logo

Quy định về quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp mới nhất 2021

  • Ls. Nguyễn Minh Hải |
  • 05-05-2021 |
  • Doanh nghiệp , |
  • 698 Lượt xem

Với một doanh nghiệp, Ban kiểm soát đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Vậy pháp luật về doanh nghiệp quy định quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp như thế nào? Hãy cùng Luật Hùng Sơn theo dõi qua bài viết sau đây nhé.

Quảng cáo

1. Quy định về Ban kiểm soát doanh nghiệp

1.1 Ban kiểm soát cần có trong loại hình doanh nghiệp nào?

Ban kiểm soát là tổ chức được lập ra bởi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên nhằm kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, tính chính xác và trung thực trong việc điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh, ghi chép sổ sách kế toán, thực hiện báo cáo tài chính…

Để nắm được các quy định về quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ Ban kiểm soát được thành lập trong loại hình doanh nghiệp nào. Theo Luật Doanh nghiệp 2020, hiện nay có 4 loại hình doanh nghiệp bao gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

Ban kiểm soát chỉ thành lập đối với công ty cổ phần và công ty.

1.2 Ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, khi công ty cổ phần lựa chọn thành lập theo mô hình 1 (bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc) thì quy định về thành lập Ban kiểm soát như sau:

  • Nếu công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên và các cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% số cổ phần của công ty trở lên thì bắt buộc phải có Ban kiểm soát trong cơ cấu công ty.
  • Nếu công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát trong cơ cấu công ty. Tuy nhiên, nếu công ty cổ phần thuộc trường hợp này mà có nhu cầu thành lập thì vẫn được phép thành lập Ban kiểm soát.

1.3 Ban kiểm soát trong công ty TNHH

Đối với công ty TNHH một thành viên:

Quảng cáo
  • Theo Điều 79 và Điều 85 Luật Doanh nghiệp 2020, nếu là công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu, công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì không bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát.
  • Nếu là công ty TNHH một thành viên có chủ sở hữu là doanh nghiệp nhà nước thì bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát. Trường hợp khác sẽ do công ty quyết định.

Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên:

  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát. Các trường hợp khác sẽ do công ty quyết định.

quyền và nghĩa vụ ban kiểm soát doanh nghiệp

2. Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp trong công ty cổ phần

Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp trong công ty cổ phần được quy định tại Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

  • Ban kiểm soát có nhiệm vụ thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc điều hành, quản lý công ty;
  • Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong việc điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh; tính nhất quán, hệ thống, tính phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính;
  • Thực hiện thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 6 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Ngoài ra, Ban kiểm soát còn phải rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông;
  • Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty cổ phần;
  • Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán cùng các tài liệu khác của công ty, công việc điều hành, quản lý hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, hoặc xem xét theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty;
  • Khi có yêu cầu xem xét từ cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty, Ban kiểm soát phải thực hiện việc kiểm tra trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến cho Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông đã có yêu cầu. Việc kiểm tra tại quy định này không được gây cản trở đến hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, và không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Khi Ban kiểm soát phát hiện có thành viên của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều 165 (Trách nhiệm của người quản lý công ty) phải thông báo ngay bằng văn bản đến cho Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm đó, và có giải pháp khắc phục hậu quả xảy ra;
  • Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, các cuộc họp khác của công ty;
  • Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao;
  • Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi thực hiện trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông;
  • Một số quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, theo Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

3. Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp trong công ty TNHH (là doanh nghiệp nhà nước)

3.1 Quyền của Ban kiểm soát

Theo Điều 105 Luật Doanh nghiệp 2020, quyền của Ban kiểm soát trong công ty TNHH (là doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:

  • Tham gia vào các cuộc họp Hội đồng thành viên, các cuộc tham vấn, trao đổi chính thức và không chính thức của cơ quan đại diện chủ sở hữu với Hội đồng thành viên; chất vấn Hội đồng thành viên, thành viên của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc là Tổng giám đốc về kế hoạch, dự án, chương trình đầu tư phát triển cũng như các quyết định khác trong quản lý, điều hành công ty;
  • Xem xét sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch và các tài liệu khác của công ty; kiểm tra công việc điều hành, quản lý của Hội đồng thành viên, thành viên của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi xét thấy cần thiết hoặc xem xét theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu;
  • Yêu cầu Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác báo cáo, cung cấp các thông tin trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty;
  • Yêu cầu người quản lý công ty báo cáo về thực trạng tài chính và kết quả kinh doanh của công ty con khi xét thấy cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty;
  • Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán để tiến hành tham mưu và trực tiếp hỗ trợ Ban kiểm soát thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao;
  • Quyền khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

3.2 Nghĩa vụ của Ban kiểm soát

Theo Khoản 1 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2020, nghĩa vụ của Ban kiểm soát được quy định như sau:

  • Giám sát việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh của công ty;
  • Giám sát, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty;
  • Giám sát và đánh giá việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, thành viên của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
  • Giám sát, đánh giá hiệu lực và mức độ tuân thủ quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế quản lý và quy chế báo cáo, quy chế phòng ngừa rủi ro, quy chế quản trị nội bộ khác của công ty;
  • Giám sát tính hợp pháp, tính hệ thống và trung thực trong công tác kế toán, sổ sách kế toán, trong nội dung báo cáo tài chính, các phụ lục và tài liệu khác có liên quan;
  • Giám sát hợp đồng và giao dịch của công ty với các bên có liên quan;
  • Giám sát thực hiện dự án đầu tư lớn; giao dịch, hợp đồng mua, bán giao dịch, hợp đồng kinh doanh khác có quy mô lớn; giao dịch, hợp đồng kinh doanh bất thường của công ty;
  • Lập và gửi báo cáo đánh giá, kiến nghị về nội dung quy định trên cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên;
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quy định tại Điều lệ công ty.

Trên đây là một số quy định mới nhất 2021 về quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu như bạn còn có thắc mắc gì về vấn đề trên, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào chưa được giải quyết, hãy liên hệ ngay với Luật Hùng Sơn để nhận được sự hỗ trợ tư vấn và giải đáp chi tiết.

Vui lòng đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Tin mới

Các tin khác

Video tư vấn pháp luật

To-top