Trong một số trường hợp, cha mẹ thường tặng cho con cái quyền sử dụng đất. Vậy có được sang tên sổ đỏ cho người dưới 18 tuổi không? Có quy định nào ràng buộc đối với người dưới 18 tuổi đứng tên sổ đỏ không? Hãy theo dõi ngay bài viết sau đây để không bỏ qua những lưu ý quan trọng nhé.
1. Khả năng thực hiện giao dịch của người dưới 18 tuổi
Theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng mà cá nhân đó bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về người thành niên như sau:
- Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người thành niên sẽ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành dân sự.
Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về khả năng giao dịch của người dưới 18 tuổi như sau:
- Người chưa đủ 6 tuổi: giao dịch dân sự sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập và thực hiện;
- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi: khi xác lập hay thực hiện giao dịch phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp giao dịch dân sự đó phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi đó;
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: sẽ tự mình xác lập hay thực hiện giao dịch dân sự, trừ các giao dịch dân sự có liên quan đến bất động sản, động sản phải thực hiện đăng ký và một số giao dịch dân sự khác theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, người dưới 18 tuổi vẫn được pháp luật cho phép tự mình xác lập hay thực hiện một số loại giao dịch dân sự (dù vẫn có một số hạn chế nhất định cần phải có được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật).
2. Có được sang tên sổ đỏ cho người dưới 18 tuổi không?
Để biết được người dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ đỏ hay không, cần quan tâm đến một số quy định pháp luật sau đây:
- Theo Khoản 1 Điều 97 của Luật Đất đai năm 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Tại Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) có quy định cụ thể về 7 trường hợp không được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, quy định này không đề cập đến trường hợp dưới 18 tuổi.
- Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 2013 và điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT), không đề cập đến trường hợp độ tuổi nào sẽ được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể như sau:
“a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;”
Có thể thấy pháp luật không quy định về độ tuổi nào sẽ được đứng tên trên sổ đỏ. Pháp luật chỉ quy định người có quyền sử dụng đất, người có quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được cấp Sổ đỏ.
Tóm lại, từ quy định về khả năng giao dịch của người dưới 18 tuổi và không quy định độ tuổi được đứng tên sổ đỏ, có thể sang tên sổ đỏ cho người dưới 18 tuổi. Vì đây là giao dịch có liên quan đến bất động sản, nên khi sang tên sổ đỏ cho con dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Thông qua các quy định trên và trong vấn đề tặng tài sản cho con dưới 18 tuổi, các bậc phụ huynh có thể yên tâm vì có thể sang tên sổ đỏ cho người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, nếu còn có thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay với hotline 0964.509.555 để nhận được sự hỗ trợ và giải đáp chi tiết.