kế là bất động sản thì còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật nơi mà có bất động sản ấy.
– Ví dụ như các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay sẽ cho phép Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam, sau khi họ mất thì những người thừa kế (nếu là người đang sinh sống ở tại Việt Nam, hoặc là người Việt Nam đang định cư ở tại nước ngoài thuộc đối tượng có thể được sở hữu nhà ở tại Việt Nam) sẽ được quyền sở hữu và được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nhưng nếu như người thừa kế không thuộc vào đối tượng có thể được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chỉ có thể nhận được giá trị của ngôi nhà ấy (không có quyền sở hữu nhưng có quyền được định đoạt, quyền chuyển nhượng, quyền bán để có thể hưởng được giá trị của ngôi nhà ấy).
♦ Đối với di sản không có người thừa kế:
– Căn cứ theo Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp tài sản được để lại không có người thừa kế theo di chúc và cũng không có người thừa kế theo pháp luật hoặc là có nhưng những người đó đã không có quyền được hưởng di sản, từ chối việc nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã được thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản mà vẫn không có người nhận thừa kế thì sẽ thuộc về Nhà nước.
3. Thời hiệu để khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài
Căn cứ theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp về thừa kế di sản như sau:
– Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế được yêu cầu chia di sản, xác nhận về quyền thừa kế của mình hoặc là bác bỏ quyền thừa kế của người khác được quy định là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện những nghĩa vụ về tài sản của người chết đã để lại là 3 năm kể từ thời điểm mà mở thừa kế.
4. Thẩm quyền giải quyết
Có thể khởi kiện để giải quyết tranh chấp di sản thừa kế trong trường hợp có yếu tố nước ngoài ở tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, một số trường hợp có thể được khởi kiện ở Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trên đây là các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề giải quyết tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài. Nếu như bạn đọc có thắc mắc về vấn đề này hoặc vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật Hùng Sơn để chúng tôi có thể hỗ trợ tư vấn thông tin và chi tiết giúp bạn.
- Những số điện thoại không nên nghe mới nhất 2023 - 28/11/2023
- Bị người khác sử dụng hình ảnh để lừa đảo phải làm gì? - 14/11/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 05/11/2023