logo

Thủ tục ly hôn đơn phương và quyền nuôi con như nào?

Thủ tục ly hôn đơn phương và quyền nuôi con như nào? Ly hôn đơn phương thông thường được hiểu là việc ly hôn diễn ra theo yêu cầu của một bên. Ly hôn đơn phương xảy ra khi chỉ một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn do cuộc sống hôn nhân của vợ chồng không như mong muốn. Tuy nhiên, việc tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương sẽ rất dễ bị Tòa án từ chối thụ lý, giải quyết nếu người nộp hồ sơ ly hôn đơn phương không am hiểu các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết việc ly hôn. Thấu hiểu vấn đề đó, công ty Luật Hùng Sơn sẽ phân tích thủ tục ly hôn đơn phương và quyền nuôi con theo quy định pháp luật  thông qua câu hỏi dưới đây.

Quảng cáo

Câu hỏi: Xin chào Luật sư! Tôi và chồng tôi có mâu thuẫn không thể giải quyết được nên hiện tại tôi không còn thương yêu quan tâm, chia sẻ, chăm sóc gì cho chồng và đồng thời tôi cũng không sống với chồng được nữa. Tôi muốn về nhà mẹ đẻ thì chồng và gia đình chồng giữ con tôi lại không cho tôi mang theo con về nhà mẹ. Vậy giờ tôi muốn ly hôn đơn phương với chồng tôi thì có được không?

Căn cứ pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
  • Nghị định 126/2014/NĐ-CP;
  • Các văn bản pháp luật có liên quan

thủ tục ly hôn và quyền nuôi con

Luật sư tư vấn trả lời

Căn cứ để ly hôn đơn phương

Theo như chia sẻ của bạn, thì bạn và chồng bạn mâu thuẫn nên hiện tại bạn không còn thương yêu quan tâm, chia sẻ, chăm sóc gì cho chồng nên không sống với chồng được nữa. Và bạn muốn đơn phương ly hôn với chồng bạn. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì các căn cứ để ly hôn là Việc ly hôn đơn phương phải có căn cứ về việc vợ/ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ/ chồng làm cho hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung của vợ chồng không thể tiếp tục kéo dài, mục đích của hôn nhân cũng không đạt được. 

Tình trạng hôn nhân được coi là trầm trọng để Tòa án giải quyết ly hôn khi có các dấu hiệu như sau. Tuy nhiên, người nộp đơn ly hôn đơn phương phải đồng thời chứng minh được điều đó. Các dấu hiệu đó là:

– Có hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi hoặc thường xuyên chửi rủa, dùng lời nói cay nghiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến tinh thần của đối phương,…;

– Một bên thường thường xuyên bỏ bê gia đình, không chăm lo cho con cái. Đồng thời cũng không có trách nhiệm trong việc xây dựng tài sản chung của gia đình;

– Không còn tình nghĩa vợ chồng, không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng; không có sự tôn trọng, giúp đỡ nhau về mọi mặt trong cuộc sống.

Như vậy, để có thể nộp đơn ly hôn đơn phương ra Tòa thì bạn phải chứng minh được cuộc sống hôn nhân của bạn và chồng bạn có một trong những dấu hiệu trên.

Quảng cáo

Hồ sơ đơn phương ly hôn cần chuẩn bị như sau

  • Đơn yêu cầu ly hôn;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
  • CMND và hộ khẩu;
  • Giấy khai sinh các con bạn;
  • Các tài liệu, giấy tờ khác nhằm chứng minh tài sản chung của vợ chồng như: GCNQSDĐ; Đăng ký xe; Sổ tiết kiệm…

Quy trình tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương

  • Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu đơn phương ly hôn tại TAND có thẩm quyền;

Thẩm quyền của Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn của bạn sẽ được xác định trên cơ sở thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án như đối với các vụ án dân sự. Theo đó, bạn có thể nộp đơn ly hôn tại Tòa án cấp quận/huyện nơi cư trú của bị đơn. Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thì bạn nộp đơn tại Tòa án cấp tỉnh.

  • Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn yêu cầu đơn phương ly hôn;
  • Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai về việc đã nộp tiền tạm ứng án phí đơn phương ly hôn cho Tòa án;
  • Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập đương sự lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự;
    • Bước 5: Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn của bạn, bạn có quyền kháng cáo quyết định này để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn của bạn theo quy định.

Thời gian tòa án giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn của bạn như sau:

  • Giải quyết ly hôn tại cấp sơ thẩm: khoảng từ 4 đến 6 tháng. Trường hợp có tranh chấp tài sản phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn.
  • Nếu có kháng cáo giải quyết ly hôn tại cấp phúc thẩm thì thời gian giải quyết khoảng từ 3 đến 4 tháng;

Thời gian giải quyết ly hôn sẽ nhanh hơn khi không có tranh chấp về tài sản vì phải giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản. Do vậy bạn có thể tách yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản bằng một vụ án khác..

Quyền nuôi con sau ly hôn

Căn cứ theo điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì:

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hay không có khả năng lao động và con không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật.
  2. Vợ chồng thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ và quyền của mỗi bên đối với con sau khi ly hôn. Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về vấn đề này thì Tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để có thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc hai bên cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp hơn với lợi ích của con.

Luật hôn nhân gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại với cháu. Theo đó:

Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng (bố mẹ, anh, chị, em nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con) thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

Như vậy, bố, mẹ là người có quyền và nghĩa vụ nuôi con. Chỉ khi cha mẹ và anh chị em (nếu có) không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì ông bà mới có quyền nuôi dưỡng cháu. Theo như thông tin bạn cung cấp thì quyền được nuôi con sau khi ly hôn của cha mẹ là như nhau, vì vậy để giành được quyền nuôi con, bạn cần phải chứng minh được điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần dành cho con hơn người bố thì khi đó bạn mới có thể giành được quyền nuôi con.

Hy vọng với những chia sẻ ở trên của công ty Luật Hùng Sơn, Quý độc giả đã có thêm thông tin về thủ tục ly hôn đơn phương và quyền nuôi con. Trường hợp Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Nguyễn Minh Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn