So sánh công ty tnhh một thành viên và doanh nghiệp tư nhân

  • Ls. Luyện Ngọc Hùng |
  • 10-05-2023 |
  • Doanh nghiệp , |
  • 2084 Lượt xem

So sánh công ty tnhh một thành viên và doanh nghiệp tư nhân theo luật doanh nghiệp? Bạn đang băn khoăn trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH 1 thành viên? Hãy cùng Luật Hùng Sơn so sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên tìm ra những ưu nhược điểm của từng loại hình một để có được lựa chọn đúng đắn nhất.

Quảng cáo

Phân biệt doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên

so sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên

Doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên là 2 loại hình khác nhau, tuy nhiên, giữa hai loại hình này vẫn có một số điểm tương đồng. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể dưới đây nhé.

Bảng so sánh khái niệm và đặc điểm

Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra bảng về sự so sánh khái niệm và đặc điểm giữa công ty TNHH 1 thành viên và Doanh nghiệp tư nhân để tiện theo dõi và so sánh:

Loại hình doanh nghiệp Khái niệm Đặc điểm
 

 

Công ty TNHH 1 thành viên

Công ty TNHH một thành viên theo đó là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức là chủ sở hữu của công ty. Chủ sở hữu công ty/doanh nghiệp chịu trách nhiệm về những khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty mình và trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

(theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020)

Có tư cách pháp nhân

Do cá nhân hoặc tổ chức là chủ sở hữu

Trách nhiệm tài sản trong phạm vi vốn góp của công ty

Cơ chế chuyển nhượng vốn rõ ràng

Có cơ chế huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau

Doanh nghiệp tư nhân Doanh nghiệp tư nhân được hiểu là doanh nghiệp được thành lập do một cá nhân đứng ra làm chủ và tự phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình về mọi hoạt động liên quan của doanh nghiệp

(Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020)

Doanh nghiệp tư nhân thành lập bởi một cá nhân làm chủ

Nguồn vốn góp ban đầu của Doanh nghiệp tư nhân được lấy từ tài sản của chính chủ Doanh nghiệp

Chủ Doanh nghiệp tư nhân có toàn bộ quyền quyết định trong việc tổ chức và quá trình hoạt động kinh doanh đối với Doanh nghiệp tư nhân

Tất cả lợi nhuận trong quá trình hoạt động hay kinh doanh thì chủ Doanh nghiệp được hưởng

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Chủ của Doanh nghiệp Tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ phát sinh từ quá trình hoạt động trong doanh nghiệp tư nhân

Sự giống nhau doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên

Hai loại hình doanh nghiệp này có một số điểm tương đồng như sau:

  • Đều là các chủ thể cơ bản thường xuyên tham gia vào các quan hệ kinh tế trên thị trường.
  • Chịu sự điều chỉnh bởi nguồn Luật chủ yếu đó là Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp có liên quan.
  • Được thành lập bởi một chủ sở hữu.
  • Không được phát hành bất kỳ loại cổ phiếu nào.
  • Phải tiến hành làm thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp nếu có sự thay đổi về chủ sở hữu vốn như: chuyển nhượng một phần vốn góp hoặc tiếp nhận phần vốn góp.
  • Phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu khi chuyển nhượng toàn bộ vốn góp.
  • Dưới sự quản lý, chịu trách nhiệm của chủ sở hữu, sự tồn tại và phát triển kinh doanh của công ty phụ thuộc phần lớn vào năng lực cũng như tài chính của chủ sở hữu công ty/doanh nghiệp tư nhân.
  • Thủ tục đăng ký thành lập công ty đơn giản.
  • Tiến hành hoạt động kinh doanh hợp pháp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh trong những lĩnh vực ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
  • Được sử dụng hóa đơn tài chính.
  • Có quyền tự do quảng bá hoặc quảng cáo thương hiệu các sản phẩm công ty đang kinh doanh theo quy định của pháp luật.

So sánh hai loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên

Doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên có rất nhiều điểm khác nhau. Nổi bật là có 10 điểm khác biệt. Sau đây là bảng so sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên cụ thể theo từng tiêu chí một.

STT Tiêu chí Doanh nghiệp tư nhân Công ty TNHH 1 thành viên
1 Chủ sở hữu Cá nhân Tổ chức, cá nhân
2 Điều khoản ràng buộc Không có
3 Vốn điều lệ Góp đủ ngay khi đăng ký Góp đủ trong thời hạn 90 ngày
4 Tài sản công ty và tài sản chủ sở hữu Không tách biệt Tách biệt
5 Chịu trách nhiệm tài sản Vô hạn Hữu hạn
6 Khả năng huy động vốn Hạn chế Đa dạng
7 Tư cách pháp nhân Có  Không
8 Quyền góp vốn, mua cổ phần vốn góp Không có
9 Tăng, giảm vốn điều lệ Không có điều kiện Có điều kiện
10 Cơ cấu tổ chức, quản lý Có 1 mô hình Có 2 mô hình

Chủ sở hữu

Mỗi loại hình công ty sẽ có chủ sở hữu khác nhau:

  • Doanh nghiệp tư nhân: Không có xuất hiện sự góp vốn giống như những công ty có nhiều chủ sở hữu, việc góp vốn của doanh nghiệp tư nhân chủ yếu chỉ xuất phát từ tài sản của 01 cá nhân duy nhất.
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Ngoài cá nhân thì tổ chức cũng có thể là chủ sở hữu của công ty. Công ty chỉ thành lập bởi một cá nhân hay một tổ chức làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Điều khoản ràng buộc

Để thành lập công ty thì từng loại hình sẽ có điều kiện riêng:

  • Doanh nghiệp tư nhân
    • Mỗi cá nhân chỉ được là chủ sở hữu của một doanh nghiệp tư nhân.
    • Cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là thành viên công ty hợp danh hay chủ hộ kinh doanh.
    • Doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn để thành lập hoặc mua phần vốn góp hoặc cổ phần trong công ty TNHH hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh.
  • Công ty TNHH 1 thành viên
    • Không có điều khoản ràng buộc
    • Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên không bị giới hạn, hạn chế những quyền như doanh nghiệp tư nhân

Vốn điều lệ

Đây là vấn đề chủ sở hữu cần quan tâm khi lựa chọn loại hình công ty:

  • Doanh nghiệp tư nhân: Vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp do chủ sở hữu tự đăng ký. Trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không thể hiện nội dung vốn góp. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là người duy nhất bỏ số vốn điều lệ này.
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Vốn điều lệ của công ty do chủ sở hữu đăng ký, thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phải góp đủ trong thời hạn 90 ngày. Vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và được thể hiện trong Điều lệ công ty tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp

Tài sản công ty và tài sản chủ sở hữu

  • Doanh nghiệp tư nhân: Tài sản của chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp tư nhân không hoàn toàn độc lập với nhau
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Đối với những tài sản để góp vốn vào công ty, chủ sở hữu phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn đó cho công ty TNHH

Chịu trách nhiệm tài sản

  • Doanh nghiệp tư nhân: Bởi vì không có sự độc lập về tài sản giữa cá nhân và doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác phát sinh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân phải chịu mọi trách nhiệm về hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp không chỉ trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng kí mà còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản khi vốn đã đăng ký không đủ để giải quyết.
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ và các nghĩa vụ trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký của công ty. Chủ sở hữu không phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tất cả tài sản của mình như với loại hình Doanh nghiệp tư nhân.

Khả năng huy động vốn

  • Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất cứ loại chứng khoán nào để huy động vốn.
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Để huy động vốn, công ty TNHH 1 thành viên có thể phát hành trái phiếu và được phát hành cổ phần trong trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Ngoài ra, công ty có thể huy động vốn bằng cách vay từ các cá nhân, tổ chức trong hoặc ngoài nước hoặc bằng cách góp thêm vốn của chủ sở hữu công ty.

Tư cách pháp nhân

  • Doanh nghiệp tư nhân: Một trong những điều kiện bắt buộc để một tổ chức có tư cách pháp nhân là phải có tài sản độc lập với cá nhân. Cụ thể, tài sản của tổ chức phải hoàn toàn tách biệt với tài riêng của người sáng lập ra tổ chức. Trong doanh nghiệp tư nhân thì không có sự tách biệt giữa tài sản cá nhân của chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp, vậy nên, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì công ty có tư cách pháp nhân bởi
    • Công ty được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
    • Cơ cấu tổ chức chặt chẽ trong công ty.
    • Công ty có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức chủ sở hữu và có thể tự chịu trách nhiệm bằng những tài sản độc lập này.
    • Công ty có thể nhân danh mình để tham gia vào những quan hệ pháp luật với tư cách độc lập

Quyền góp vốn, mua cổ phần vốn góp

Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn thành lập hay mua phần vốn góp, cổ phần trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hay công ty cổ phần (theo như quy định tại Khoản 4 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020)

Quảng cáo

Công ty TNHH 1 thành viên: Công ty TNHH 1 thành viên được quyền góp vốn, mua cổ phần vốn góp đa dạng, không có quy định về hạn chế quyền này. Chính vì vậy, chủ sở hữu công ty có quyền góp vốn hay mua cổ phần trong các công ty khác. Công ty TNHH 1 thành viên có quyền góp vốn để thành lập hoặc mua phần vốn góp, cổ phần trong các doanh nghiệp như loại hình: công ty trách nhiệm hữu hạn khác, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh.

Tăng, giảm vốn điều lệ

  • Doanh nghiệp tư nhân: Trong quá trình hoạt động chủ doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm số vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với cơ quan kinh doanh khi giảm số vốn xuống dưới mức đăng ký. Điều này có nghĩa là không có sự tách bạch trong tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản của doanh nghiệp tư nhân đó.
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Để tăng, giảm vốn điều lệ, Công ty phải tiến hành làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
    • Các trường hợp công ty có thể tăng vốn như sau:
      • Tăng vốn góp của chủ sở hữu;
      • Tiếp nhận thêm vốn góp từ những cá nhân, tổ chức mới (trường hợp này công ty cần tiến hành thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp).
    • Các trường hợp công ty có thể giảm vốn điều lệ:
      • Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu trong vốn điều lệ của công ty trong trường hợp công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ hai năm trở lên tính từ ngày đăng ký thành lập công ty đồng thời đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu;
      • Chủ sở hữu không thanh toán đầy đủ và đúng hạn vốn điều lệ theo quy định

Cơ cấu tổ chức, quản lý

  • Doanh nghiệp tư nhân: Mô hình này do chủ sở hữu tự quản lý hoặc chủ sở hữu thuê người quản lý
  • Công ty TNHH 1 thành viên: Công ty có thể lựa chọn 01 trong 02 mô hình như sau:
    • Mô hình thứ nhất: Chủ tịch công ty, Giám đốc/ Tổng giám đốc và Kiểm soát viên công ty;
    • Mô hình thứ hai: Hội đồng thành viên, Giám đốc/ Tổng giám đốc và Kiểm soát viên công ty.

Nên lựa chọn doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH 1 thành viên

nên chọn saonh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH 1 thành viên

Để giúp bạn lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất hãy cùng chúng tôi điểm lại nhưng ưu nhược điểm nổi bật của từng loại hình riêng như sau:

Ưu điểm

Đối với mỗi loại hình, pháp luật đều quy định có những đặc điểm riêng mà khi lựa chọn sẽ đều có những lợi thế riêng để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Vậy ưu điểm của DN tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên là gì? Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý, cụ thể:

Doanh nghiệp tư nhân:

  • Được tự do sử dụng các lợi nhuận sau thuế (bởi lẽ doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân là chủ sở hữu và quản lý, điều hành quyết định hướng kinh doanh).
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân được toàn quyền trong việc quyết định mọi hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân được đánh thuế thu nhập cá nhân chính trên thuế mà doanh nghiệp đó phải đóng.
  • Vì chế độ chịu trách nhiệm của doanh nghiêp tư nhân là vô hạn nên có thể dễ dàng có được lòng tin từ khách hàng và các đối tác hơn (họ sẽ hạn chế được tối đa rủi ro khi hợp tác).

Công ty TNHH 1 thành viên:

  • Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của công ty hoặc các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ mà công ty đã đăng ký ban đầu từ khi thành lập.
  • Công ty chỉ có một cá nhân hoặc một tổ chức là chủ sở hữu nên việc quản lý và điều hành của công ty khá dễ dàng, không quá phức tạp.
  • Chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản.
  • Công ty có cơ cấu tổ chức đơn giản và linh động.
  • Thủ tục thành lập công ty đơn giản hơn việc thành lập công ty cổ phần hay TNHH 2 thành viên trở lên.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm, loại hình nào cũng tồn tại những mặt hạn chế mà chủ sở hữu phải cân nhắc để quản lý và điều hành doanh nghiệp hiệu quả nhất. Nhược điểm của 2 loại hình có một số điểm như sau:

Doanh nghiệp tư nhân:

  • Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân..
  • Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với việc chi trả những khoản nợ do hoạt động phát sinh từ công ty ngay cả khi tuyên bố phá sản

Công ty TNHH 1 thành viên

  • Hệ thống pháp luật điều chỉnh công ty TNHH 1 thành viên cũng khắt khe hơn doanh nghiệp tư nhân.
  • Bên cạnh đó, công ty cũng không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
  • Tiền lương thanh toán đối với Chủ sở hữu không được coi là loại chi phí hợp lý để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bài viết so sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên trên đây đã đưa ra được 10 điểm khác biệt giữa hai loại hình công ty. Hy vọng đã giúp bạn lựa chọn được cho mình loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất. Trong trường hợp cần yêu cầu dịch vụ thành lập công ty tại Luật Hùng Sơn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 0964.509.555 để được tư vấn nhanh chóng, kịp thời.

5/5 - (1 bình chọn)
Ls. Luyện Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top
Developed by Luathungson.vn
Facebook Messenger
Chat qua Zalo
Tổng đài 19006518
Developed by Luathungson.vn