Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại hình doanh nghiệp. Trong bài viết này, Luật Hùng Sơn sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về nội dung “So sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh” để tìm hiểu về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai loại hình này. Hãy cùng theo dõi nhé!
Phân biệt doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh
Doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có trụ sở giao dịch, có tài sản và được đăng ký thành lập theo đúng quy định của pháp luật với mục đích kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân được hiểu là một doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ sở hữu và tự phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty hợp danh là công ty phải có ít nhất hai thành viên (là cá nhân) làm chủ sở hữu chung trong Công ty, cùng nhau hoạt động kinh doanh dưới một tên chung. Những thành viên hợp danh phải có chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình về những nghĩa vụ của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể thêm các thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn thì chỉ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của công ty trong giới hạn số vốn đã góp vào công ty.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, khi thành lập và đi vào hoạt động kinh doanh với quy mô doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh được quyền lựa chọn một trong những loại hình như: Công ty TNHH, công ty hợp danh (CTHD), công ty Cổ phần hoặc là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cũng như dự định kinh doanh.
Bên cạnh đó, đối với một vài ngành nghề đặc thù hay là quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ thì có thể cân nhắc giữa công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, đây là các loại hình được sử dụng khá phổ biến.
Giữa hai loại hình doanh nghiệp trên có một số điểm giống nhau và khác biệt trong quá trình thành lập và quá trình vận hành.
Để hiểu rõ hơn, bạn đọc có thể tham khảo nội dung so sánh dưới đây.
So sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh
Điểm giống nhau
Thành viên hợp danh và chủ của doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với tất cả hoạt động của doanh nghiệp.
Thành viên hợp danh trong công ty hợp danh chỉ được thành lập một công ty hợp danh, chủ của doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
Không được phép phát hành chứng khoán hay là trái phiếu để huy động vốn.
Điểm khác nhau
Dưới đây là một số tiêu chí để so sánh điểm khác nhau giữa doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Cụ thể như sau:
Tiêu chí | Doanh nghiệp tư nhân | Công ty hợp danh |
Chủ sở hữu công ty – thành viên công ty | Chỉ có duy nhất một thành viên là cá nhân đồng thời cũng là chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Khi Doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu tiếp nhận thêm thành viên thì phải thực hiện tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên. Mỗi cá nhân chỉ có quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là thành viên công ty hợp danh, chủ hộ kinh doanh. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê doanh nghiệp của mình. |
Công ty có hai loại thành viên: thành viên hợp danh công ty và thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh bắt buộc là cá nhân, phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình về những nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn trong công ty có thể là tổ chức hoặc cá nhân chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong giới hạn số vốn đã góp trong công ty.
Số lượng thành viên không bị giới hạn. Ngoài ra, quy định yêu cầu luôn phải đáp ứng có từ 02 thành viên hợp danh trở lên. Thành viên hợp danh không được quyền làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh trong công ty hợp danh khác, loại trừ trường hợp được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại. Thành viên hợp danh không có quyền chuyển một phần hoặc tất cả phần vốn góp của mình trong công ty cho người khác nếu không được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. |
Tư cách pháp nhân | Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân | Là công ty có tư cách pháp nhân |
Người Đại diện theo pháp luật của công ty | Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là đại diện theo pháp luật của công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân trực tiếp hoặc là thuê người khác quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh. Nếu như thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân cũng là nguyên đơn, bị đơn hay là người có quyền lợi, các nghĩa vụ liên quan trước Tòa án hoặc Trọng tài trong những tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp. | Có thể có nhiều đại diện theo pháp luật. Những thành viên hợp danh đều là người đại diện theo pháp luật trong công ty. |
Vốn góp trong Công ty | Không có sự tách biệt giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu. | Thành viên hợp danh có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho công ty hợp danh. |
Quyền góp vốn và Chuyển nhượng vốn góp | Được quyền cho thuê hay là bán doanh nghiệp tư nhân; | Thành viên hợp danh không được quyền chuyển nhượng vốn góp, trừ khi được những thành viên hợp danh khác đồng ý
Thành viên góp vốn được quyền chuyển vốn góp cho người khác. |
Cơ cấu tổ chức và quản lý công ty | Theo quy định tại Điều 190 của Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có tất cả quyền quyết định đối với mọi hoạt động kinh doanh của công ty. – Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp quản lý hoặc thuê người khác quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh tuy nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động kinh doanh trong công ty. |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
– Hội đồng thành viên; – Hội đồng thành viên được bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty trừ trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác; |
Nên lựa chọn thành lập doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh
Để có thể đưa ra lựa chọn thành lập doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh, bạn cần nắm rõ những ưu và nhược điểm của từng loại hình này. Một số ưu điểm và nhược điểm đáng chú ý như sau:
Doanh nghiệp tư nhân
Về ưu điểm:
– Là loại hình chỉ có 1 chủ sở hữu vì thế chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong tất cả các quyết định về vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
– Chủ doanh nghiệp cũng đồng thời chính là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Chủ sở hữu doanh nghiệp được quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho người khác.
– Do có chế độ trách nhiệm vô hạn nên việc thành lập doanh nghiệp tư nhân ít có sự ràng buộc bởi quy định của pháp luật.
– Cơ cấu tổ chức của công ty tương đối gọn nhẹ và đơn giản.
– Chế độ trách nhiệm vô hạn cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tạo được niềm tin đối với đối tác và dễ dàng huy động vốn cũng như hợp tác kinh doanh.
Về nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên, doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại không ít nhược điểm, cụ thể:
– Đây là một loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.
– Tính rủi ro cao cho chủ sở hữu vì chủ sở hữu của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình
– Không được quyền phát hành bất cứ loại chứng khoán nào trên thị trường.
– Không được quyền góp vốn thành lập hay là mua cổ phần trong những loại hình doanh nghiệp khác.
– Chỉ được quyền thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân.
Công ty hợp danh
Về ưu điểm:
Công ty hợp danh có sự kết hợp được về uy tín cá nhân của nhiều người. Do có chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của tất cả các thành viên hợp danh. Công ty hợp danh sẽ dễ dàng tạo được sự tin cậy, tín nhiệm của các bạn hàng và đối tác kinh doanh.
Việc điều hành và quản lý công ty không quá phức tạp do có số lượng các thành viên ít và thành viên là những người có uy tín cũng như tuyệt đối tin tưởng nhau.
Thành viên hợp danh là các cá nhân có trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp cao, tạo được niềm tin cho các đối tác.
Doanh nghiệp dễ vay vốn ngân hàng và hoãn nợ hơn cũng bởi chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của những thành viên hợp danh.
Cơ cấu tổ chức khá gọn nhẹ, dễ quản lý rất thích hợp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về nhược điểm:
Do có chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên các thành viên hợp danh dễ chịu sự rủi ro rất cao.
Mặc dù có tư cách pháp nhân nhưng Công ty hợp danh không được quyền phát hành bất cứ loại chứng khoán nào. Vì vậy, việc huy động vốn trong công ty sẽ bị hạn chế nhiều. Những thành viên sẽ tự góp thêm tài sản của mình hoặc là tiếp nhận thêm thành viên mới.
Thành viên hợp danh nếu có rút khỏi công ty vẫn phải có trách nhiệm đối với những khoản nợ của công ty hợp danh có phát sinh từ các cam kết của công ty trước thời điểm thành viên đó rút khỏi công ty.
Công ty hợp danh không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân của thành viên hợp danh.
Hiện nay, vì những nhược điểm rất lớn của công ty hợp danh cho nên thực tế thấy rằng loại hình doanh nghiệp này chưa được phổ biến.
Tổng kết lại, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào để thành lập sẽ phụ thuộc vào nhiều tiêu chí và yếu tố như: Mục đích kinh doanh, tiềm lực về tài chính, số lượng thành viên sáng lập tham gia,… Bên cạnh đó, theo thời gian và quá trình kinh doanh, những tiêu chí này cũng có thể thay đổi và loại hình doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh để cho phù hợp với thực tế.
Dịch vụ luật sư tư vấn miễn phí tại Luật Hùng Sơn
Với nền kinh tế thị trường, nhu cầu thành lập công ty ngày càng nhiều và việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào cho phù hợp được rất nhiều người quan tâm. Nếu có nhu cầu thành lập công ty, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi – Luật Hùng Sơn để được tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý trước và sau khi thành lập doanh nghiệp. Với chi phí hợp lý cũng như thủ tục nhanh gọn, chúng tôi cam kết mang đến cho Khách hàng dịch vụ tối ưu nhất.
Trên đây là bài viết của Luật Hùng Sơn về nội dung “So sánh doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh” để giúp bạn đọc có thể đưa ra lựa chọn chính xác nhất cho mình. Trường hợp còn bất kỳ vướng mắc cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn qua hotline 0964 509 555.
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Sau ly hôn phụ nữ nên làm gì? 5 điều Nhất Định phải làm - 27/05/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/05/2023