Luật hành chính là gì? Đối tượng của luật hành chính
Trong pháp luật Việt nam, mỗi ngành luật khác nhau sẽ điều chỉnh những quan hệ pháp luật riêng biệt, từ đó giúp nhà nước dễ dàng quản lý và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Trong hệ thống pháp luật đó, luật hành chính có một vai trò rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Vậy luật hành chính là gì? Tìm hiểu cụ thể về ngành luật này qua bài viết sau của Luật Hùng Sơn.
Luật hành chính là gì?
Luật hành chính là ngành luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, các quan hệ xã hội này phái sinh trong quá trình cơ quan nhà nước xây dựng, ổn định chế độ công tác nội bộ của mình, các quan hệ xã hội này phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện hoạt động quản lý hành chính đối với các vấn đề cụ thể được pháp luật quy định.
Luật hành chính điều chỉnh toàn bộ các quan hệ quản lý hành chính nhà nước được thực hiện bởi nhà nước hoặc danh nghĩa nhà nước và đối tượng điều chỉnh cơ bản của Luật hành chính là các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động quản lý hành chính nhà nước sẽ được thực hiện thông qua các quan hệ xã hội được các quy phạm của luật hành chính điều chỉnh.
Đối tượng của luật hành chính
Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là các quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh giữa chủ thể tham gia hoạt động của nhà nước trong những trường hợp sau:
- Những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
- Những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động xây dựng, tổ chức công tác nội bộ của cơ quan nhà nước khác (như Tòa án, Viện kiểm sát).
- Những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động của cơ quan nhà nước khác hoặc các tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Nguồn của Luật hành chính?
Nguồn của luật hành chính là các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dựa theo thủ tục và dưới hình thức nhất định, có nội dung là các quy phạm pháp luật hành chính và có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các đối tượng liên quan, được bảo đảm thực hiện bằng cách cưỡng chế Nhà nước.
Trong đó, Quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng một cách lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc các đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Căn cứ vào các cơ quan ban hành, nguồn của luật hành chính bao gồm các loại sau:
Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực Nhà nước
Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực Nhà nước bao gồm có luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của hội đồng nhân dân.
Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước
Chủ tịch nước được quyền ban hành lệnh, quyết định để thực hiện tất cả những nhiệm vụ của Chủ tịch nước được pháp luật quy định.
Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước
Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ bao gồm Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Quyết định của Ủy ban nhân dân.
Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và viện kiểm sát nhân dân tối cao
Văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:
- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán Nhà nước
Nói chung, luật hành chính có hệ thống khá phức tạp, đa dạng điều chỉnh các mối quan hệ khác nhau trong quản lý hành chính Nhà nước.
Phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính?
Luật hành chính khi điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành sử dụng phương pháp mệnh lệnh phục tùng. Bởi vì bản thân hoạt động quản lý nhà nước mang bản chất là tính uy quyền do các bên tham gia quan hệ có địa vị không bình đẳng với nhau về mặt ý chí: một bên ra lệnh, bên kia cần phải phục tùng.
Tuy vậy sẽ có những trường hợp đặc biệt luật hành chính cũng sử dụng phương pháp thỏa thuận, ví dụ như trong trường hợp ban hành các quyết định liên tịch, ký kết và thực hiện hợp đồng hành chính. Quan hệ giữa các bên tham gia ký kết sẽ là quan hệ bình đẳng, trong quá trình thỏa thuận với nhau để đi đến ký kết không ai có quyền ra lệnh và ép buộc ai.
Trên đây là toàn bộ thông tin của công ty Luật Hùng Sơn về “luật hành chính là gì?”. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng!
- Mối quan hệ giữa pháp luật và chính trị - 31/05/2023
- Mẫu đơn xin xác nhận địa điểm kinh doanh mới nhất - 31/05/2023
- Tìm hiểu giấy bán xe viết tay có hợp pháp? - 31/05/2023