Điều kiện và thủ tục mở lớp dạy thêm ở nhà theo quy định

  • Ls. Luyện Ngọc Hùng |
  • 31-07-2023 |
  • Doanh nghiệp , |
  • 2216 Lượt xem

Điều kiện và thủ tục mở lớp dạy thêm ở nhà là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm và thắc mắc. Vì vậy, bài viết sau đây của công ty Luật Hùng Sơn sẽ giúp bạn có thêm thông tin về những quy định pháp luật về thủ tục này.

Điều kiện để mở lớp dạy thêm ở nhà là gì?

Người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người tham gia dạy thêm ở nhà phải đáp ứng các điều kiện được liệt kê sau đây:

Thứ nhất, đối với người dạy thêm

a) Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

b) Có đủ sức khoẻ.

c) Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

d) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kỉ luật, chấp hành án phạt tù, quản chế, cải tạo không giam giữ, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; không bị kỷ luật với hình thức bị buộc thôi việc.

e) Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc thủ trưởng của cơ quan quản lý xác nhận (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng của cơ quan quản lý cho phép (đối với giáo viên mà đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

Thứ hai, đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm

a) Có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm theo quy định nêu trên.

b) Có đủ sức khỏe.

c) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kỉ luật, chấp hành án phạt tù, quản chế, cải tạo không giam giữ, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Tuy nhiên, sẽ không tổ chức dạy thêm đối với những học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về thể dục thể thao, nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng sống.

Các giáo viên mà đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, những giáo viên này vẫn có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với những học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

thủ tục mở lớp dạy thêm ở nhà

Hồ sơ mở lớp dạy thêm ở nhà

Điều 12 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về hồ sơ cấp giấy phép về việc tổ chức học thêm, dạy thêm ngoài bao gồm:

  • Đơn xin cấp giấy phép tổ chức dạy thêm;
  • Danh sách trích ngang những người tổ chức dạy thêm, học thêm và những người đăng ký dạy thêm;
  • Đơn xin dạy thêm, trong đơn có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm;
  • Bản sao hợp lệ của các giấy tờ xác định về trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của cả người tổ chức và người đăng ký dạy thêm;
  • Giấy khám sức khỏe của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp cho người tổ chức dạy thêm và người đăng ký dạy thêm;
  • Bản kế hoạch về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, trong đó, có nêu rõ các nội dung về: nội dung dạy thêm, đối tượng, địa điểm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm.

Thủ tục mở lớp dạy thêm ở nhà như thế nào?

Để mở lớp dạy thêm ở nhà, phải có giấy phép hoạt động dạy thêm, học thêm. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động dạy thêm, học thêm được quy định tại Điều 13 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Cụ thể như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cá nhân, tổ chức xin cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm lập và gửi hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó:

  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục (nếu được chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) cấp giấy phép tổ chức dạy thêm đối với những trường hợp tổ chức dạy thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc có nội dung thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc Trưởng phòng Giáo dục (nếu được chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ủy quyền) cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với những trường hợp tổ chức dạy thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở hoặc có nội dung thuộc nhiều chương trình nhưng chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Cơ quan cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm tiến hành thẩm định hồ sơ và kiểm tra cơ sở vật chất, địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm.

Bước 3: Trả lời bằng văn bản về việc xin giấy phép

Trong 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được một bộ hồ sơ hợp lệ, cơ quan phải quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức dạy thêm, học thêm bằng văn bản.

Lưu ý:

  • Thời hạn của giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm tối đa là 24 tháng kể từ ngày ký. Trước khi hết hạn 01 tháng, nếu có nhu cầu thì phải làm thủ tục gia hạn. Thủ tục gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm được thực hiện như thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
  • Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm có thể sẽ bị thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
  • Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hết hạn mà tổ chức, cá nhân chưa hoàn tất thủ tục gia hạn sẽ bị đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.

Trường hợp nào không được phép mở lớp dạy thêm ở nhà

Theo quy định Điều 4 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, các trường hợp không được dạy thêm bao gồm:

  • Dạy thêm đối với những học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày.
  • Dạy thêm đối với học sinh cấp tiểu học, trừ trường hợp: bồi dưỡng thể dục thể thao, nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng sống.
  • Các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức học thêm, dạy thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, các giáo viên mà đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, những giáo viên này vẫn có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với những học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Những quy định mà giáo viên cần nắm rõ về việc mở lớp dạy thêm, học thêm

Giáo viên cần nắm được nguyên tắc của dạy thêm, học thêm. Theo đó, Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố và nâng cao kỹ năng, kiến thức, giáo dục nhân cách của học sinh. Đồng thời, việc dạy thêm, học thêm phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người học và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu đối với họ.

Không cắt giảm nội dung có trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm. Không dạy thêm trước những nội dung có trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Đối tượng học thêm là học sinh mà có nhu cầu đi học thêm, tự nguyện đi học thêm và phải được gia đình đồng ý. Không được dùng bất kỳ hình thức nào để ép buộc học sinh và gia đình học sinh học thêm.

Không tổ chức lớp học thêm, dạy thêm theo các lớp học chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp học thêm, dạy thêm phải có học lực tương đương nhau và khi xếp học sinh vào các lớp học thêm, dạy thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động học thêm, dạy thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và phải xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Trên đây là quy định pháp luật hiện hành về thủ tục mở lớp dạy thêm ở nhà. Trường hợp, Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ hotline 1900.6518 để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn