Pháp luật là gì? Vai trò của pháp luật. Đặc điểm của pháp luật ra sao? Nguồn gốc của pháp luật. Cùng Luật Hùng Sơn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Pháp luật là gì?
Pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi nhà nước và mang tính bắt buộc thực hiện với mọi chủ thể trong xã hội. Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị.
Cụ thể, định nghĩa về pháp luật gồm các yếu tố sau:
- Pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc chấp nhận đối với những tập quán ban đầu có sẵn.
- Là hệ thống các quy tắc xử sự chung, được áp dụng với quy mô cả nước, đối với mọi chủ thể trong xã hội.
- Pháp luật mang tính bắt buộc áp dụng, bởi vậy các chủ thể sẽ không có quyền thực hiện hay không thực hiện pháp luật.
- Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị.
Tóm lại, khi nói đến pháp luật là gì thường sẽ nói đến những quy phạm mang tính bắt buộc và phổ biến, áp dụng trong toàn xã hội và được áp dụng nhiều lần.
Nguồn gốc của pháp luật
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Nhà nước cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật. Pháp luật hình thành bằng ba con đường chủ yếu sau:
- Nhà nước thừa nhận những tập quán đã có từ trước phù hợp với lợi ích của mình và nâng lên thành pháp luật;
- Nhà nước thừa nhận các quyết định có trước về từng vụ việc cụ thể của cơ quan xét xử hoặc cơ quan hành chính cấp trên để trở thành khuôn mẫu cho các cơ quan cấp dưới tương ứng giải quyết những vụ việc tương tự xảy ra sau này;
- Nhà nước ban hành những quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới nảy sinh do nhu cầu quản lý và duy trì trật tự xã hội.
Riêng với con đường thứ ba này, hình thức pháp luật thứ ba ra đời, đó chính là các văn bản quy phạm pháp luật.
Vai trò của Pháp luật?
Pháp luật có vai trò quan trọng đối với nhà nước và xã hội, đối với mỗi chủ thể khác nhau thì pháp luật lại có những vai trò riêng.
Vai trò của pháp luật đối với nhà nước
Vai trò của pháp luật đối với nhà nước gồm những nội dung sau:
- Thứ nhất pháp luật là cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tồn tại của nhà nước;
- Thứ hai pháp luật là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước;
- Thứ ba pháp luật là công cụ quản lý của nhà nước đối với mọi lĩnh vực của xã hội;
- Thứ tư pháp luật là cơ sở pháp lý cho hoạt động và tổ chức bộ máy nhà nước, tránh sự chồng chéo trong bộ máy pháp luật.
Vai trò của pháp luật với xã hội
- Còn vai trò của pháp luật đối với xã hội bao gồm:
- Một là pháp luật có vai trò giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội, khi trong quan hệ xã hội xảy ra những mâu thuẫn thì sẽ căn cứ vào pháp luật để giải quyết.
- Hai là pháp luật nhằm để thiết lập các cơ chế đảm bảo trật tự an toàn, xã hội; đảm bảo cho một xã hội văn minh và công bằng.
- Ba là pháp luật giúp điều tiết, định hướng cho sự phát triển của xã hội bằng cách loại bỏ những quan hệ xã hội xấu và nâng đỡ cho những quan hệ xã hội tốt được phát triển.
- Bốn là pháp luật nhằm bảo vệ các quyền của con người được công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội.
Như vậy một xã hội phát triển được thì cần có những hệ thống pháp luật nghiêm ngặt và tạo sự công bằng bình đẳng cho những chủ thể trong xã hội được đi lên. Vậy nên một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh rất cần thiết đối với nhà nước và xã hội của chúng ta.
Đặc điểm của pháp luật
Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của pháp luật:
Tính quy phạm phổ biến
Tính quy phạm phổ biến được hiểu là tính bắt buộc thực hiện mọi quy định của pháp luật hiện hành đối với mọi cá nhân, tổ chức chứ không riêng cho mỗi cá nhân hay tổ chức nào. Từ đó ràng buộc các chủ thể trong quyền, nghĩa vụ hay các hoạt động cấm thực hiện để nhằm tạo ra khuôn mẫu, chuẩn mực chung trong xã hội.
Pháp luật cũng được tiếp cận bằng nhiều hình thức khác nhau, đến tất cả mọi người. Mọi người cần nhận thức rõ ràng về các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đây không phải lựa chọn mà tất cả mọi người bắt buộc phải tuân thủ theo và chịu quản lý của nhà nước thông qua hệ thống pháp luật. Nhà nước sẽ đảm bảo thực thi pháp luật bằng giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế. Do đó mọi người trong xã hội cần tuân theo các quy định của pháp luật đã được ban hành.
Như vậy, có thể thấy pháp luật có tính quy phạm phổ biến vì pháp luật được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mọi đối tượng trong xã hội. Các quy phạm phổ biến, rộng khắp và điều chỉnh hành vi của con người để từ đó tạo ra khuôn mẫu, chuẩn mực chung được nhà nước xây dựng, áp dụng trong đời sống xã hội.
Tính xác định chặt chẽ
Pháp luật luôn được thể hiện dưới những hình thức nhất định hay nói cách khác, những quy định pháp luật phải được chứa đựng trong các nguồn luật như tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật …
Sự xác định chặt chẽ về hình thức là điều kiện để phân biệt giữa pháp luật với những quy định không phải là pháp luật, đồng thời, tạo nên sự thống nhất, chặt chẽ, rõ ràng, chính xác về nội dung của pháp luật.
Tính bắt buộc thực hiện
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội, được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước và là cơ sở pháp lý cho đời sống xã hội có nhà nước.
Nhà nước là đại diện cho quyền lực công. Pháp luật do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước, là quy định bắt buộc với tất cả mọi cá nhân, tổ chức, ai cũng phải xử sự theo pháp luật, nếu không sẽ bị áp dụng những biện pháp cần thiết, kể cả cưỡng chế để buộc họ tuân theo hoặc để khắc phục những hậu quả do việc làm trái pháp luật của họ gây nên.
Ngoài ra, căn cứ vào pháp luật, các tổ chức và cá nhân trong xã hội sẽ biết mình được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, làm như thế nào khi ở vào một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào đó. Pháp luật là tiêu chuẩn để đánh giá hành vi con người, căn cứ vào pháp luật có thể xác định được hành vi nào là hợp pháp, hành vi nào là trái pháp luật, hoạt động nào mang tính pháp lý và hoạt động nào không mang tính pháp lý.
Với những lý do nêu trên, pháp luật có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội, có tác động thường xuyên trên toàn lãnh thổ và trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Ví dụ, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Do đó tất cả người dân đều buộc phải tuân thủ quy định này, không được phép tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
Trên đây là toàn bộ thông tin của công ty Luật Hùng Sơn về “Pháp luật là gì”. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng!