Việc xây dựng và sử dụng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho hàng hóa và dịch vụ có hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cũng như tạo ra một công cụ pháp lý để nhà sản xuất, kinh doanh chống lại các hành vi đạo nhái nhãn hiệu tập thể. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể? Bài viết sau đây của Luật Hùng Sơn sẽ tư vấn rõ ràng về vấn đề này.
Thứ nhất, nhãn hiệu tập thể là gì?
Tại khoản 17 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau: Nhãn hiệu tập thể dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Như vậy, không giống như nhãn hiệu thông thường, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể không trực tiếp sử dụng nhãn hiệu tập thể mà nhãn hiệu tập thể được sử dụng thông qua việc sử dụng của chính các tổ chức, cá nhân là thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể và đáp ứng được các điều kiện đề ra trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Việc sử dụng này được thể hiện thông qua việc các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu, gắn nhãn hiệu tập thể lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, các phương tiện kinh doanh, phương tiện giao dịch hoặc thông qua việc lưu trữ, tàng trữ, quảng cáo để bán các hàng hóa, hoặc cung ứng các dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể được bảo hộ.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể là một hoặc toàn thể các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc quy phạm xã hội điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nhãn hiệu tập thể do tổ chức chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể ban hành theo thủ tục, trình tự nhất định, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các thành viên của tổ chức.
Thứ hai, những chủ thể nào có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể?
Một là, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể. Đây là chủ thể sở hữu văn bằng bảo hộ, là tổ chức đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể – VĂN bằng do Cục sở hữu trí tuệ cấp, do đó, chủ thể này đương nhiên có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Hai là, các chủ thể được chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể cho phép sử dụng nhãn hiệu tập thể thuộc quyền sở hữu của mình. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu tập thể, đáp ứng được các yêu cầu trong quy chế tập thể và được chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể cho phép sử dụng thì có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Thứ ba, quyền của các thành viên khi sử dụng nhãn hiệu tập thể
Quyền của các thành viên khi sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ được quy định rõ ràng trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể do tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ tiến hành xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể là quyền được gắn (in, dán, dập, đúc hoặc các hình thức khác) nhãn hiệu tập thể đó trên sản phẩm, phương tiện kinh doanh sản phẩm, bao bì đựng sản phẩm, và giấy tờ giao dịch nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoặc mua, bán sản phẩm đó. Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể hoàn toàn bình đẳng về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ liên quan đến nhãn hiệu tập thể, cụ thể có thể có những quyền sau:
– Có quyền gắn nhãn hiệu tập thể trên bao bì cho loại sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh;
– Có quyền sử dụng, quyền khai thác và quyền hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu tập thể.
– Các thành viên được pháp luật bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Có quyền đề xuất ý kiến liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác nhãn hiệu tập thể đó.
Thứ tư, nghĩa vụ của các thành viên khi sử dụng nhãn hiệu tập thể
Đối chứng với quyền, nghĩa vụ của các thành viên khi sử dụng nhãn hiệu tập thể là những trách nhiệm mà cá nhân, tổ chức phải thực hiện khi sử dụng nhãn hiệu tập thể. Theo đó, nghĩa vụ cũng được quy định rõ trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, thường bao gồm những nghĩa vụ sau:
– Phải sử dụng đúng và chính xác nhãn hiệu tập thể;
– Chỉ sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các loại sản phẩm đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Không được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể dưới bất kỳ hình thức nào nếu chưa có sự đồng ý của chủ nhãn hiệu tập thể;
– Cấm mọi hành vi sử dụng làm sai lệch nhận thức, ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu tập thể; đưa thông tin sai lệch hoặc lạm dụng nhãn hiệu tập thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sử dụng;
– Bảo đảm chất lượng, duy trì thương hiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể;
– Nghiêm túc thực hiện quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể nói chung và công tác sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu nói riêng;
– Thực hiện chấp hành nghiêm những quyết định xử lý vi phạm về nhãn hiệu tập thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
– Thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí, phí sử dụng nhãn hiệu tập thể cho tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể theo quy định.
Thứ năm, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể
Pháp luật hiện hành đã tạo được cơ sở pháp lý khá vững chắc cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với nhãn hiệu tập thể nói riêng. Theo đó, để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể, trong quy chế sử dụng nhãn hiệu nên đề cập đến các biện pháp xử lý vi phạm, cụ thể như:
– Cá nhân, tổ chức nào có hành vi xâm phạm quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật (xử phạt hành chính, dân sự) hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật hình sự.
– Cá nhân, tổ chức vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể gây thiệt hại cho xã hội hoặc cho người tiêu dùng, gián tiếp làm ảnh hưởng đến danh tiếng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
– Các thành viên có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định về khiếu nại, tố cáo của pháp luật về các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Trên đây là tư vấn của Luật Hùng Sơn về những vấn đề liên quan đến quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể theo pháp luật hiện hành. Vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng./.
- Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật - 28/05/2023
- Sau ly hôn phụ nữ nên làm gì? 5 điều Nhất Định phải làm - 27/05/2023
- Đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất năm 2023 - 27/05/2023